Ngành công nghiệp bán dẫn cần cả trò giỏi, thầy giỏi

Hoài Nam

(Dân trí) - Một trong những thách thức trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, theo PGS.TS Vũ Hải Quân là việc thu hút sinh viên giỏi.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nhấn mạnh đến yếu tố "sinh viên giỏi" tại lễ ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế lĩnh vực thiết kế chip giữa Đại học Quốc gia TPHCM và tập đoàn công nghệ Synopsys (Hoa Kỳ) diễn ra vào sáng 15/3. 

Ngành công nghiệp bán dẫn cần cả trò giỏi, thầy giỏi - 1

Tập đoàn công nghệ Synopsys, Hoa Kỳ hợp tác với Đại học Quốc gia TPHCM phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế lĩnh vực thiết kế chip (Ảnh: Mạnh Quang).

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam cần giải quyết 5 thách thức quan trọng gồm thu hút sinh viên giỏi, phát triển đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo mới, đầu tư phòng thí nghiệm và phần mềm, hợp tác giữa các doanh nghiệp và đại học. 

Thách thức thu hút sinh viên giỏi, ông Vũ Hải Quân cho hay, các trường đại học Việt Nam bắt đầu mở mới ngành học liên quan đến công nghệ vi mạch bán dẫn.

Để thu hút được học sinh giỏi quan tâm theo học, cần có thêm nhiều thông tin về cơ hội việc làm, triển vọng phát triển nghề nghiệp, nhất là cam kết mạnh mẽ của các doanh nghiệp.

Về đội ngũ giảng viên, ông Quân bày tỏ, trường đại học hiện có rất ít giảng viên được đào tạo bài bản về công nghệ vi mạch bán dẫn. Các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này thường lựa chọn ở lại nước ngoài, làm việc cho các tập đoàn lớn với mức lương cao.

Được biết, với việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, tập đoàn Synopsys sẽ tiếp nhận tiếp nhận sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM đến thực tập và giới thiệu cơ hội việc làm cho kỹ sư thiết kế vi mạch với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đội ngũ giảng viên trẻ của trường được hỗ trợ bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch thông qua chương trình đào tạo ngắn hạn; được chia sẻ giáo trình đào tạo và sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM được phép sử dụng các bộ công cụ, phần mềm thiết kế chip.

Viện nghiên cứu bán dẫn cũng được phát triển để trở thành nơi cung cấp các trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu dùng chung cho các trường đại học, các công ty khởi nghiệp và là trung tâm kết nối, phát triển hợp tác lĩnh vực bán dẫn Đại học Quốc gia TPHCM với doanh nghiệp, viện, trường đại học trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Đại học Quốc gia TPHCM được hỗ trợ kết nối để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đối tác toàn cầu giúp giải quyết thách thức về cơ hội việc làm cho sinh viên. 

Ngành công nghiệp bán dẫn cần cả trò giỏi, thầy giỏi - 2

Sinh viên tại phòng thí nghiệm vi mạch (Ảnh: Thiện Thông).

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông - đánh giá việc ký kết này có thể nói là đi trước chiếc lược vi mạch quốc gia nhưng cũng rất đồng hành với những dự định của chiếc lược vi mạch quốc gia. 

"Hợp tác này đánh dấu bước quan trọng trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn của Việt Nam. Nếu có nhiều hoạt động như thế này, Việt Nam sẽ trở thành nhân tố đóng góp trong hệ sinh thái vi mạch thế giới", ông Nguyễn Thiện Nghĩa chia sẻ.