1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Khổ vì… trường thuê!

Vừa ngồi học vừa sợ trời mưa, quạt rơi trúng đầu. Đèn thì phải... năn nỉ mới chịu sang sáng. Học mà cứ hồi hộp vì nghe phong thanh chuẩn bị chuyển địa điểm.

Sinh viên... khổ

 

Thuỳ Diễm, SV trường ĐHDL Ngoại ngữ - Tin học bức xúc: "Cơ sở chính và cơ sở thuê của trường khác nhau một trời một vực. Suốt ngày phải học ở cơ sở thuê, thấy tủi thân quá! Chưa kể, cơ sở phụ, mọi thông báo của nhà trường đều không đến được nếu không chịu khó lên cơ sở chính".

 

Trường thuê thêm cơ sở trong khuôn viên xí nghiệp In Scitech, trên đường Lý Chính Thắng. Diễm bức xúc cũng phải, ở cơ sở thuê, phòng học nhỏ hẹp và rất nóng. SV học chung với cảnh ồn áo, nóng bức.

 

Một SV nữa của trường đã từng học ở cơ sở này đọc cho chúng tôi nghe điệp khúc SV thường than: "Đèn mờ như ma, học phí mắc như quỷ". Bạn kể: không thể gọi là 1 phòng học được, chỉ là phòng và kê bàn ghế vào đấy, rồi bảo với SV đó là phòng học. SV luôn phải học trong cảnh mờ mờ ảo ảo của bóng đèn hư. Căng-tin, phòng học, toilet đều dơ như nhau. Thậm chí, giảng viên còn phải tự sắm micrô mang theo. Cũng may, năm nay trường không mướn ở cơ sở này nữa, coi như các bạn khoá sau may mắn hơn.

 

Hoà, SV năm I của hệ CĐ trường Công nghệ SG kể cho chúng tôi nghe một ngày phải "chạy sô" giữa hai cơ sở: buổi sáng học ở cơ sở 1, hơn 11h mới ra. Ăn vội bữa cơm trưa ngay trước cổng trường, Hoà đạp xe qua quận 8 để tiếp tục học buổi chiều. Có hôm, vừa tới nơi, đọc được thông báo nghỉ học, quay xe về. Đến nhà đúng 14h30. Với Hoà: "Trường càng nhiều cơ sở thì SV càng... chết. Ai đi xe máy thì còn đỡ, chứ xe buýt và xe đạp thì... hết biết". Sắp tới, chuyển qua học quận 8 hẳn, lại phải tìm nhà trọ khác, lại phải làm quen với mọi thứ như từ đầu.

 

Anh bạn chỉ tay qua người bạn của mình, tên Quân học Mở- Bán công: "Bạn này có ngày phải chạy đến 3 cơ sở. Mới vào Sài Gòn có mấy tháng, quận nào cũng biết, vì nhà trường có nhiều cơ sở mà!". Bình thường, Quân cũng phải đạp xe qua lại ở 2 địa điểm học, quận 1 và 3. Hôm nào học thể dục thì phải đạp tiếp lên Phú Thọ. Đạp xe muốn xỉu. Ra khỏi chỗ này thì vội vàng đạp xe qua chỗ khác cho kịp giờ học. Hôm nào hết tiền ăn, chạy sô giữa các cơ sở là một cực hình.

 

Một nhóm SV ghi danh học lớp thư ký văn phòng trường Trung học dân lập Kỹ thuật Nghiệp vụ Mai Linh. Nhưng sau đó trường không mở lớp mà yêu cầu chuyển sang học Kế toán, nếu không, sẽ không trả lại học phí. Chấp nhận phương án này, cả nhóm đã đóng tiền làm thẻ SV và thẻ thư viện. Tuy nhiên,  sắp xong một học kỳ mà chưa thấy thư viện đâu. Học tin học thì 2 SV/máy tính và phòng học thì vô cùng chật hẹp, nóng bức. Đây là cơ sở thuê của trường, đặt tạm trong 6 tháng.

