Tiền Giang:

Hơn 8 năm, cô giáo đi xin áo dài cho nữ sinh nghèo

(Dân trí) - Trong suốt 8 năm qua, cô Nguyễn Thị Lâu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kiệt (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã âm thầm đi xin áo dài cho các nữ sinh nghèo để các em không phải lo lắng vì không có đồng phục mặc đến lớp...

Từ lâu thầy cô bạn bè đã biết và nể phục việc làm ý nghĩa của cô giáo Nguyễn Thị Lâu trong việc giúp hàng trăm học trò nghèo có bộ đồng phục tươm tất đến trường như các bạn vào đầu năm học mới. Tuy nhiên, với cơ quan, đồng nghiệp bao năm qua cô chỉ mong việc làm của mình tiếp tục “âm thầm”, không cần báo cáo tuyên dương, tặng thưởng,…

Cô Lâu tâm sự: “Gần 30 năm gắn bó với nghề, đặc biệt là tôi được giảng dạy ở một trường vùng sâu, nơi có nhiều em học sinh nghèo như các em học sinh trường THPT Tứ Kiệt này (thuộc huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Bởi thế, mấy năm qua vào những dịp đầu năm học, hình ảnh các phụ huynh quần áo lấm lem, chân đất đến trường, xin cho con vào học ít hôm vì nhà chưa may kịp chiếc áo dài. Rồi có em chạy đến thưa rằng em có một chiếc áo dài, hôm qua mưa nên áo chưa khô... Khi đó, tôi đã suy nghĩ và không biết làm gì để chia sẻ với các phụ huynh và các em khi đồng lương của mình còn ít ỏi”.

Các em học sinh tham gia giặt áo để chuẩn bị tặng lại cho các nữ sinh nghèo

Các em học sinh tham gia giặt áo để chuẩn bị tặng lại các nữ sinh khóa sau.

Rồi cô Lâu lại tiếp: Chuyện học sinh nghèo gặp khó trong chuyện đồng phục rơi nhiều vào các em nữ sinh. Vì các em nam sinh chỉ cần một cái áo sơ mi trắng, một cái quần dài là các em nam mặc năm này qua năm khác cũng được. Chỉ có điều, nhiều em mặc đến năm 2, năm 3 áo bị ngả màu. Thầy cô ở đây thương các em lắm. Tôi liền gọi em lên tìm hiểu thì được biết: cha em thường bị bệnh, mẹ em đi làm thuê, trong nhà 3, 4 đứa con đi học... Với trường hợp này, thầy cô trong trường góp tiền, sắm cho em một bộ đồng phục để đến trường.

Từ những trăn trở này, khi còn là giáo giáo viên chủ nhiệm rồi tham gia công tác đoàn (sau đó cô Lâu làm phó hiệu trưởng phụ trách mảng kỷ cương nề nếp của học sinh - PV), đến kỳ hè cô Lâu lăn lội đi xin đồng phục cũ (chủ yếu là áo dài) để mang về giặt ủi cho vào túi nilon, đợi đến ngày tựu trường, khi có phụ huynh lên khất nợ chuyện đồng phục cho con em hoặc em nào “tường trình áo chưa khô” là cô Lâu phát ngay. Nếu áo không vừa, đích thân cô đo và cắt sửa lại cho vừa vặn với các em.

Các em học sinh tham gia giặt áo để chuẩn bị tặng lại cho các nữ sinh nghèo

Những giờ rảnh rỗi ở trường, cô Nguyễn Thị Lâu tranh thủ xếp áo cho vào túi nilon cẩn thận, "chờ" phát cho các em học sinh.

