Kỳ thi THPT quốc gia 2015:
Không bất ngờ với gần 40.000 bài thi bị điểm liệt môn Toán
(Dân trí) - Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm 8 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia, trong đó môn Toán có tới gần 40.000 bài thi bị điểm liệt. Có lẽ con số này làm xã hội bất ngờ, làm nhiều người giật mình. Tuy nhiên, đa số những người trong ngành đều có thể dự đoán trước được.
Bộ GD-ĐT vừa công bố tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước là 91,58%, tại các cụm thi do địa phương chủ trì là 84,45%. Bộ cũng công bố phổ điểm minh họa điểm thi các môn học, trong đó có môn Toán. Là một giáo viên Toán THPT, tôi thấy bảng minh họa phổ điểm môn Toán phản chiếu nhiều điều về công tác dạy, học, coi thi và chấm thi hiện nay.
3 nguyên nhân dẫn đến 40.000 bài thi bị điểm liệt môn Toán
Có lẽ con số này làm xã hội bất ngờ, làm nhiều người giật mình. Tuy nhiên, đa số những người trong ngành đều có thể dự đoán trước bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất là do một lượng không nhỏ thí sinh hổng kiến thức, ngồi nhầm lớp. Tính một cách trung bình, trong một lớp học 40 học sinh, tôi thấy có khoảng 4 em thuộc diện không biết gì về môn Toán, tức khoảng 10%.
Năm nay có 1.004.484 thí sinh, theo tôi số điểm liệt phải khoảng 100.000. Các nhà trường đều biết điều này song vẫn lạc quan về sự “xoay xở” của thí sinh yếu. Bởi thế, nhà trường không có biện pháp khắc phục sớm, coi như học sinh “ngồi nhờ”. Giáo viên và học sinh cũng chưa hình dung cụ thể việc thi theo cụm nên có phần bị động và dẫn đến kết quả như trên.
Thứ hai là do công tác coi thi, chấm thi nghiêm túc hơn. Những năm trước, kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức riêng. Công tác coi thi, chấm thi cũng chưa thật, chưa nghiêm túc, báo chí cũng phản ánh rồi. Nhiều em yếu nhưng chép được bài nên thoát điểm liệt, thậm chí điểm còn cao.
Năm nay, chắc chắn là việc coi thi, chấm chi đã nghiêm túc hơn, thực chất hơn do đặc thù 2 trong 1, do các trường đại học chủ trì và do sự cạnh tranh về điểm số của các thí sinh. Theo tôi được biết, do tầm quan trọng của kỳ thi nên việc chấm thi năm nay chặt chẽ hơn, thực hiện nghiêm túc hơn về việc chấm hai vòng độc lập.
Thứ ba là do đặc thù của môn thi Toán. Ở các môn xã hội, đề có yếu tố mở nên đáp án cũng mở. Khi giáo viên phân vân giữa 1đ và 1,25đ thì thường cho 1,25đ để tránh điểm liệt. Ở các môn trắc nghiệm, do đề được trộn bằng máy nên các đáp án A, B, C, D được phân bố tương đối giống nhau về số lượng.
Tôi cũng đã kiểm nghiệm điều này bằng cách đếm trên đáp án của Bộ GD-ĐT và thấy rằng, nếu học sinh cứ điền 1 phương án (tất cả đều là A chẳng hạn) thì vẫn được từ 2 đến 3 điểm. Trong khi với môn Toán, nếu học sinh không làm đúng thì chắc chắn không có điểm.
Để hạn chế điểm liệt, theo tôi các nhà trường cần nhìn thẳng vào thực tế, sàng lọc các em yếu, muộn nhất là đầu năm lớp 12 để tách riêng, kèm cặp và có các biện pháp thích hợp. Các em bị hổng kiến thức thường không biết mình yếu chỗ nào, nên bắt đầu từ đâu nên sự định hướng của nhà trường, phối hợp với gia đình là rất quan trọng.
Từ 2 điểm đến 6 điểm có sự phân hóa rất yếu
Đường biểu diễn gần như nằm ngang, có rất nhiều học sinh ở cùng một mức điểm (khoảng 32.000 em) tức là sự phân hóa rất thấp. Mức độ khó của các câu là gần như nhau. Khó đánh giá năng lực của học sinh. Điều này gây khó khăn cho việc tuyển sinh của các trường với mức điểm chuẩn không quá 18 điểm. Theo tôi, đề thi ở mức độ cơ bản này vẫn nên có sự phân hóa (một phần dễ đi và một phần đẩy khó lên).
Có khoảng 700.000 em ở mức điểm này (70% tổng số học sinh đi thi), điều này chỉ ra rằng, với đa số học sinh, chúng ta chỉ nên dạy rất cơ bản, dành nhiều thời gian cho các em nắm vững kiến thức, được thực hành nhiều, được rèn luyện kĩ năng trình bày, kĩ năng tính toán cẩn thận. Các em học sinh cũng nên nắm được tình thần đó, tránh tình trạng học tràn lan, mất căn bản.
Từ 6.5 điểm đến 10 điểm có sự phân hóa mạnh nhưng không mịn
Có sự chênh lệch rất lớn về số lượng thí sinh ở các mức điểm này. Điều này là do đề lắt léo, nếu thí sinh làm “đúng mạch” thì được 1 điểm mỗi câu. Lẽ ra câu hỏi nên thiết kế để học sinh có thể đạt được từng 0,25 điểm, như thế sự phân hóa sẽ mịn hơn. Để làm được như thế, việc ra đề sẽ mất công hơn rất nhiều.
Theo như đề thi và phổ điểm thì sự phân hóa ở đây không hẳn là phân hóa về năng lực, trình độ của thí sinh mà chỉ đơn giản là phân loại các thí sinh đã được học, được ôn luyện “đúng tủ”. Điều này không giúp ích gì trong quá trình dạy và học. Sắp tới, thầy và trò sẽ dành nhiều công sức “tấn công” vào các thành trì đấy (câu 8, 9, 10: phương trình, hệ phương trình, bất đẳng thức) dẫn tới việc học lệch, học tủ... triệt tiêu tư duy và sự sáng tạo của học sinh.
Ở khía cạnh tuyển sinh, dù điểm chuẩn có thể cao nhưng cũng khó tuyển được học sinh có năng lực thực sự. Nếu cứ ra đề như thế này, tôi đoán rằng số trường tổ chức thi riêng sẽ tăng lên.
Đề Toán như hiện nay chỉ biến học sinh thành cái máy làm toán, không hề có tính thực tiễn, không kích thích học sinh tìm tòi, sáng tạo, rất khó đánh giá năng lực, trình độ thí sinh. Trong khi chưa có sách giáo khoa mới, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT vẫn nên cải tiến đề thi để khắc phục những điểm yếu đó. Đề thi nên có những câu (cả phần dễ và phần khó) gắn với các vấn đề của thực tiễn, đòi hỏi học sinh phải giải quyết (như các câu hỏi của PISA chẳng hạn), chứ không chỉ “hùng hục” giải toán.
Phổ điểm như trên có thể đã là đẹp với những người quản lí, là hình ảnh đẹp với xã hội. Tuy nhiên, ẩn chứa trong đó còn rất nhiều việc phải làm để chất lượng dạy và học được nâng lên.
Ths. Trần Mạnh Tùng
Giáo viên Toán, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.