Bé 5 tuổi vật vờ học đủ thể loại, không kịp ăn bữa tối
(Dân trí) - Kết thúc học chữ ở trường mầm non lúc 18h, bé G. được cô giúp việc đến đón với hộp cơm trên tay. Cháu được đút ăn ngay trước cổng trường để kịp vào lớp học đàn lúc 18h30.
"Nuốt nhanh, ăn nhanh lên để còn vào lớp", ngồi ở ghế đá đút cho đứa bé đang học lớp Lá, bác giúp việc lớn tuổi tên Thịnh không ngừng giục giã. Lâu lâu, bác đưa tay vỗ vỗ người bé như động tác nhắc ăn nhanh, nuốt nhanh.
Khi bé ăn được hơn nửa hộp cơm, bác đưa hộp sữa, cắm sẵn ống hút, cầm tận nơi cho bé uống. Rồi bác giục: "Vào lớp nhanh lên, trễ giờ rồi! Vào lớp trễ giờ mẹ biết là la đấy!".
Trường mầm non và lớp học nhạc cùng nằm trong khuôn viên một chung cư ở Thủ Đức, TPHCM. Cháu L.G. vùng vằng, bước đi từng bước nặng nhọc. Nghe giục, cháu bé như càng cố tình đi chậm, quay ngang quay ngược nhìn bạn.
Bác giúp việc lại kéo tay cháu bé, lôi xềnh xềnh đi về phía hướng lớp. Cô bé mếu máo, phản ứng: "Con không muốn học, con không muốn học!". Vậy nhưng, cháu vẫn bị đẩy vào lớp học với khuôn mặt mệt mỏi, đầy nước mắt nước mũi.
Ngồi ngoài chờ, bác giúp việc kể, học nhạc xong, đến 7h30 tối, cháu L.G. sẽ vào lớp học chữ của một cô giáo dạy kèm trước khi vào lớp 1 ngay trong chung cư. Bé học chữ ở đây từ lâu, còn ở trường mới tổ chức gần đây, mẹ bé cũng đăng ký cho bé theo học cho yên tâm.
Tuần 3 buổi theo lịch, học cả ngày ở trường mầm non đến 4h30, ở lại tiếp tục học chữ 1,5 tiếng, đi học đàn rồi lại học chữ. Đến 9h tối, cháu mới về nhà tắm rửa, ăn uống thêm.
Còn các ngày khác trong tuần, cháu bé cũng kín lịch với học vẽ, học bơi, học tiếng Anh và cả học võ. Suốt cả tuần, từ sáng đến tối, chỉ duy nhất trống vào sáng thứ 7.
"Bây giờ bọn trẻ học kinh lắm, công việc chính của tôi là đứa đón cháu đi học thôi đây mà còn hết hơi. Tôi phải ghi thời khóa biểu của cháu ra giấy để đưa đón cho đúng giờ, để khỏi quên", bà Thịnh cho hay.
Huy động cả nhà đưa đón trẻ đi học
Lịch "nhồi nhét" đủ thể loại vào đứa trẻ 5 tuổi như cháu L.G. không phải là trường hợp hiếm. Mới đây, chị Thùy Nhung, nhà ở Bình Thạnh, TPHCM, có con chuẩn bị vào lớp 1 cũng vừa đăng ký thêm cho con trai học chữ trước, học võ và đang lên kế hoạch phải cho con học bơi.
Hiện tại, cháu đã học tiếng Anh tuần 3 buổi ở trung tâm, học nhạc tuần 2 buổi, học vẽ tuần 2 buổi, học cờ vua tuần 3 buổi. Chị Nhung thấy cháu hơi nhỏ con nên muốn cháu học thêm vận động để phát triển thể chất. Nhưng nói bớt các môn khác thì... chị không biết bớt môn nào.
Cả gia đình từ hai vợ chồng, cô em gái chồng, cho đến cô giúp việc thay nhau luân phiên đưa đón cháu đi học. "Bỏ môn nào tôi cũng thấy tiếc, cứ sợ thiếu rồi con thua thiệt", người mẹ nói.
Với lịch học như vậy bên cạnh lịch học chính ở trường mầm non, con trai chị Nhung hầu như không bao giờ ăn cơm ở nhà. Cháu ăn cơm quán, ăn tạm ổ bánh mỳ, bánh bao, ly sinh tố để kịp đến các lớp học.
Để con "phát triển toàn diện" hay kỳ vọng thành thiên tài, thần đồng..., nhiều gia đình đẩy những đứa con mới tí tuổi đầu đến đủ các loại lớp học từ kiến thức đến năng khiếu. Cảnh trẻ nhỏ phản ứng bằng cách khóc lóc, gào thét vẫn bị đẩy bằng được vào các lớp học là hình ảnh rất dễ thấy.
Để "nhồi" con học, nhiều bố mẹ sẵn sàng tước bỏ của con những điều cơ bản cần thiết nhất như được ăn uống, sum vầy cùng gia đình, được ngủ đủ giấc, được vui chơi, được kết nối, được chia sẻ...
Điều này cũng phản ánh, bố mẹ ngày càng có xu hướng đẩy việc giáo dục con ra bên ngoài, cậy hết vào trường lớp, vào thầy cô. Nhiều người đang bỏ quên yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của mọi đứa trẻ là giáo dục gia đình, là vai trò của bố mẹ.
Chưa kể, để lại hậu quả lâu dài là ngay từ khởi đầu, trẻ đã mất đi động lực học tập là học cho mình, học để khám phá bản thân. Các em mang ấn tượng xấu về việc học, hay xem việc học như để "trả nợ" cho bố mẹ.
Trong lần chia sẻ về trầm cảm tuổi học trò, bác sĩ tâm lý Nguyễn Minh Tiến, CLB tâm lý Trăng Non nhấn mạnh, chưa một thời đại nào, trẻ nhỏ gánh nhiều áp lực, kỳ vọng từ xã hội, từ gia đình như hiện nay.
Khi sự kỳ vọng vượt quá khả năng, sẽ dẫn tới sự khủng hoảng ở lứa tuổi học sinh, kéo theo rất nhiều hệ lụy đau lòng.