Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển nói gì?
"Bộ GD-ĐT xin được nói rõ, 900.000đ hoàn toàn không phải là mức học phí áp dụng đại trà cho các nhà trường và cũng không thực hiện ngay trong năm 2006". Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển khẳng định.
Thưa Bộ trưởng, sau khi báo chí thông tin nội dung dự thảo của đề án, đã có rất nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân thể hiện sự không đồng tình. Vậy Bộ GD- ĐT tiếp thu ý kiến đó như thế nào?
Học phí là vấn đề lớn, nhạy cảm. Vì vậy, cần được trao đổi, bàn bạc kỹ lưỡng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD- ĐT đang cùng các bộ, ngành xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Chúng tôi cũng lắng nghe các ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội.
Bộ GD-ĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để xây dựng phương án hợp lý, có tính khả thi cao, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc này cũng đòi hỏi phải có thời gian.
Có ý kiến cho rằng, ngành giáo dục không thực thiếu tiền, song quản lý không hiệu quả. Ông có phản biện gì về vấn đề này?
Đúng là trong những năm vừa qua, đầu tư cho GD-ĐT đã được tăng lên đáng kể. Phần tăng đó đã cải thiện điều kiện hoạt động dạy và học của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giải quyết vấn đề phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa và giáo dục vùng dân tộc, thực hiện công bằng giáo dục.
Tuy vậy, ở đa số các địa phương, phần chi cho con người (chủ yếu là chi lương), vẫn chiếm trên 85%, phần chi cho các hoạt động trực tiếp phục vụ giảng dạy, học tập chỉ còn dưới 15% và các địa phương đang rất mong muốn có thêm nguồn bổ sung để giải quyết khó khăn này.
Trong những năm tới, do yêu cầu đổi mới đồng bộ từ mầm non đến đại học; yêu cầu kiên cố hóa trường, lớp học, đảm bảo cho học sinh học 2 buổi/ngày, đưa tin học vào nhà trường; hiện đại hóa giáo dục đại học, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục...thì nhu cầu về ngân sách cũng rất lớn.
Còn về việc quản lý ngân sách giáo dục, chúng tôi đang cố gắng để quản lý tốt hơn, sử dụng có hiệu quả hơn nguồn ngân sách được giao cũng như các nguồn lực khác để phát triển sự nghiệp giáo dục.
Khi xây dựng mức học phí này, ngành giáo dục có tính đến thực tế rằng có nhiều sinh viên đã phải khó khăn lắm mới có thể lo được mức học phí cũ bằng 1/5 mức mới để đi học, thậm chí có những sinh viên phải bỏ học vì không thể trang trải nổi việc sinh sống và ăn học không?
Để bảo đảm cho học sinh, sinh viên nghèo tiếp tục học tập, Nhà nước sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ như: mở rộng đối tượng miễn giảm và tăng mức miễn giảm học phí; tăng mức học bổng; mở rộng đối tượng, đơn giản thủ tục và tăng mức cho vay từ quỹ tín dụng đào tạo.
Đặc biệt là sẽ đổi mới cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho người học theo hướng cấp trực tiếp cho người học mà không cấp thông qua nhà trường như hiện nay. Điều này sẽ giúp cho người học chủ động lựa chọn ngành học, trường học với mức chi phí phù hợp mà không phụ thuộc đó là trường công lập hay ngoài công lập.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng không để xảy ra tình trạng HSSV nghèo phải bỏ học vì điều chỉnh học phí mà không có các giải pháp hỗ trợ để giúp đỡ họ.
Những sinh viên giỏi thuộc diện chính sách không những được miễn giảm học phí, mà còn được nhận cả học bổng chính sách và học bổng khuyến khích. Đây là những biện pháp động viên học sinh, sinh viên phấn đấu học tập, rèn luyện, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Dự kiến các mức học phí và lộ trình thực hiện trong đề án điều chỉnh học phí cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Về khung học phí, đối với giáo dục mầm non, tiểu học và THCS vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành; đối với các cấp học còn lại thì giữ nguyên mức học phí tối thiểu, nới rộng mức tối đa để có thể bao quát được hết các loại hình đào tạo ở các địa bàn kinh tế - xã hội khác nhau với lộ trình đến năm 2010.
Ví dụ, khung học phí dự kiến ở THPT dao động trong khoảng từ 4.000đ đến 105.000đ; ở ĐH từ 50.000đ đến 900.000đ.
Vừa qua, có nhiều ý kiến về mức tăng học phí lên đến 900.000đ ở đại học. Bộ GD- ĐT xin được nói rõ, 900.000đ hoàn toàn không phải là mức học phí áp dụng đại trà cho các nhà trường và cũng không thực hiện ngay trong năm 2006.
Đây chỉ là mức học phí tối đa cho phép thực hiện đối với một số ít ngành đào tạo đặc biệt ở một số ít trường có sử dụng chương trình quốc tế, có mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy và có một số yêu cầu đặc biệt khác. Mức này dự kiến thực hiện dần dần theo lộ trình đến 2010.
Việc điều chỉnh học phí sẽ được thực hiện từng bước, phù hợp với điều kiện của nhà trường, với khả năng hỗ trợ của ngân sách và mức thu nhập trung bình của người dân, tránh những thay đổi đột ngột.
Việc xác định mức học phí cụ thể cho từng năm, được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục. Trên cơ sở khung học phí, Bộ Tài chính quyết định mức học phí cụ thể đối với các trường công lập do trung ương quản lý; HĐND cấp tỉnh quyết định đối với các trường công lập do địa phương quản lý.
Xin chân thành cám ơn Bộ trưởng!
Theo Hồ Thu
Tiền Phong