Em Nguyễn Thi Thanh H. - một cựu học sinh Trường THPT Tứ Kiệt chia sẻ trong dịp trở lại trường xưa thăm thầy cô giáo nhân dịp ngày 20/11: “Ngày xưa, nhà em nghèo lắm nên ba mẹ chỉ may cho em được một cái áo dài để đi học. Nên đi học về, việc làm ngay là giặt chiếc áo dài, canh chỗ nào nắng nhất để phơi, tuy nhiên có lúc phụ ba mẹ đi đồng, ở nhà trời mưa, suốt đêm đó hai mẹ con ngồi quạt cho áo khô.. Sau này cô Lâu biết chuyện nên tặng em thêm một cái áo dài nữa, từ đó em đến trường thuận lợi hơn, ít sợ trời mưa đột xuất nữa. Và cái áo dài tình cảm ngày xưa mà thầy cô dành tặng cho em, đến nay em vẫn còn cất giữ. Em quý chiếc áo này lắm!”.

Dần dần, số lượng học sinh trường tăng lên và số học sinh thiếu đồng phục cũng tăng theo. Chính lúc này và từ việc làm hiệu quả của cô Lâu nên nhiều thầy cô trường Tứ Kiệt và Hội phụ huynh học sinh cùng chung tay với cô trong chuyện đi xin quần áo tặng lại học trò nghèo.

Ngoài ra, một mô hình hiệu quả, bớt vất vả cho đồng nghiệp là cô Lâu bàn với BGH nhà trường vận động các em nữ sinh quyên góp áo dài sau mỗi năm học và chương trình này vẫn được duy trì cho đến nay, được các em nữ sinh trong trường và một số trường lân cận hưởng ứng. Như năm học vừa rồi có gần 100 bộ đồng phục do các em học sinh quyên góp, chưa tính số đồng phục (chủ yếu là quần, áo sơ mi nam) do các phụ huynh đi vận động các đơn vị may đồng phục cho học sinh trao tặng.

Các em học sinh tham gia giặt áo để chuẩn bị tặng lại cho các nữ sinh nghèo

Cảm giác chứng kiến vẻ vui mừng của các nữ sinh khi ướm được chiếc áo dài vừa vặn đến nay cô Mỹ Phương không sao quên được.

Cô Nguyễn Mỹ Phương - đồng nghiệp với cô Lâu và cũng là một giáo viên chung tay với cô giáo Lâu trong việc đi xin áo dài cho nữ sinh nghèo cho biết: "Công việc đi xin áo dài cho nữ sinh nghèo, cô Lâu đã làm trong suốt 8 năm qua. Nhờ việc làm thiết thực này, cô Lâu đã giúp hàng trăm em học trò nghèo có điều kiện thuận lợi tiếp tục đến trường. Và cái cảm giác khi tham gia cùng cô Lâu mang áo dài đến tặng cho các em, nhìn vẻ mừng vui của các em khi ướm được cái áo vừa vặn, đến giờ tôi không sao quên được.”

Cô Nguyễn Thị Gọn - Chủ tịch công đoàn Trường THPT Tứ Kiệt chia sẻ: “Phần đông học sinh Trường THPT Tứ Kiệt ở nông thôn thuộc diện nghèo, cận nghèo. Đối với những gia đình có kinh tế khá giả, việc sắm cho các em vài bộ đồng phục để đến trường thì không khó. Nhưng đối với những gia đình lao động nghèo ở nông thôn thì phải vất vả lắm. Tuy nhiên, sau khi có chương trình tặng áo dài cũ lại cho nhà trường do cô Lâu phát động thì những câu chuyện phụ huynh đến trường xin "khất nợ đồng phục" không còn nữa.”

Ngoài ra, cô Gọn còn cho biết thêm, mấy năm qua, cô giáo Lâu không chỉ có công trong chuyện lo đồng phục cho các em học sinh nghèo mà cô còn làm thêm nghề tay trái là chạy xe ôm miễn phí, chở các em học sinh nhà xa (chủ yếu là gần nhà cô Lâu, khoảng 15km) không có phương tiện đến trường và bao cả việc ăn uống khi các em ở lại trường học phụ đạo. Với cách này, cô Lâu nhận đưa các em suốt 1 năm học hoặc đến khi học sinh này có phương tiện đến trường. Tính đến này đã trên 10 em học sinh được cô Lâu đưa đón ngày hai buổi đến trường.

Nguyễn Hành - Diệu Hiếu

Dòng sự kiện: 31 năm Ngày Nhà giáo VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm