Hội nghị tuyển sinh 2020: Tranh luận “gắt” về chương trình chất lượng cao
(Dân trí) - Chương trình chất lượng cao lại là chủ đề được đại diện các trường đại học tại điểm cầu TPHCM tranh luận nhiều nhất trong hội nghị trực tuyến tuyển sinh năm 2020.
Ngày 13/2, hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại 7 điểm cầu gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên, Tây Nguyên và Cần Thơ.
Điểm đầu vào chương trình chất lượng cao cao hay thấp hơn chương trình đại trà?
Tại điểm cầu TPHCM, đã có nhiều ý kiến đại biểu góp ý cho dự thảo quy chế tuyển sinh. Cụ thể, nhiều đại biểu đề nghị không nên khốngchế chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành mới mở, cần thay đổi sang tỷ lệ %(30-50%) để đảm bảo nguồn lực cho nhà trường thay vì 50 chỉ tiêu như quy định. Đáng chú ý, vấn đề tuyển sinh chương trình chất lượng cao cũng nhận được nhiều ý kiến tranh luận gay gắt. Nhiều đại biểu đặt vấn đề, nên hiểu như thế nào về chương trình đào tạo chất lượng cao hay chương trình đào tạo có dịch vụ chất lượng cao.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo, trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM phát biểu ý kiến về tuyển sinh đào tạo chương trình chất lượng cao rằng: “Nếu xét tuyển các đối tượng theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này thì điểm trúng tuyển phải bằng hoặc cao hơn chương trình chuẩn (chương trình đại trà - PV) cùng ngành đào tạo. Tôi đề nghị sửa thành “ngưỡng đảm bảo chất lượng”, vì mục tiêu tuyển sinh của chúng ta là đảm bảo nguồn tuyển tốt. Như vậy, nếu nguồn tuyển của chương trình chất lượng cao thông qua ngưỡng đảm bảo chất lượng nó tốt hơn hoặc bằng ngưỡng đại trà, thì đó là điều đúng. Còn điểm trúng tuyển lại phụ thuộc vào hồ sơ nộp”.
Ngay lập tức, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng chia sẻ rằng: “Các chương trình chất lượng cao ở phía Nam thực chất là các chương trình dịch vụ chất lượng cao. Tức là chương trình đào tạo hoàn toàn khác, điều kiện khác, phương pháp khác, đặc biệt là học phí khác, học phí cao hơn nhiều hệ đại trà. Cho nên, bây giờ mình phải tuân theo quy luật tuyển sinh, số lượng đăng ký nhiều thì điểm chuẩn sẽ cao, còn số đăng ký ít thì điểm chuẩn sẽ thấp. Mình làm gì lại đề ra điểm chương trình chất lượng cao phải cao hơn đại trà, đó là sai lầm”.
Ông Dũng cho biết, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM sẵn sàng quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng từ 18 điểm trở lên cho tất cả các ngành học của chương trình chất lượng cao và đại trà. Nhưng đó là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chứ không phải là điểm trúng tuyển.
“Điểm không đỗ vào chương trình chính quy sao lại trúng tuyển chương trình chất lượng cao!”
Phản hồi tại hội nghị, ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, chủ trì điểm cầu tại TPHCM thông tin: “Về tuyển sinh chất lượng cao, quy chế tuyển sinh mới đang làm dự thảo. Bộ GD&ĐT phải tiếp thu ý kiến của các địa phương”.
“Tuy nhiên, tôi xin nói là để làm dự thảo này, Bộ đã huy động 20 chuyên gia từ các trường đại học lớn của các khối ngành để tham gia biên soạn. Nói như PGS. TS Đỗ Văn Dũng là đúng ở ý: không thể gọi chương trình chất lượng cao được, mà nên gọi là chương trình có dịch vụ chất lượng cao thôi. Nhưng, ở đây chúng ta đang nói chương trình chất lượng cao. Chúng tôi làm việc với nhiều đơn vị liên quan, có người nói con không trúng tuyển vào hệ chính quy của trường đấy thì thi vào chương trình chất lượng cao, lại đỗ. Đấy là chuyện có thật!”, ông Nghệ nêu băn khoăn.
