Hà Nội: Lao động thất nghiệp tham gia học nghề tăng hơn 34 %

(Dân trí) - “Khi nghỉ việc, tôi được nhận trợ cấp thất nghiệp. Đây là một nguồn động viên cho lao động chưa tìm được cơ hội. Đặc biệt, tôi được TT DVVL tư vấn các cơ hội lựa chọn các nghề. Tôi đã chọn một nghề để học, hy vọng qua đó có thể mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm mới”.

Học viên Ngô Bảo Ngọc (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ khi tham gia lớp học nghề nấu ăn do Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) tổ chức cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tăng cơ hội chọn nghề

Tâm sự về quá trình làm việc trước đây, chị Ngô Bảo Ngọc cho biết đã từng công tác tại một Viện nghiên cứu về kinh tế được 6 năm và có tham gia bảo hiểm xã hội.

“Khi nghỉ việc, tôi mới thực sự hiểu được vai trò động viên không nhỏ của khoản trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, tôi được lựa chọn học nghề, bổ sung thêm hành trang trong quá trình quay trở lại thị trường lao động” - chị Ngô Bảo Ngọc nói.

Đồng quan điểm với chị Ngô Bảo Ngọc, học viên Vũ Tố Nga (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) cũng đánh giá cao ý nghĩa của lớp học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN).

Dạy nghề cho lao động tham gia BHTN tại Hà Nội

Vừa được hưởng chế độ chi trả trợ cấp thất nghiệp tương đương với 5 tháng lương, chị Vũ Tố Nga cũng tham gia vào lớp học nghề nấu ăn.

Chị Vũ Tố Nga nói: “BHTN là một chính sách tốt trợ giúp đúng lúc và kịp thời người lao động khi gặp khó khăn về việc làm. Không những thế, thông qua lớp học nghề miễn phí, tôi được học thêm nghề nấu ăn”.

Đánh giá về công tác tư vấn học nghề, anh Trần Văn Hải - Giáo viên dạy nghề pha chế, TT DVVL Hà Nội cho rằng, ngày càng có nhiều người lao động biết tới và tham gia chính sách học nghề.

“Trung tâm đã có nhiều thay đổi trong việc gắn kết chương trình đào tạo nghề với người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, như: Tăng cường cách tuyên truyền, quảng bá thông tin, in tờ rơi về danh sách các nghề để lao động hiểu và tham gia…” - anh Trần Văn Hải cho biết.

Lao động học nghề: Tăng hơn 34 %

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc TT DVVL Hà Nội, năm 2018, hơn 2.650 lao động thất nghiệp nhận quyết định học nghề. Số liệu này tăng 34,62 % so với năm 2017. Để tăng cường công tác dạy nghề, Trung tâm đang phối hợp tư vấn cho người lao động thất nghiệp đăng ký học nghề tại 9 cơ sở đào tạo nghề đủ điều kiện theo quy định.

Hà Nội: Lao động thất nghiệp tham gia học nghề tăng hơn 34 % - 1

Lớp học nghề cho lao động hưởng BHTN

“Các ngành nghề được người lao động lựa chọn đăng ký học nghề như: Kỹ thuật nấu ăn, lái xe ô tô hạng B2 và C, kỹ thuật pha chế đồ uống, tin học văn phòng. Một số ngành nghề mới được khai thác như chăm sóc da, phun thêu thẩm mỹ” - bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết.

Mặc dù số quyết định học nghề tăng cao so với năm 2017, nhưng bà Vũ Thị Thanh Liễu cũng thừa nhận số lượng vẫn còn chưa nhiều so với số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp.

Trong khi đó, nhiều trường hợp đã đăng ký học nghề nhưng không đến nhận quyết định hỗ trợ học nghề, nguyên nhân chủ yếu do họ đã tìm được việc làm mới trong thời gian hưởng TCTN nên chấm dứt hưởng TCTN và không tiếp tục tham gia khóa học nghề theo quy định.

Để tăng cường việc thu hút người lao động tham gia học nghề, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, trung tâm thường xuyên không ngừng thay đổi các hình thức tư vấn, tìm hiểu chia sẻ với người lao động để làm sao đáp ứng được nguyện vọng của người lao động với học nghề nhất.

Hà Nội: Lao động thất nghiệp tham gia học nghề tăng hơn 34 % - 2

“Mới đây, TT DVVL Hà Nội đã mở rộng cơ sở đào tạo nghề tại trụ sở chính 215 Trung Kính và triển khai các nghề đào tạo tại cơ sở 144 Trần Phú Hà Đông. Tromg tháng 3/2019, TT DVVL sẽ tổ chức dạy nghề tại cơ sở 2 ở 33 Tạ Quang Bửu, trường nghề Bách khoa Hà Nội” - bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết.

Ngoài việc mở rộng nơi dạy nghề, Trung tâm cũng chủ động bố trí sắp xếp cán bộ có năng lực và chuyên môn tốt của phòng Tư vấn Giới thiệu việc làm, phòng Đào tạo nghề phối hợp với phòng BHTN trong việc tư vấn tại chỗ cho lao động BHTN có nhu cầu giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề tại 7 điểm tiếp nhận hồ sơ BHTN của Trung tâm.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu nói: “Ngoài ra, chúng tôi còn chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề khác làm đa dạng được các ngành nghề đào tạo, qua đó giúp người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn nghề, qua đó sớm thay đổi việc làm, ổn định cuộc sống”.

Hoàng Mạnh