 

Trường cũng... khổ

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Dinh - Hiệu trưởng trường TH Kỹ thuật Nghiệp vụ Mai Linh, do là địa điểm thuê và SV chỉ có học trong  6 tháng nên không có thư viện, trường đang xây thư viện ở cơ sở chính. Trong thời gian tạm thuê, trường có 1 phòng vi tính cho SV vào truy cập miễn phí để tra cứu tài liệu, thông tin - coi như đó là thư viện.

 

Ông Dinh cũng giải thích thêm, trong giáo dục định hướng cho SV, ngay từ những buổi đầu, trường đã nói với SV đây là cơ sở của Hồng Bàng và chỉ học tạm. Còn lớp Thư ký văn phòng, chỉ có 15 người, số lượng ít, không mở được lớp, HS được chủ động chuyển đổi hoặc rút lại học phí nếu thấy không phù hợp.

 

Mới thành lập, trường CĐ tư thục Kinh tế - công nghệ TPHCM tuyển sinh gần như muộn nhất năm nay, cũng đang phải thuê tạm địa điểm tại trường TH Tư thục Vạn Hạnh cho SV học.

 

PGS.TS Lý Ngọc Sáng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết,  mỗi tháng trường phải chi khoảng 70 triệu đồng để thuê trường học. Trường mới tổ chức thi tuyển xong và dự kiến có khoảng 1.000 SV tạm thời phải đi học tại địa điểm thuê này. Hiện trường đã đàm phán có đất và đang làm thủ tục xây, dự kiến sang năm SV sẽ có trường mới để học. Tuy nhiên bỏ tiền ra mua đất lúc này cũng... kẹt nên trường đàm phán với 1 số nơi chỉ thuê đất và trường sẽ xây dựng cơ sở mới tại đấy.

 

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐHDL Hồng Bàng cho biết, đã hơn 2 năm nay, trường phải bỏ tiền ra thuê thêm 1 địa điểm cho SV học với chi phí khoảng 100-150 triệu đồng/tháng. Trường đã mua đất và dự kiến 2006 sẽ xây dựng địa điểm mới để SV ổn định chỗ học và đến 2008 sẽ về khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

 

Theo ông Huỳnh Thế Cuộc - Hiệu trưởng trường ĐH DL Ngoại ngữ Tin học, giá thuê cơ sở vật chất ngày một tăng lên, trong khi đó học phí không thể tăng lên theo mức "trao đổi" giáo dục. Ông Cuộc nhẩm tính: Tại 1 địa điểm thuê của trường dành cho học sinh khoa Du lịch khách sạn trong 3 năm, tổng thu là trên 2 tỷ, trong khi chi phí cho thuê nhà mất 1,4 tỷ, chưa kể những địa điểm thuê khác. Tính ra, trong 1 năm, trường phải chi 3,2 tỷ đồng chỉ cho việc thuê chỗ học.

 

Huyện Nhà Bè đã đồng ý cho trường 1 khu đất, hiện trường đang làm thủ tục xin đất với Sở Kế hoạch Đầu từ và UBND TPHCM. Để có thêm kinh phí, trường cần được tuyển nhiều SV hơn nhưng thực tế 13 năm nay chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao cho trường vẫn không thay đổi.

 

Trường thuê luôn được xem là cơ sở tạm bợ, nên ít trường nào chú ý đầu tư, cũng không quan tâm đến những chuyện quanh trường học như chỗ gửi xe, căng-tin, toilet... "Với kiểu trường thuê, trường mướn như vậy thì đương nhiên cơ sở vật chất không thể tốt bằng ở những trụ sở chính, ở những nơi thực sự là trường của mình ", ông Cuộc thừa nhận.

 

Theo Cam Lu - Đoan Trúc

Vietnamnet