Giáo viên chia sẻ nỗi khổ khi học sinh “ngồi nhầm lớp”

(Dân trí) - Học sinh đọc chưa thông, viết chưa thạo vẫn lên lớp ở trường phổ thông là điều không hiếm gặp. Chỉ có điều khi nào báo chí vào cuộc phát hiện, lên tiếng thì câu chuyện những học sinh “ngồi nhầm lớp” ấy mới bị trưng ra ánh sáng và khiến nhiều người ngạc nhiên, bất an.

Thông tin về một học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Duẩn (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đọc viết chưa rành rọt cùng bài viết của cô giáo Loát Trần “Vì sao học sinh lớp 6 đọc chưa sõi vẫn được lên lớp?” trên báo Dân trí khiến tôi rất đồng cảm và chia sẻ với tâm sự của một người trong ngành.

Trong mỗi lớp học đều có có sự phân hóa rõ ràng về năng lực của học sinh. Có học sinh khá giỏi thì cũng tồn tại nhiều em học lực trung bình, yếu. Vậy nhưng có một vài học sinh yếu đến mức đọc không rõ chữ, viết không ra chữ lại lên lớp đều đều là một vấn đề cực kỳ tế nhị, nhạy cảm.

Giáo viên cấp hai chúng tôi vẫn thỉnh thoảng rỉ tai nhau về em A, em B ở lớp này, lớp kia đang “chép chữ”, “vẽ chữ” của cô giáo trên bảng. Bởi nếu giáo viên không viết bảng, chỉ đọc thôi thì em không thể tự ghi bài được. Rồi mỗi lần chấm bài kiểm tra mới thật sự kinh hãi, bởi vừa cố đọc vừa cố đoán xem các em ấy viết gì.

Chúng tôi từng rất băn khoăn, thắc mắc không hiểu ở cấp một các em học hành thế nào, thầy cô đánh giá các em thế nào để các em được lên cấp hai. Chúng tôi vừa dạy vừa phụ đạo mỗi tuần nhưng năng lực vốn không có lại hỏng kiến thức từ những lớp dưới nên sự tiến bộ của các em cực kỳ mong manh. Nhưng như một vòng xoay không điểm dừng, các em sẽ lại lên lớp, chuyển cấp và giáo viên cấp ba quay lại trách cứ cấp hai ư?

Năng lực hạn chế, sức học kém lẽ tất nhiên phải bị lưu ban, ở lại lớp. Đó là sự sàng lọc như một quy luật tất yếu của mọi ngành nghề, giáo dục cũng không ngoại lệ chứ? Vậy mà, thực tế lại cực kỳ tréo ngoe khi học sinh yếu kém không thể ở lại lớp bởi sự ràng buộc của nhiều quy định khắt khe và sự chồng chéo của nhiều chính sách.

Đơn cử như chính sách phổ cập giáo dục và chủ trương giáo dục hòa nhập cực kỳ nhân văn của đất nước ta. Khi mọi trẻ em đều có quyền đi học, quyền được đến trường thì việc cho các em có bệnh lý về nhận thức và năng lực ở lại lớp dường như lại khó thực hiện bởi người ta cảm thấy “thương cảm” cho hoàn cảnh của học sinh rồi lại lo lắng học sinh sẽ bỏ học sau khi ở lại… khiến tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp lại càng trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng căn bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay chẳng khác gì “gió đẩy thuyền” cho tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Người thầy bị ràng buộc chỉ tiêu chất lượng với nhà trường, nhà trường lại chịu sự chi phối của chỉ tiêu chất lượng của Phòng, Sở Giáo dục.

Bảng chỉ tiêu chất lượng không biết bao nhiêu lần bị ví von như chiếc “vòng kim cô” cột chặt người thầy vào thành tích, thi đua. Nào đâu phải ai không muốn thi đua danh hiệu này kia cứ việc đánh giá đúng thực chất và mạnh tay xếp loại học lực yếu kém cho học sinh?!

Ngoài việc bị trừ điểm thi đua, hạ danh hiệu khi tỉ lệ học sinh yếu kém vượt ngưỡng, dẫu rằng đó là kết quả của quá trình đánh giá trung thực, nghiêm khắc, thì người thầy còn phải đối diện với bao áp lực từ cấp trên dội xuống. Những câu hỏi “Vì sao?”, “Tại sao?”, “Giải pháp nào?”… sẽ khiến bao người quay vòng trong áp lực.

Và tôi nghĩ là sau những lần bị chất vấn, nhắc nhở từ nhẹ nhàng đến nghiêm khắc của cấp trên, không ít người thầy đã nhận ra rằng mình không thể “ngược dòng” thành tích và thoải mái nhận xét, đánh giá học sinh để rồi yếu vẫn lên lớp, kém vẫn lên lớp.

Thú thật, ai trong cảnh ngộ mới thấm thía cái khó, cái khổ của giáo viên khi không thể đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh. Và câu chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” có lẽ sẽ thỉnh thoảng bị khuấy động lên tí xíu rồi chìm ngỉm trong dòng chảy của thành tích.

Nguyễn Thùy

(Thừa Thiên Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!