Để doanh nghiệp không "cô đơn" vì lao động trẻ thiếu kỹ năng

Mỹ Hà

(Dân trí) - Lao động trẻ hiện nay năng động hơn, vốn kiến thức ngoại ngữ tốt nhưng để phù hợp với công việc, một số em phải được đào tạo thêm về kỹ năng mềm và văn hóa doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp không cô đơn vì lao động trẻ thiếu kỹ năng - 1

GS Huỳnh Trung Hải, Hiệu trưởng Trường Vật liệu, ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Kiên Phạm).

Giỏi chuyên môn thôi chưa đủ

Nhằm gắn kết và hợp tác chặt chẽ, lâu dài với doanh nghiệp trong các hoạt động liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như hợp tác nghiên cứu khoa học, sáng tạo và chuyển giao công nghệ, chiều 15/3, Trường Vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội) tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp đối tác năm 2024.

Trả lời phóng viên Dân trí, ông Johnny Chan đến từ Công ty TNHH YiDa Việt Nam cho biết, nhu cầu nhân lực các ngành kỹ thuật hiện rất cao. Công ty đang làm việc với nhiều trường đại học trong nước để cung cấp nguồn nhân lực ổn định trong thời gian tới.

Chuyên gia này nhận định, sinh viên Việt Nam hiện nay có nhiều cải thiện, nhất là kỹ năng ngoại ngữ rất tiến bộ. Việc đào tạo kiến thức chuyên môn trong trường đại học, nhất là các trường lớn rất tốt.

Để doanh nghiệp không cô đơn vì lao động trẻ thiếu kỹ năng - 2

Ông Johnny Chan, Công ty TNHH YiDa Việt Nam (Ảnh: Mỹ Hà).

"Nhiều sinh viên đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Một số người sau khoảng một năm rưỡi đào tạo thêm về văn hóa của công ty, các em hoàn toàn đáp ứng được đòi hỏi của chúng tôi và có khả năng phát triển hơn nữa", ông Johnny Chan nói.

Cũng theo chuyên gia này, tùy vào kỹ năng, nhiều em có thể chạm được tới mức lương như mong muốn tại doanh nghiệp sau một thời gian ngắn làm việc. Mức lương khởi điểm cho những em thực sự tài năng tại doanh nghiệp này đang ở mức khoảng 24 triệu đồng nhưng mức cao nhất sẽ không có giới hạn bởi còn tùy thuộc vào khả năng của các em.

"Để giữ chân người tài, chúng tôi không chỉ cung cấp công việc mà còn cung cấp cả cơ hội nghề nghiệp. Chẳng hạn chúng tôi tạo điều kiện để các em làm việc với chuyên gia nước ngoài để tạo cơ hội rộng mở hơn", ông Johnny Chan cho hay.

Chia sẻ về những điểm yếu chung của sinh viên mới ra trường hiện nay, ông Fujimoto Tetsuya, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Toray Industries (H.K) Việt Nam cho biết, các lao động trẻ thường thiếu kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phân tích con số. Các em cần hiểu và phân tích các vấn đề về xã hội tốt hơn. Đặc biệt kỹ năng ngoại ngữ rất cần thiết với các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nước ngoài nên các em cần chăm chỉ học ngay từ khi trên ghế nhà trường.

Ông mong muốn tuyển sinh viên của nhà trường làm việc cho tập đoàn tại Việt Nam. Đồng thời, tập đoàn tiếp tục trao nhiều suất học bổng cho sinh viên để khuyến khích các bạn sinh viên học tập tốt hơn nữa.

Về điều này, bà Trần Thị Mai, Phó Giám đốc nhân sự công ty TNHH may mặc Hoa Lệ Đạt Việt Nam cho rằng, bảng điểm có thể đánh giá khả năng tiếp thu chuyên ngành của mỗi em.

Tuy nhiên, khi đến doanh nghiệp phỏng vấn, các em thường bị kiểm tra thêm nhiều kỹ năng ngoài sách vở xem có đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hay không. Do đó, giỏi chuyên môn thôi chưa đủ, các em cần tích lũy thêm nhiều kỹ năng mềm.

