1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Khen học sinh đóng góp trên 100.000 đồng và bài học về thói phông bạt

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Việc tặng giấy khen những em ủng hộ nhiều tiền còn gửi thư khen của giáo viên cho những em ủng hộ ít tiền vô hình trung giáo dục thói phông bạt cho học sinh.

Hai cách làm từ thiện

Ngày 24/9, cộng đồng mạng xã hội xôn xao khi Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TPHCM) tặng giấy khen cho học sinh tham gia quyên góp từ 100.000 đồng trở lên trong hoạt động ủng hộ đồng bào thiệt hại vì bão lũ. Những học sinh ủng hộ ít hơn số tiền trên, chỉ nhận được thư khen từ giáo viên chủ nhiệm.

Sáng 23/9, nhà trường đã tổ chức tuyên dương dưới cờ và trao giấy khen để động viên học sinh tích cực tham gia phong trào trên. Trong số 2.100 học sinh tại trường, có 1.500 em được nhận giấy khen. Đại diện các lớp lên nhận giấy khen rồi đem về lớp trao cho các bạn. 

Những học sinh còn lại ủng hộ dưới 100.000 đồng sẽ được giáo viên chủ nhiệm gửi thư khen. Tuy nhiên, thư khen cũng chưa gửi đến học sinh sau giờ chào cờ.

Sự việc khen thưởng này khiến nhiều phụ huynh bất bình và cho rằng, người làm giáo dục nhưng cách làm thiếu nhân văn, chạy theo thành tích.  

Khen học sinh đóng góp trên 100.000 đồng và bài học về thói phông bạt - 1

Cũng quyên góp nhưng hai cách thức đưa đến hai bài học khác nhau trong giáo dục (Ảnh minh họa: Nguyễn Huyên).

Trong khi trước đó, ở thông báo phát động phong trào ủng hộ quyên góp cho đồng bào vùng lũ, Trường THCS và THPT MV.Lômônôxốp (Hà Nội) khuyến khích học sinh tham gia nhưng không được ủng hộ quá 30.000 đồng.

Theo đó để thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nhà trường khuyến khích động viên học sinh tham gia ủng hộ với tinh thần tự nguyện (không quá 30.000 đồng/học sinh). Các em học sinh khó khăn không nhất thiết tham gia ủng hộ.

Trả lời phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT MV.Lômônôxốp xác nhận thông tin trên là sự thật. 

Theo hiệu trưởng này, nhà trường phát động quyên góp trên cơ sở đảm bảo tính giáo dục, khơi dậy tinh thần đùm bọc, chia sẻ ở học sinh nhưng đồng thời phải giúp các con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với việc cho đi, tránh sự phô trương hay so sánh giữa các con.

Số tiền 30.000 đồng nằm trong khả năng ủng hộ của học sinh. Các em có thể dùng tiền tiết kiệm hoặc tiền tiêu vặt của bản thân để ủng hộ mà không cần phải xin tiền bố mẹ. Việc ủng hộ thực sự là việc của học sinh thay vì là việc của phụ huynh.

Khi đặt ra giới hạn 30.000 đồng, những em học sinh chỉ có 20.000 đồng, 10.000 đồng hay thậm chí 5.000 đồng để quyên góp cũng cảm thấy vui vẻ, không thấy mình thua kém so với các bạn, bởi đó là tất cả số tiền mà các con có.

Trong khi đó, nếu để học sinh quyên góp tự do, các em sẽ có sự so sánh người hơn kẻ kém, dễ làm nảy sinh tâm lý phô trương hoặc tâm lý tự ti giữa các học sinh với nhau. Điều này làm mất đi ý nghĩa của sự cho đi cũng như không đạt được mục tiêu giáo dục.

Hai hình thức quyên góp của hai trường được nhiều diễn đàn mạng xã hội đem ra so sánh và cho rằng, cũng là quyên góp nhưng hai cách thức đưa đến hai bài học khác nhau trong giáo dục.