“Thế thì làm sao gọi là chương trình chất lượng cao được khi thi chương trình thường thì không trúng tuyển nhưng thi vào chương trình chất lượng cao lại trúng tuyển? Cần phải cân nhắc điều đấy”, ông Nghệ nói tiếp.
"Vẫn phải quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Trường của các thầy có ngưỡng đầu vào cao nhưng các trường khác thì sao? Khi Kiểm toán Nhà nước vào hỏi tại sao chương trình chất lượng cao có học phí cao nhưng đầu vào thấp hơn chương trình thường thì nói làm sao? Cho nên, gọi là dịch vụ chất lượng cao thôi. Đó là chương trình có máy lạnh, giảng viên được chọn... Nhưng chúng ta đang nói về chương trình chất lượng cao. Nếu vậy hãy thông báo đây là "chương trình có dịch vụ chất lượng cao" để tuyển sinh!", ông Nghệ nói.
Ngay lập tức, PGS. TS Đỗ Văn Dũng tiếp tục tranh luận lại khá gay gắt. Ông Dũng cho rằng, nếu ông quảng cáo chương trình của trường là "chương trình dịch vụ chất lượng cao" thì cũng sẽ có nhiều thí sinh đăng ký vào học. Vì với điều kiện đảm bảo chất lượng cao như vậy, máy lạnh, giảng viên giỏi, chương trình đào tạo nước ngoài, dạy bằng tiếng Anh, sĩ số lớp ít..., thì cho dù điểm đầu vào thấp hơn thì sau 4 năm, số sinh viên ra trường của chương trình này sẽ có chất lượng tốt hơn sinh viên chương trình bình thường.
“Tôi đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước rồi và tôi cũng nói thẳng rằng nếu Nhà nước chưa làm được sự phân bổ thu nhập lấy tiền của người giàu cho người nghèo thì hãy để chúng tôi làm. Vì nếu hiện nay, nếu tính đúng, tính đủ, một sinh viên học ngành kỹ thuật phải đóng học phí khoảng 50 triệu đồng/năm mới đảm bảo chất lượng được. Trong điều kiện đất nước đang phân tầng, có người giàu, người nghèo, thì phải giữ được hệ đại trà, chất lượng cao. Đại trà dành cho người nghèo, có thu nhập trung bình. Còn con nhà giàu, cần học điều kiện tốt hơn thì hãy để họ bỏ đồng tiền học chất lượng cao. Ở một chừng mực nào đó, tôi lấy tiền của người giàu, mua sắm thiết bị, con nhà nghèo được hưởng, chất lượng nâng cao lên. Các trường công lập ở phía Nam đều đồng ý với tôi rằng, để đầu tư những năm qua cho sinh viên hưởng lợi là nhờ các chương trình dịch vụ chất lượng cao như vậy", ông Dũng chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Dũng còn đảm bảo rằng chất lượng chương trình chất lượng cao chắc chắn 100% sẽ cao hơn hệ đại trà vì học trong điều kiện tốt hơn nhiều. Học phí cao dẫn đến điểm đầu vào thấp hơn một chút chứ không phải là chất lượng học không cao. "Sinh viên học chương trình đại trà ra trường có tỉ lệ 86% có việc làm nhưng 100% sinh viên chương trình chất lượng cao ra trường có việc làm. Vậy đây không phải là chất lượng cao thì là gì?", ông Dũng quả quyết.
Cũng phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cũng đề nghị nên để các trường quy định chuẩn chất lượng cao. Bởi đó là sự cam kết về danh dự, uy tín của chính nhà trường vàđể biết chất lượng cao hay không thì hãy để xã hội đánh giá.
Lê Phương