Khởi nghiệp với... gà ác
Với mong muốn tạo ra được những sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng, một nhóm sinh viên thực hiện dự án khởi nghiệp với sản phẩm từ gà ác.
Nhóm sinh viên AgriBio - lớp kỹ sư Nông học K37 - (khoa Sinh và Kỹ thuật nông nghiệp, Trường ĐH Quy Nhơn) đã quyết tâm thực hiện dự án khởi nghiệp từ mô hình “Sản xuất thịt gà ác thương phẩm sạch, kết hợp với kinh doanh bán lưu động một số món ăn được chế biến từ gà ác”. Mô hình khởi nghiệp đã xuất sắc giành giải Nhất chung kết cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Bình Định năm 2017.
Tính ứng dụng thực tiễn cao
Nói về căn cứ lựa chọn thực hiện mô hình khởi nghiệp “Sản xuất thịt gà ác thương phẩm sạch, kết hợp với kinh doanh bán lưu động một số món ăn được chế biến từ gà ác”, sinh viên Trần Thị Thanh Xuân – thành viên nhóm dự án khởi nghiệp AgriBio - lớp kỹ sư Nông học K37, cho hay:
“Theo những khảo sát thực tế trên thị trường miền Trung, hiện nay nhu cầu sử dụng thịt gà ác rất cao, nguồn cung đa số ở phía Nam không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giống gà ác chưa được nuôi phổ biến và chủ yếu các hộ dân nuôi theo quy mô nhỏ lẻ để cung cấp thực phẩm cho gia đình.
Trong khi đó, kỹ thuật chăn nuôi gà ác không phức tạp, rất phù hợp với khí hậu tại khu vực Nam Trung Bộ, đặc biệt là tại tỉnh Bình Định”.
Thanh Xuân cũng chia sẻ thêm, khi ý tưởng dự án được thực hiện, sản phẩm cung ứng cho thị trường là thịt gà ác thương phẩm sạch và những món ăn tiêu biểu chế biến từ thịt gà ác được trao tận tay người tiêu dùng thông qua hình thức bán lưu động.
Trong tương lai gần nhất sẽ tạo ra thương hiệu “Thịt gà ác siêu sạch” mang đến sức khỏe vàng cho người dân. Đó là sản phẩm độc nhất, duy nhất trên thị trường. Khi đã đủ tiềm lực, nhóm tin là mình có thể làm được bởi việc công nghiệp hóa hoạt động phối trộn thức ăn và hoàn thiện quy trình nuôi hoàn chỉnh không phải là việc quá khó.
Tiềm năng thị trường rộng lớn
Theo mô hình khởi nghiệp, sẽ tạo ra được nguồn sản phẩm cung cấp liên tục cho thị trường nhưng không tốn chi phí đầu tư cho việc xây dựng chuồng trại và sẽ kiếm được một khoản lợi nhuận đáng kể từ việc cung cấp thức ăn, thuốc… Mô hình khởi nghiệp định hướng sẽ cho ra đời nhiều dòng sản phẩm từ gà ác như thịt, trứng, giống và mở mạng lưới nhà hàng kinh doanh các món ăn từ gà ác.
Đối tượng mà mô hình khởi nghiệp hướng đến là người cao tuổi đến những em bé, từ người chịu áp lực công việc cao đến người cần bồi dưỡng như bà bầu... Bên cạnh đó, đối tượng khách hàng mục tiêu mà dự án hướng đến là những bệnh nhân trong bệnh viên, từ bệnh nhi đến phụ nữ sau sinh hay người ốm dậy cần tẩm bổ bằng những loại thực phẩm tốt đúng nghĩa.
Sinh viên Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm: Địa bàn mà mô hình khởi nghiệp muốn triển khai thực hiện đầu tiên là tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), một thành phố du lịch với hệ thống giao thông thuận tiện, nơi tập trung nhiều nhà hàng, quầy cháo dinh dưỡng, nhà trẻ chất lượng cao…
Trong tương lai gần nhất sẽ phát triển dự án ra khu vực Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, bởi nhu cầu sử dụng gà ác ở hai khu vực này rất cao nhưng do điều kiện thời tiết nóng ẩm mưa nhiều khó nuôi được giống gà này.
Theo Minh Phong
Giáo dục & Thời đại