Ông bố thông báo "Ai khoe điểm con, ra khỏi... nhà tôi"
(Dân trí) - Trong mùa tổng kết năm học, mùa thi, một ông bố ở TPHCM thông báo, sẽ "chặn" bất kỳ là bạn trên Facebook của mình mà khoe giấy khen, điểm số của con.
"Chặn" những ai khoe giấy khen, điểm số của con
Mới đây, anh Lê Đức, một phụ huynh tại TPHCM đăng trạng thái sẽ chặn (Block) bạn trên Facebook người nào khoe thành tích của con.
Anh bắt đầu bằng câu "Ai khoe điểm con, ra khỏi... nhà tôi" rồi cho biết sẽ block bất kỳ ai là bạn trên Facebook của mình đăng ảnh, nội dung khoe giấy khen, điểm tổng kết, điểm thi của con.
Anh Đức cho biết, sau khi tổng kết năm học, các em học sinh trải qua một số kỳ thi như vào lớp 6, thi lớp 10, thi lớp 12. Như mọi năm, anh thấy nhiều bố mẹ từ khoe thành tích, giấy khen, xếp hạng, lại bắt đầu khoe điểm thi, trường thi của con.
"Bố mẹ khoe về bản thân thoải mái. Nhưng khoe giấy khen, điểm số của con mình thấy phản cảm, như thể đứa con là "trang sức" của họ vậy.
Con học giỏi, điểm tốt ai cũng vui nhưng đó là việc của con, chưa kể qua một kỳ thi, còn rất nhiều trẻ chưa đạt được kết quả tốt, cần sự tế nhị", anh chia sẻ.
Không chỉ vị phụ huynh này, trên mạng xã hội, một số người tuyên bố chặn, block những người khoe giấy khen, điểm số của con. Họ quan điểm, bố mẹ khoe điểm của con trước hết là thiếu tôn trọng quyền riêng tư của con, rồi có thể làm tổn thương những đứa trẻ khác.
"Tôi không muốn tranh cãi đúng sai ở đây, chỉ là không cùng quan điểm, giá trị sống nên ngừng kết nối, tương tác", một người mẹ cho biết.
Áp lực dồn lên vai con trẻ
Việc phụ huynh khoe điểm số, giấy khen của con lên mạng xã hội từ lâu đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho là chuyện bình thường, đẹp khoe, xấu che nhưng việc khoe giấy khen, thành tích của con cũng gặp rất nhiều ý kiến phản ứng, không đồng tình.
Hiện nay, đảm bảo quyền riêng tư của trẻ, nhiều trường học, hay các kỳ thi khi có kết quả thi đều không công khai điểm thi của các thí sinh mà học sinh chỉ biết điểm của mình. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại chọn cách tự... xâm phạm quyền riêng tư của con bằng việc khoe trên mạng xã hội.
Ít bố mẹ biết rằng, việc này có thể gây áp lực cho chính những đứa con. Điểm số của mình bị công khai, giờ đây, các em không còn đối diện với bố mẹ, thầy cô mà còn với rất nhiều người xung quanh, cả những người các em không quen biết.
Những lời khen, sự ngưỡng mộ của mọi người đổ dồn về bố mẹ và muốn hay không, khi khoe điểm con, bố mẹ trao áo lực đó sang con.
Cũng ít ai để ý, không phải học sinh kém mà những đứa bé học giỏi, sớm có nhiều thành tích lại là những trẻ gánh nhiều áp lực nhất. Các em bị áp lực thành tích sau phải cao hơn trước, áp lực từ sự kỳ vọng của bố mẹ, áp lực không được quyền thua cuộc, thất bại...
Trong thực tế, nhiều đứa trẻ ngày bé được gọi là "thần đồng" nhưng sau đó "số phận" đi xuống. Thật ra, chưa hẳn vì các em kém hơn mà bơi ngay từ đầu cách đánh giá, kỳ vọng của người lớn đặt lên các em quá cao.
Điều nguy hiểm hơn là khi "yêu con", thể hiện tình yêu tập trung vào thành tích, điểm số, giấy khen, bằng khen... bố mẹ có thể đã bỏ qua tâm tư, suy nghĩ, mong muốn thật sự của con không nhìn thấy những tín hiệu bất ổn ở trẻ.
Không ít trường hợp, học sinh giỏi khi bị điểm kém, điểm tổng kết thấp, thi rớt... đã bị sốc, dẫn đến hành vi tiêu cực như nhảy lầu, nhảy sông tự vẫn với tâm tư "vì đã làm bố mẹ thất vọng".
Đừng biến con mình thành "cái bóng" cho người khác
Trong buổi nói chuyện online về chủ đề khoe thành tích của con mới đây, ThS Nguyễn Hoàng Dũng, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương cho biết, việc đưa thành tích, điểm số, giấy khen của con ra trước người khác cần được cân nhắc, xem xét.
Tờ giấy khen chỉ trong thời điểm đó, trong bài thi đó, trong lộ trình đó, trong đánh giá của giáo viên... nó chưa mang tính quyết định tương lai của đứa trẻ.
Việc quá đề cao, phô diễn thành tích có thể dẫn đến việc đứa trẻ hay bố mẹ có thể làm cách để đạt kết quả cao, kể cả theo cách tiêu cực.
Chưa kể, khi khoe điểm số, thành tích của con, người khác đánh giá không đúng năng lực, điểm xuất phát có thể biến con mình thành "cái bóng" để trở thành mục tiêu cho những đứa trẻ khác. Đây là điều rất không nên và gây áp lực cho cả hai.
Người đăng lên cần xem động cơ chia sẻ của mình, còn người tiếp nhận nên tỉnh táo, tế nhị trong ứng xử với con khi nhìn kết quả của người khác
Khổ sở vì hay khoe điểm con
"Từ khi con đi học đến giờ, năm nào chị gái tôi cũng khoe giấy khen, thành tích của con trai. Khoe trên mạng, khoe bên ngoài khắp nơi. Mới đây, cháu thi rớt lớp 10 hai nguyện vọng, chỉ đủ điểm xét vào nguyện vọng 3.
Mẹ cháu bây giờ khổ sở tìm cách giấu nhẹm đi, hoảng loạn không biết trả lời sao khi ai hỏi điểm của con, hỏi con học trường nào, lại quay sang trách móc con. Điều này làm cho cháu càng thêm khủng hoảng", chị N.N.San, nhân viên ngân hàng ở Q. Tân Bình, TPHCM chia sẻ.