Không để học sinh phải bỏ học vì học phí tăng
Dư luận cả nước đang quan tâm nhiều tới dự thảo Đề án điều chỉnh học phí của Bộ GD- ĐT. Nhiều ý kiến không đồng tình với bản dự thảo, mà một trong những nguyên nhân chính là do thiếu thông tin từ Bộ GD -ĐT, khiến người dân chưa hiểu đầy đủ về bản chất vấn đề.
Trao đổi với phóng viên vì sao Bộ lại có chủ trương tăng học phí, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho biết:
- Trước hết, tôi xin nói rằng đây là đề án điều chỉnh học phí chứ không phải tăng như một số báo đã đăng. Lý do phải điều chỉnh có thể tóm tắt như sau:
Thứ nhất, từ các chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục (GD), trong đó có nội dung hoàn thiện chính sách học phí của các cơ sở GD, trước hết là công lập, với mục đích huy động sự đóng góp hợp lý của bộ phận dân cư có khả năng tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhằm tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GD phát triển, đồng thời sử dụng tập trung hơn ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục được tăng thêm trong những năm tới cho giáo dục những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; ưu tiên cho GD vùng dân tộc và những đối tượng chính sách, học sinh nghèo, học sinh (HS) giỏi.
Lý do thứ hai phải điều chỉnh xuất phát từ thực tế thực hiện Quyết định 70 về chính sách học phí được ban hành từ năm 1998, đến nay đã bộc lộ nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Cụ thể, với mức thu hiện nay, ở nhiều tỉnh khó khăn khoản chi cho con người (chủ yếu là tiền lương) chiếm tới 90% hoặc hơn 90% chi thường xuyên. Phần còn lại phục vụ trực tiếp cho hoạt động giảng dạy học tập của nhà trường là rất ít. Do vậy, hoạt động của các cơ sở GD gặp nhiều khó khăn. Trong các cơ sở đào tạo, mức chi thực tế cho một SV hiện nay cũng thấp hơn so với định mức do Bộ Tài chính quy định.
Cơ chế sử dụng học phí hiện hành cũng có những điểm không phù hợp với Nghị định 10 của Chính phủ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính của các cơ sở GD. Một bất cập khác là trong Quyết định 70 chưa đề cập đến nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện chính sách miễn giảm học phí. Do vậy, các trường phải tự lấy tiền của mình miễn giảm cho HS. Trường nào có nhiều HS thuộc diện được miễn giảm thì gặp nhiều khó khăn.
Lý do thứ ba liên quan đến việc thực hiện Luật GD đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1.1.2006, theo đó phải đưa tất cả các khoản thu hợp lý vào học phí. Nhà trường chỉ còn thu học phí và lệ phí tuyển sinh thôi, ngoài ra không được có khoản thu nào khác.
Xin ông cho biết những bậc học nào sẽ phải điều chỉnh học phí? Cụ thể như thế nào?
Đề án đề xuất điều chỉnh học phí đối với bậc trung học phổ thông và lĩnh vực đào tạo bao gồm dạy nghề, THCN, CĐ, ĐH và sau ĐH. Khu vực mầm non, tiểu học, THCS vẫn áp dụng theo chính sách hiện hành, không thay đổi. Nội dung điều chỉnh là khung học phí (mức thấp nhất và mức cao nhất). Mức học phí của từng trường sẽ có những biến động theo thời gian nhưng sẽ phải nằm trong khung đó. Khung này bao quát toàn bộ các cơ sở GD cùng một bậc học trong cả nước. Ví dụ, đối với đại học mức thấp nhất 50.000 đồng/tháng, cao nhất là 900.000 đồng/tháng.
Theo đề án, mức học phí 900.000 đồng được áp dụng đối với một số ít ngành trong một số ít trường ĐH có sử dụng chương trình đào tạo nước ngoài, mời giáo sư nước ngoài giảng dạy, nhưng không phải thu ngay 900.000 đồng trong năm 2006 mà sẽ thực hiện theo lộ trình để đạt mức học phí cao nhất vào năm 2010.
Thưa ông, liệu với khung học phí quá rộng như vậy có dẫn đến tình trạng các trường tùy tiện nâng mức học phí ?
Mức thu học phí phải căn cứ vào nhiều yếu tố bao gồm: mức ngân sách đầu tư của Nhà nước cho các trường (trường được đầu tư nhiều học phí sẽ thấp hơn, trường được đầu tư ít học phí sẽ cao hơn); điều kiện kinh tế - xã hội; khả năng đóng góp hay thu nhập của người dân. Ngoài ra, còn phải tính đến chất lượng đào tạo của nhà trường qua hệ thống kiểm định chất lượng GD. Mức học phí không phải do hiệu trưởng quyết định.
Theo Luật GD, mức học phí các trường trực thuộc địa phương sẽ do hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định còn đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc T.Ư, mức học phí do Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD-ĐT quyết định. Tôi khẳng định rằng sẽ không có chuyện tăng đột ngột học phí, sẽ không có việc các hiệu trưởng đẩy học phí lên một cách đồng loạt, vô trách nhiệm.
Việc tăng học phí sẽ làm ảnh hưởng tới những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và có thể làm gia tăng đối tượng này. Bộ GD-ĐT có điều chỉnh gì trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với đối tượng này?
Đối với HS nghèo, đề án đề xuất mở rộng đối tượng miễn giảm và bổ sung mức giảm học phí. Hiện nay có các mức miễn giảm 100%, 70% và 50%, chúng tôi đề xuất có thêm mức 25 hoặc 30%. Đồng thời, cũng đề xuất thay đổi phương thức hỗ trợ theo hướng chuyển từ hỗ trợ cho cơ sở đào tạo có HS thuộc diện chính sách hiện nay sang phương án hỗ trợ trực tiếp cho người học. Theo cách này, người học thuộc diện chính sách học ở trường công lập hay ngoài công lập đều sẽ được hưởng quyền lợi như nhau.
Bên cạnh đó, chính sách học bổng cũng được thay đổi theo hướng tăng thêm mức học bổng và quỹ học bổng. HS nào vừa là đối tượng chính sách, vừa là HS giỏi thì sẽ được nhận 2-3 học bổng khác nhau. Đây là cách khuyến khích HS học giỏi và rèn luyện tốt.
Đề án còn đề cập đến việc đổi mới chính sách tín dụng để hỗ trợ những HS gặp khó khăn theo hướng tăng mức cho vay, kéo dài thời gian cho vay, đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Với những cơ chế đó, những HS nghèo có năng lực, học giỏi và rèn luyện tốt hoàn toàn có điều kiện để theo học ở những trường tốt nhất. Tôi xin nói thêm: Khi thiết kế chính sách học phí, chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để HS phải bỏ học vì lý do điều chỉnh học phí và thiếu các chính sách hỗ trợ.
Theo Thu Hồng - Vũ Thơ
Thanh Niên