Gia Lai:
Học sinh lớp 6… đọc còn phải đánh vần
(Dân trí) - Điều khó tin khi học sinh S đã lên lớp 6 (Trường THCS Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) nhưng khả năng đọc viết còn rất chậm. Theo giáo viên giải thích vì tình thương, sợ em bỏ học nên “tạo điều kiện” để cho học sinh này lên lớp.
Lớp 6…đọc còn đánh vần, chữ viết nguệch ngoạc
Theo thông tin phản ánh, em S đã lên lớp 6 nhưng đọc viết còn chưa sõi. Ngay sau điều kì lạ này, chúng tôi đã tìm về nhà em S để xác minh thông tin.
Khi quan sát vở em của S, hầu như không có bài nào được ghi trọn vẹn và chữ cũng không thể đọc ra. Các bài học em S chỉ ghi được tên bài sau đó gạch sang bài khác…Theo gia đình và nhà trường xác nhận, em S bị thiểu năng (chậm hiểu), nhưng đây mới chỉ là suy đoán chứ chưa có giấy tờ nào xác nhận về tình trạng bệnh của em.
Tâm sự với chúng tôi, chị B.T.V (Mẹ S) cho biết: “Từ 5 tuổi S mới biết nói. Chắc vì vậy mà S hay lầm lỳ, nhút nhát và ngại giao tiếp hơn những bạn đồng trang lứa. Lúc S học lên học cấp 1, nhiều lần gia đình đưa em lên Gia Lai khám thì bác sĩ cho biết S bị chậm phát triển. S học trước quên sau, lúc viết thì tay em run run và phải đánh vần em mới viết được. Tôi cũng thừa nhận, tuy lớp 6 nhưng khả năng đọc còn phải đánh vần. Lúc S viết thì phải dịch từng chữ thì S mới viết được. Giờ cháu học được ngày nào thì gia đình mừng ngày đó…
Một số môn Văn và Toán em chỉ ghi được dầu bài nhưng vẫn qua được các kì thi để ngồi ở lớp 6
“Thấy cháu vậy, gia đình cũng đã lên xin nhà trường để cho cháu ở lại học để biết đọc biết viết, nhưng nhà trường không chịu. Gia đình cũng mong muốn cháu đi học để biết cái chữ và hòa đồng cùng bạn bè”, chị V cho biết thêm.
“Tạo điều kiện” cho học sinh lên lớp!
Chúng tôi tìm về ngôi trường tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ia Tiêm), nơi S theo học thời cấp 1 để tìm hiểu nguyên nhân việc S dù đọc viết còn chậm nhưng vẫn đang học lớp 6.
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Kha (Hiệu trưởng) cho biết: “Theo nhận định thì em S bị thiểu năng trí tuệ, nhưng ở mức độ nào thì cũng chưa biết vì gia đình không có giấy tờ gì xác định. Qua năm 5 học tại trường tiểu học, chúng tôi nhận thấy em S có nhiều biểu hiện như việc tiếp thu bài chậm, khả năng đọc còn phải đánh vần, viết chữ cũng phải đánh vần…Trước đó, S đã lưu ban năm lớp 1 và hiện đã lên học cấp 2. Việc cháu S lên được lớp 6 đều có hội đồng đánh giá, giám sát kĩ lưỡng…”.
“Thấy cháu như vậy, nhà trường cũng bàn với gia đình nên đưa cháu đi kiểm tra để xem bệnh cháu ở mức độ nào nhưng gia đình không chịu vì sợ cháu mặc cảm. Dẫu biết rằng cháu S rất yếu nhưng cứ để cháu lưu ban mãi thì sợ cháu bỏ học. Chính vì vậy, nhà trường để “tạo điều kiện” để cho cháu S lên lớp. Còn đối với việc gia đình gặp để xin cháu ở lại thì nhà trường chưa nắm được và cũng chưa nghe các cô chủ nhiệm báo cáo.”, cô Kha cho biết thêm.
Nhưng khi phóng viên hỏi nhà trường “tạo điều kiện” nhưng thế nào để một em học sinh yếu như em S mà có thể vượt qua các kì thi từ lớp 1 – 4 ?. Đặc biệt, trình độ đọc viết của em còn chưa thạo, sao có thể vượt qua kì thi chuyển cấp với một hội đồng gồm: Trường TH Trần Quốc Toản và THCS Lê Duẩn kiểm tra giám sát và đạt điểm của một học sinh khá là Văn: 6 và Toán 7 ?. Ngoài ra, các điểm số, bài thi của S từ đâu ra và sao có được để đạt chuẩn học sinh lớp 6 cần có ?.
Trả lời về vấn đề này, cô Kha cho biết: “Khi biết việc học sinh S đến lớp 5 nhưng đọc viết còn chậm, tôi đã gọi 4 cô giáo chủ nhiệm của em lên nắm lại tình hình. Theo các cô, em S như vậy nên đã “tạo điều kiện” để em lên lớp theo các bạn cùng trang lứa vì sợ em bỏ học. Tôi cũng không hỏi rõ “tạo điều kiện” như thế nào. Điểm của em S như thế nào thì đã có hội đồng giám sát và đánh giá theo kết quả em làm…”.
Trong đợt kiểm tra cuối kỳ II, em S. cũng đã đạt 7 điểm môn Toán và 6 điểm môn Văn nên đã đủ điều kiện để hoàn thành chương trình Tiểu học. Bà Phan Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng trường THCS Lê Duẩn cũng cho hay: “Dù em S. có khả năng tiếp thu rất chậm, khi em viết vẫn đang bị run, khi đọc cũng phải đánh vần từng chữ. Nhưng em S. vẫn có chứng nhận hoàn thành chương trình Tiểu học nên chúng tôi bắt buộc phải nhận”.
Trao đổi với PV, ông Ngô Xuân Hiếu (Trưởng Phòng GĐ – ĐT huyện Chư Sê) cho biết: “Sau khi nghe báo chí phản ánh việc em S học lớp 6 mà đọc viết còn chậm khiến tôi rất bất ngờ. Ngay sau đó, tôi đã yêu cầu hiệu trưởng của 2 trường báo cáo thì mới biết em này bị thiểu năng nên mới như vậy. Theo đó, em S đang học sinh lớp 6, kết quả học kì 1 của em là học sinh yếu. Theo hồ sơ thì em S đủ điều kiện lên lớp theo quy định.
Trước việc trên, tôi cũng đã chỉ đạo trường THCS Lê Duẩn có phương pháp phụ đạo, dạy em để em phát triển. Còn nếu cuối năm mà em không đạt được yêu cầu thì cũng phải làm theo quy định của ngành giáo dục.”.
Hiện tại, S đã lên lớp 6 nhưng đọc viết còn chưa thạo và không theo kịp các bạn trong lớp. Các bài vở của S hầu như chỉ viết được đầu bài và chữ viết cũng không đúng nét. Việc S bị bệnh và tình thương của các thầy cô ai cũng nhận thấy. Nhưng “tạo điều kiện” để em lên từng lớp như vậy thì điểm số và các bài thi em làm từ đâu ra để S được lên lớp rất cần cơ quan vào cuộc xác minh làm rõ.
Phạm Hoàng