Học viên Nhật Bản nhận bằng thạc sỹ ở tuổi 63 của ĐH Quốc gia Hà Nội

Mỹ Hà

(Dân trí) - Ông Kato Mitsuru, sinh viên đặc biệt của Trường ĐH Việt Nhật (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận bằng thạc sỹ ở tuổi 63. Ông là học viên thạc sỹ khóa 7, chương trình Khu vực học.

Học viên Nhật Bản nhận bằng thạc sỹ ở tuổi 63 của ĐH Quốc gia Hà Nội - 1

Ông Kato Mitsuru (giữa) trong lễ trao bằng sáng 21/7 (Ảnh: Bảo Hà).

Tại lễ tốt nghiệp cử nhân khóa I và trao bằng Thạc sỹ cho học viên khóa VII của Trường ĐH Việt Nhật ngày 21/7, ông Kato Mitsuru là trường hợp khá đặc biệt khi nhận bằng thạc sỹ ở tuổi 63.

Kato Mitsuru, quốc tịch Nhật Bản, người đã sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ông đến Việt Nam lần đầu năm 2004 và sống hai năm liên tục từ 2008 đến 2009.

Ấn tượng trước vẻ đẹp thiên nhiên, sự thân thiện, hiếu khách cùng tiềm năng phát triển to lớn của Việt Nam, ông đã lựa chọn gắn bó với đất nước này.

Học viên Nhật Bản nhận bằng thạc sỹ ở tuổi 63 của ĐH Quốc gia Hà Nội - 2

Ông Kato Mitsuru, sinh viên đặc biệt của Trường ĐH Việt Nhật (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) (Ảnh: VJU).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Kato cho biết, những ngày đầu tiên đến Việt Nam, bất đồng ngôn ngữ khiến ông gặp nhiều khó khăn. Không biết làm sao để người đối diện hiểu, ông vừa cố gắng dùng ngôn ngữ hình thể, nói lẫn lộn các ngôn ngữ tiếng Anh, Nhật nhưng không thể phát âm được tiếng Việt.

Cùng với quyết định gắn bó công tác tại Việt Nam, Kato "đầu quân" học Chương trình Thạc sĩ Khu vực học (MAS) của Trường ĐH Việt Nhật và sống tại Việt Nam trong khi toàn bộ gia đình ông định cư tại nước ngoài.

Ông Kato cho biết, mình sống trong ký túc xá nhà trường, ngày ngày ăn cơm "bụi". Ông cũng tham gia Câu lạc bộ xe đạp, tự phóng xe đạp đến hơn 20 địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như: Sa Pa, Chùa Hương, Đền Hùng…

Kato Mitsuru cho biết đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng khi đến Việt Nam, từ phong cảnh đến văn hóa và con người nơi đây khiến ông thêm nhiều gắn bó. Đặc biệt, văn hóa của Việt Nam có nhiều tương đồng với Nhật Bản, chẳng hạn về truyền thống gia đình và nhiều phong tục tập quán.., giúp ông cảm thấy gần gũi như quê nhà.

Học viên Nhật Bản nhận bằng thạc sỹ ở tuổi 63 của ĐH Quốc gia Hà Nội - 3

Ông Kato Mitsuru trong buổi bảo vệ luận án thạc sỹ (Ảnh: VJU).

Được biết trong đề tài luận văn "Thực trạng lao động theo hợp đồng ở Nhật Bản hiện nay và các yếu tố ảnh hưởng", do Kato bảo vệ trước đó, ông đưa ra vấn đề một số nhóm lao động dễ bị tổn thương bởi hạn chế ngôn ngữ.

Bằng phương pháp tiếp cận kết hợp giữa phỏng vấn sâu, phân tích văn bản và những quan sát dựa trên kinh nghiệm của bản thân, Kato phát hiện thấy các lao động hay thực tập sinh kỹ năng (TTSKN) Việt Nam ở Nhật là nhóm dễ chịu tổn thương, bị bóc lột.

Họ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, nguyên nhân một phần do khả năng ngôn ngữ (tiếng Nhật) giới hạn.

Chính vì vậy, trong phần đề xuất của mình, ông Kato nhấn mạnh, các cơ quan hữu trách của cả Việt Nam và Nhật Bản nên có những chương trình phù hợp nhằm giúp TTSKN Việt Nam cải thiện năng lực tiếng Nhật.

Các công ty dịch vụ phái cử lao động sang Nhật Bản nên điều chỉnh mức chi phí sao cho phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không tạo gánh nặng tài chính cho người lao động.

Hay chính phủ Nhật Bản có thể thảo luận với những doanh nghiệp thuê lao động Việt Nam về khả năng chi trả 100% chi phí dịch vụ cho công ty dịch vụ phái cử từ Việt Nam.

Học viên Nhật Bản nhận bằng thạc sỹ ở tuổi 63 của ĐH Quốc gia Hà Nội - 4

Ông Kato Mitsuru và GS.TSKH Vũ Minh Giang (Ảnh: VJU).

Nhận xét về Kato Mitsuru, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, Kato là học viên đặc biệt của chương trình Khu vực học bởi vào trường khi tuổi đã cao. 

Thứ hai, Kato rất nhiệt tình nghiên cứu Việt Nam, chủ đề nghiên cứu rất đặc biệt về người Việt đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản.

"Lúc đầu tôi lo lắng bởi tiếng Việt của anh rất khó khăn nhưng sau hai năm, Kato bảo vệ thành công luận án thạc sỹ với kết quả tốt", GS Vũ Minh Giang nói.

Cũng theo GS. TSKH Vũ Minh Giang, kết quả này thể hiện chất lượng học tập và tình cảm rất đặc biệt của Kato với con người Việt Nam. "Kato nói với tôi, sau khi học tập, ông muốn tiếp tục đóng góp kết quả nhỏ bé của mình với những lao động Việt Nam khi sang Nhật Bản học tập và lao động. Tôi đánh giá cao vì điều đó", GS Vũ Minh Giang nói. 

Ngày 21/7, Trường ĐH Việt Nhật tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cho 32 cử nhân khóa đầu tiên cùng 36 học viên cao học khóa VII. Năm nay, cũng là cột mốc đánh dấu 10 năm thành lập Trường Đại học Việt Nhật - ĐHQGHN.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ito Naoki - Đại sức đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cảm ơn sự hợp tác của hai nước Việt - Nhật ở lĩnh vực đào tạo trong thời gian qua.

Ông hy vọng những tân cử nhân sớm thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình, đồng thời nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam hay tại Nhật đều đang chào đón các em. 

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cam kết, thông qua cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, quốc gia này sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực đào tạo trong thời gian tới.