Học sinh miền núi thử làm sinh viên trường nghề
(Dân trí) - Thời gian này, nhiều trường THPT ở các huyện miền núi Quảng Ngãi tổ chức cho học sinh lớp 12 tham quan, trải nghiệm chương trình "Một ngày làm sinh viên" tại các trường nghề. Đây là hoạt động giúp học sinh tìm hiểu, định hướng nghề nghiệp phù hợp cho bản thân sau khi rời mái trường THPT.
Những ngày qua, trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (Bộ LĐ-TB&XH) luôn rộn rã bởi những chuyến xe chở học sinh ở các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi trong tỉnh về tham dự chương trình "Một ngày làm sinh viên".
Phải vượt qua quãng đường gần 100 km nhưng Hồ Văn Thoại - trường THPT Tây Trà vẫn rất phấn khởi tham gia tất cả các hoạt động trải nghiệm. Thoại được hướng dẫn tham quan phòng thực hành, khu giảng đường, tham quan hoạt động thực tế tại một số doanh nghiệp liên kết đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp trường nghề.
“Năng lực học tập của em không khá lắm, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên em thấy trường nghề sẽ phù hợp cho mình. Trước hết em sẽ nỗ lực đỗ tốt nghiệp rồi em sẽ học nghề với mong muốn có cơ hội việc làm cho bản thân”, em Hồ Văn Thoại cho biết.
Sau khi tham dự hoạt động tư vấn hướng nghiệp, em Phạm Quang Diệu - trường THPT Minh Long cũng dự định sẽ theo học ngành điện, hệ cao đẳng nghề thay vì nộp đơn xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp khác.
“Em biết khả năng của mình sẽ không đỗ vào đại học mà có đỗ thì ra trường cũng khó xin việc. Do đó, em dự tính sẽ tham gia học nghề để được đảm bảo việc làm khi học xong”, Thoại nói.
Nhiều năm qua, các trường THPT tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi đã chú trọng tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh hiểu biết về định hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm trong tương lai, chính sách dạy nghề, hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước.
Thầy Lê Ngọc Đức - Hiệu trưởng trường THPT Minh Long cho biết, ở các trường miền núi, điều kiện học tập cũng như năng lực của các em còn hạn chế. Với năng lực thực tế của học sinh, nhà trường đã hướng nghiệp, giúp các em lựa chọn con đường phù hợp với bản thân sau khi rời mái trường THPT. Trong đó học nghề là một trong những định hướng được chú trọng.
"Nhờ làm tốt công tác hướng nghiệp, kết hợp với nhiều chính sách hỗ trợ nên thời gian qua số học sinh chọn trường nghề gia tăng đáng kể", thầy Đức cho biết.
Bà Nguyễn Ngọc Minh Nguyệt - Trưởng Ban Tuyển sinh và Tư vấn việc làm (trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất) cho biết, hoạt động tư vấn, trải nghiệm thực tế tại trường giúp học sinh có định hướng cụ thể hơn trong việc chọn nghề. Thông qua hoạt động này, nhiều học sinh mà đặc biệt là học sinh ở khu vực khó khăn, miền núi đã quyết định chọn trường nghề.
"Đối với nhà trường, chúng tôi cam kết đảm bảo đầu ra cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, học sinh, sinh viên sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo", bà Nguyệt nói.
Quốc Triều