Để doanh nghiệp không cô đơn vì lao động trẻ thiếu kỹ năng - 3

Ông Fujimoto Tetsuya, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Toray Industries (H.K) Việt Nam (Ảnh: Mỹ Hà).

Để doanh nghiệp không "cô đơn"

Phát biểu tại sự kiện, GS Huỳnh Trung Hải, Hiệu trưởng Trường Vật liệu cho rằng, một trong những sứ mệnh quan trọng của nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành công nghiệp về vật liệu.

"Để thực hiện sứ mệnh đó, chúng tôi hiểu rằng, mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp là chìa khóa then chốt, đóng vai trò hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp không chỉ là nơi tiếp nhận sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường mà còn là những người đồng hành, đóng góp, phản biện và cùng chúng tôi giải quyết những bài toán thực tiễn đặt ra", Hiệu trưởng bày tỏ.

Cũng dưới góc nhìn này, bà Mai cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp bắt tay liên kết với nhà trường để nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị.

"Không chỉ công ty của chúng tôi, riêng lĩnh vực kỹ thuật hiện luôn thiếu nhân lực. Các em không lo ra trường không có việc làm.

Tuy nhiên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các trường đại học cần quản lý chặt đầu vào, nâng cao chất lượng đào tạo kỹ thuật và đặc biệt thêm nhiều kỹ năng mềm sao cho phù hợp với doanh nghiệp", bà Mai nói.

Để doanh nghiệp không cô đơn vì lao động trẻ thiếu kỹ năng - 4

Bà Trần Thị Mai, Phó Giám đốc nhân sự công ty TNHH may mặc Hoa Lệ Đạt (Ảnh: Mỹ Hà).

Đưa ra câu chuyện của bản thân, ông Hamada Shogo, Giám đốc Công ty Daiwa Plastic Thăng Long cho biết, mình từng rất chăm chú học kiến thức chuyên môn khi trên ghế nhà trường nhưng sau này ông hối tiếc bởi nhiều kỹ năng mềm cần thiết cho công việc và cuộc sống chưa được chú trọng.

Ông Hamada Shogo cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh, rất khó để một trường đại học có thể đáp ứng nhu cầu cho tất cả mọi công ty khi họ đang ngày càng đa dạng hơn qua từng năm. Nhưng ông Hamada Shogo tin tưởng, các trường đại học có thể đào tạo và cho ra lò những sinh viên vừa có kỹ thuật vừa có kỹ năng mềm trong thời gian tới.

Hiện nhiều trường đại học thường chú trọng giáo dục kiến thức nhưng năng lực để hoàn thành công việc đó các em thường phải học sau khi trực tiếp đi làm.

Do vậy, theo chuyên gia này, để phù hợp với doanh nghiệp, có 3 điều quan trọng mà nhân lực trẻ cần nắm được. Thứ nhất, sẽ rất tốt nếu các em nắm được kỹ thuật độc đáo phát triển tại doanh nghiệp. Thứ hai, khi làm việc tại doanh nghiệp, các em cần trau dồi kỹ năng giao tiếp để làm việc nhóm. Thứ 3, làm việc trong ngành kỹ thuật, ngoài chuyên môn, kỹ năng về kỹ thuật, lao động trẻ cần phải học hỏi thêm về marketing, kinh doanh.

Về điều này, PGS Trần Ngọc Khiêm, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường đang triển khai chương trình kỹ sư 180 tín chỉ (sinh viên học khoảng 5,5 năm). Trong chương trình này có thiết kế 1 học kỳ doanh nghiệp - sinh viên đến doanh nghiệp thực tập 1 học kỳ trước khi tốt nghiệp.

"Chúng tôi cho rằng việc này vừa tốt cho doanh nghiệp, tốt cho sinh viên và tốt cho nhà trường. Sinh viên thông qua kỳ thực tập có thể hiểu nhiều hơn về việc làm và văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể lựa chọn sinh viên phù hợp hơn với yêu cầu của mình", PGS Trần Ngọc Khiêm nói.