Hai bài học về giáo dục

Đánh giá về cách làm từ thiện của hai trường học trên đây, anh Trọng An (khu đô thị Ecopark) cho hay, đều là hình thức động viên, khuyến khích ủng hộ nhưng cách làm khác nhau nói lên thái độ rất khác nhau của người làm giáo dục.

"Một cách làm nếu bạn muốn chạy theo thành tích, quyên được nhiều tiền, bất chấp vết hằn tâm lý trong mỗi trẻ em. Trong khi đó, cách làm còn lại nếu bạn muốn khuyến khích lòng nhân ái, tinh thần tương thân tương ái", anh An nói.

Trong khi đó, chị Thu Hiền (Hà Nội) cho rằng cả hai cách làm đều không hay, tốt nhất nên kêu gọi đóng góp tùy tâm và đặt thùng từ thiện ở sân trường để không học sinh nào biết mức đóng góp.

Khen học sinh đóng góp trên 100.000 đồng và bài học về thói phông bạt - 2

Trường ĐH Ngoại thương biến lẵng hoa mừng khai giảng thành mã QR của Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặt trong sân trường để ủng hộ (Ảnh: Mỹ Hà).

Theo TS tâm lý Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), chúng ta hay nói rằng: "của cho không bằng cách cho". Nhà trường là nơi giáo dục đạo đức cho học sinh, đều là ủng hộ theo tinh thần thiện nguyện nhưng cách làm của hai nhà trường đưa đến hai bài học khác nhau trong giáo dục.

Ở Trường tiểu học Lê Quý Đôn, việc "vinh danh" những em ủng hộ nhiều, vô hình trung giáo dục thói "phông bạt" (khoe khoang, làm màu). Có thể bây giờ nhiều em chưa biết nhưng lâu dài, có thể khiến các em hình thành nên nhân cách ấy.

Thay vì tạo động lực để trẻ muốn làm điều gì đó cho người khác, ở đây nhà trường tạo cho các em khát khao thể hiện, lấy hình ảnh về cho bản thân. Như vậy, việc giáo dục đạo đức không thành công mà còn gây tác dụng ngược.

Thầy cô nên dạy các con đặt số tiền ủng hộ trong phong bao lì xì và thả vào hòm từ thiện để không ai biết cụ thể số tiền.

Ở đây, nhà trường chụp ảnh vinh danh học sinh đóng góp nhiều như một cách "khoe" công tác từ thiện của trường, rõ ràng việc ủng hộ không chỉ vì nạn nhân mà còn vì chính bản thân họ. Nhà trường cũng "phông bạt", nên vô tình giáo dục tính "phông bạt" cho học sinh.

Ở ngôi trường thứ hai cách làm nhân văn hơn, chắc chắn nhà trường nhận được bài học đạo đức hiệu quả hơn.

Việc khuyến khích các em tham gia nhưng không quá 30.000 đồng nghĩa là nhà trường không muốn học sinh nhờ vả bố mẹ trong việc từ thiện. Ngay từ đầu nhà trường đã muốn học sinh tự làm từ thiện, thay vì đặt gánh nặng lên vai bố mẹ.

"Có thể học sinh ấy chưa bao giờ nghĩ đến chia sẻ nhưng sau hoạt động của Trường MV.Lômônôxốp, các con lại muốn trở thành người sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ mọi người bằng sức lực của bản thân.

Việc ủng hộ hay làm thiện nguyện nên kín đáo. Tôi cho rằng, những bài học giáo dục rất quan trọng với học sinh, quan trọng hơn bài học kiến thức bởi có thể thay đổi cuộc đời của một người.

Vậy nên theo tôi, những người mà trường tiểu học ở Gò Vấp cần xin lỗi không phải phụ huynh, đấy chính là các em học sinh của họ", TS Hương chia sẻ.