Học sinh quay video nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp có vi phạm?

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, không có chuyện kỷ luật học sinh quay clip nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp ở Trường THPT Đa Phúc. Tuy nhiên nhiều người lo ngại học sinh phát tán clip là vi phạm quy định.

Ngày 3/10, trên một số phương tiện truyền thông phát đi thông tin Trường THPT Đa Phúc sẽ có hình thức xử lý kỷ luật học sinh quay và phát tán clip nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp bởi làm ảnh hưởng tới uy tín nhà trường. Thông tin khiến cộng đồng mạng bức xúc và bất bình.

Trả lời phóng viên Dân trí sáng 4/10, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, không có chuyện xử lý kỷ luật học sinh quay và đăng tải clip nữ sinh quỳ khóc kiệt sức trước cửa lớp ở Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội.

"Sau khi có kết luận điều tra, Sở GD&ĐT sẽ xử lý cán bộ liên quan tới sự việc giáo viên lôi học sinh trước cửa lớp.

Về phía học sinh, cho dù đúng sai thế nào, các em vẫn là đối tượng cần được bảo vệ, nhất là giai đoạn học sinh lớp 12 đang giai đoạn ôn thi nước rút cuối cấp.

Việc hạn chế học sinh dùng điện thoại di động trong giờ học là phù hợp nhưng trong trường hợp này không vì thế mà kỷ luật các em như thông tin nhà trường đưa ra.

Chúng tôi mong muốn học sinh sớm ổn định tinh thần để tiếp tục nhiệm vụ học tập", lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

Học sinh quay video nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp có vi phạm? - 1

Học sinh quỳ khóc trước cửa lớp bị cô giáo túm cổ áo kéo lê vào lớp (Ảnh: Từ clip).

Phát tán nhằm tố cáo vi phạm được pháp luật cho phép

Trả lời phóng viên Dân trí, Luật sư (LS) Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, đáng ra sau khi quay clip, học sinh nên nộp cho Ban giám hiệu nhà trường hoặc cho các cơ quan có thẩm quyền, thay vì tự đăng tải trên mạng xã hội.

Mặc dầu vậy theo LS Cường, có thể có những trường học quy định không cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học.

Việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học có thể vi phạm nội quy, quy chế và có thể bị xem xét xử lý.

Tuy nhiên trường hợp học sinh sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử để ghi hình, ghi âm lại hành vi vi phạm pháp luật của giáo viên nhằm tố cáo với cơ quan chức năng, hành vi này lại hợp lý, hợp pháp.

"Pháp luật quy định, bất cứ công dân nào cũng có quyền tố cáo, tố giác, có quyền cung cấp các bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của người khác cho cơ quan chức năng để xem xét giải quyết.

Trong trường hợp cơ sở giáo dục có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học nhưng học sinh phát hiện ra giáo viên liên tục có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức của nhà giáo, việc học sinh ghi hình, ghi âm, chụp ảnh để lưu lại bằng chứng nhằm tố cáo hành vi vi phạm pháp luật cho phép", LS Cường khẳng định.

Nếu học sinh phát tán video kèm theo những lời lẽ xúc phạm tới giáo viên hoặc có những thông tin sai sự thật, người phát tán video mới bị xem xét xử lý theo luật an ninh mạng.

Còn việc người đó phát tán video nhằm mục đích tố cáo hành vi sai phạm của giáo viên, được xác định không vi phạm pháp luật.

Học sinh quay video nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp có vi phạm? - 2

LS Đặng Văn Cường cho rằng, việc phát tán video nhằm mục đích tố cáo hành vi sai phạm của giáo viên không vi phạm pháp luật (Ảnh: Mỹ Hà).

Xử lý kỷ luật giáo viên theo quy định

Cũng theo LS Cường, cơ quan chức năng cần xác định rõ động cơ, mục đích của việc phát tán clip, kèm theo với việc phát tán video, người đăng tải có những lời lẽ bình luận, phân tích như thế nào?

Nếu việc phát tán video kèm theo những lời lẽ xúc phạm tới giáo viên hoặc có những thông tin sai sự thật, người đó mới bị xem xét xử lý theo luật an ninh mạng.

Còn việc phát tán video nhằm mục đích tố cáo hành vi sai phạm của giáo viên, hành vi này không vi phạm pháp luật.

Đánh giá về sự việc này, LS Cường cho rằng, may mắn vụ việc được phát hiện kịp thời, cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc xem xét xử lý, chấn chỉnh thái độ tác phong của giáo viên đối với học sinh.

Việc cô giáo đuổi học sinh ra khỏi lớp và có những lời lẽ không phù hợp, có tính chất đe dọa đối với học sinh là hành vi rất đáng trách, không phù hợp với quy định pháp luật, thái độ ứng xử của cô giáo thiếu chuẩn mực, gây tâm lý tiêu cực cho học sinh.

"Trong tình huống này, nếu cơ quan chức năng không xem xét xử lý bằng các chế tài của pháp luật, nhà trường cần xem xét trách nhiệm của cô giáo để tiến hành xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật", LS Cường nói.

Trước đó, mạng xã hội đăng tải clip nữ sinh quỳ khóc kiệt sức trước cửa lớp. Sự việc được xác định xảy ra ở lớp 12D4, Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn. 

Một lát sau, cô giáo P., giáo viên chủ nhiệm, dạy môn giáo dục công dân túm cổ áo kéo lê em này vào lớp.

Theo tường trình của cô P. tại buổi làm việc giữa nhà trường và gia đình, em N.T.K.C. là Bí thư lớp, được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật nhưng em đặt khác với thống nhất của cô giáo chủ nhiệm nên bị cô đuổi ra khỏi lớp để tự xử lý chiếc bánh mình đặt. 

Sau khi quỳ một lúc, nữ sinh này nằm ra sàn vì mệt và bị cô giáo túm cổ áo kéo lê vào lớp.

Sự việc đang được cơ quan công an điều tra. Ngày 2/10, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tạm đình chỉ công tác cô giáo P.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm