Vụ nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp: Thực hư thông tin kỷ luật học sinh
(Dân trí) - Liên quan đến vụ học sinh quỳ khóc kiệt sức trước cửa lớp ở Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội, mạng xã hội đang xôn xao thông tin kỷ luật học sinh quay video ghi lại sự việc.
Ngày 2/10, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong thời gian chờ các cơ quan thẩm quyền điều tra, xác minh, kết luận chính thức vụ việc, đơn vị này yêu cầu hiệu trưởng tạm đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp và tư vấn tâm lý học đường đối với bà Nguyễn Thị P., giáo viên Trường THPT Đa Phúc theo quy định.
Đáng nói, mới đây, mạng xã hội đang xôn xao với thông tin học sinh quay clip ghi lại sự việc và đăng tải trên mạng xã hội phải chịu hình thức kỷ luật từ nhà trường.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí chiều 3/10, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, báo cáo của nhà trường không đề cập đến thông tin kỷ luật học sinh quay video như đồn đại trên mạng xã hội.
Cụ thể, theo báo cáo nhà trường gửi Sở GD&ĐT, liên quan đến clip ghi lại cảnh học sinh quỳ khóc kiệt sức trước cửa lớp, nhà trường đã có buổi làm việc với các cá nhân có liên quan.
Theo đó, công an huyện Sóc Sơn đã có gặp gỡ, xác minh thông tin với ban giám hiệu, cô P. và một số học sinh.
Theo báo cáo từ nhà trường, học sinh Đ.V.T.C (lớp 12D4) xác nhận có quay clip từ bục giáo viên, sau đó em gửi cho bạn cùng lớp.
Báo cáo này không đề cập đến việc Trường THPT Đa Phúc xử lý học sinh quay video như mạng xã hội đăng tải.
Chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn cho biết, mặc dù không trực tiếp quản lý cấp THPT trên địa bàn nhưng dưới sự quản lý về mặt chuyên môn, đơn vị này không nhận được thông tin nhà trường xử lý kỷ luật học sinh.
Lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện cũng cho rằng, sẽ không có chuyện kỷ luật học sinh quay clip.
Trước đó, mạng xã hội đăng tải clip nữ sinh quỳ khóc kiệt sức trước cửa lớp. Một lát sau, cô giáo P. túm cổ áo kéo lê em vào lớp.
Theo tường trình của cô P. tại buổi làm việc giữa nhà trường và gia đình, em N.T.K.C. là Bí thư lớp, được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật nhưng em đặt khác với thống nhất của cô giáo chủ nhiệm.
Sau khi trao đổi, cô P. bảo học sinh C. ra đứng ở cửa lớp, không cho vào để em tự giải quyết chiếc bánh mình đặt.
Khi lớp kê bàn ghế và bày cỗ chuẩn bị sinh nhật cho các bạn trong tháng, giáo viên chủ nhiệm đi ra cửa thì học sinh C. quỳ xuống ở cửa lớp.
Cô P. bảo học sinh đứng lên nhưng em không đứng. Do sức khỏe không tốt, học sinh C. nằm ra cửa lớp, đồng thời cô P. kéo áo học sinh này.
Cô P. thừa nhận đây là hành động chưa chuẩn mực, xử lý nóng vội, gây hiểu lầm.
Về phía học sinh C., theo báo cáo của nhà trường, em cũng xác nhận mắc nhiều lỗi và sự việc diễn ra như cô P. tường trình.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, hiệu trưởng nhà trường đã nhắc nhở giáo viên có hành vi kéo học sinh đứng lên chưa chuẩn mực, hành động chưa đúng với vị trí của giáo viên chủ nhiệm, yêu cầu giáo viên về viết tường trình.
Đồng thời, hiệu trưởng nhà trường gọi điện cho bố học sinh C. đến trường gặp gỡ, làm việc.
Theo báo cáo của nhà trường, bố của học sinh C. và nhà trường đều thừa nhận cả hai bên cùng có lỗi.
Hiệu trưởng cũng nhận trách nhiệm khi để xẩy ra vụ việc đáng tiếc, mong học sinh C. và gia đình thông cảm về hành động kéo lê học sinh của cô P..
Được biết, địa phương đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra sự việc.
Ngày 2/10, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu nhà trường tạm đình chỉ công tác của cô P..
Về phía các học sinh liên quan, hiện chưa có phương án xử lý bởi theo nhà trường, cần chờ kết luận điều tra của cơ quan công an.