Bạn đọc viết

Để không còn chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp”

Thời gian qua dư luận vẫn bàn tán nhiều về việc, một học sinh học tới lớp 6 nhưng lại chưa biết đọc, biết viết nên phải trả về học lại trường tiểu học, khiến câu chuyện “ngồi nhầm lớp” tưởng chừng đã “cũ” nhưng lại “nóng” bởi tính thời sự

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Nhiều câu hỏi đang đặt ra là liệu đây có phải trường hợp cá biệt, hay còn nhiều trường hợp khác trong các trường học cả nước đang ngồi nhầm lớp mà chưa phát hiện ra? Vì sao lại có hiện tượng ngồi nhầm lớp? Học sinh “ngồi nhầm lớp” do sự vô tình của chính giáo viên đứng lớp, của giáo viên chủ nhiệm, hay vì lý do nào đó!?

Có thể nói cho dù viện bất cứ lý do nào, thì rõ ràng để tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” là không thể chấp nhận được, bởi hậu quả của việc học sinh “ngồi nhầm lớp” có thể gây ra rất nhiều hậu quả tiêu cực cả về trước mắt lẫn lâu dài. Nó không chỉ tạo một lỗ hổng kiến thức, khiến cho học sinh chán học, bỏ học, mà còn làm đảo lộn những giá trị bằng cấp, gây sự bất công bắt đầu từ chính trong nhà trường. Về lâu dài, những học sinh “ngồi nhầm lớp” ra trường trót lọt với tấm bằng tốt nghiệp trên tay nhưng không có những kiến thức phổ thông cơ bản nhất, khiến cho chất lượng nguồn nhân lực lao động bị giảm sút nghiêm trọng. Và quan trọng hơn là chính những người trực tiếp dạy các em, lại đẩy những học sinh này vào viễn cảnh về một tương lai mờ mịt do không thể có được một nghề nghiệp với một trình độ tương ứng để bước vào đời lập thân, lập nghiệp.

Vì vậy để từng bước khắc phục, tiến tới chấm dứt tình trạng đáng buồn này, trước hết mỗi trường cần tiến hành rà soát trình độ học sinh, phân loại và có biện pháp kịp thời giúp đỡ để học sinh đều có thể đạt yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, không để xuất hiện thêm những học sinh “ngồi nhầm lớp”, đồng thời nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, chấn chỉnh công tác quản lý chỉ đạo dạy và học của giáo viên, học sinh; xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ những học sinh đang “ngồi nhầm lớp”; bố trí giáo viên có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm tham gia phụ đạo, kèm cặp từng học sinh, bù đắp những kiến thức thiếu hụt, giúp các em sớm đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó là đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cuộc vận động “hai không”, chấm dứt bệnh thành tích ảo, chấm dứt việc các giáo viên lớp dưới bàn giao học sinh không đạt chuẩn kiến thức lên lớp trên; chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, đánh giá học sinh trong năm học, cuối học kỳ, cuối năm học.

Đối với các sở, các phòng giáo dục và đào tạo, cần tiến hành các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao trách nhiệm và năng lực quản lý, chú trọng công tác kiểm tra và trách nhiệm giải trình của cán bộ các cấp quản lý giáo dục, của hiệu trưởng nhà trường; nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhà giáo đối với học sinh, nhất là với các em học sinh khuyết tật, học sinh người dân tộc thiểu số, thực hiện nghiêm túc những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác quản lý dạy và học.

Nhất là với mỗi giáo viên, phải không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục, tăng cường đi sâu, đi sát từng đối tượng học sinh học lực yếu kém, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp cải thiện tình hình đối với từng đối tượng cụ thể. Bởi trong số những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh có học lực yếu kém, có không ít nguyên nhân xuất phát từ những yếu tố khách quan tác động như: hoàn cảnh gia đình, môi trường sống…Vì thế để chấm dứt tình trạng học sinh không đạt chuẩn lên lớp thì cùng với từ phía thầy cô, nhà trường rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giải quyết tận gốc tình trạng này. Nên chăng cần thường xuyên có những cuộc họp, trao đổi, bàn bạc giữa ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh những học sinh có học lực yếu kém để có biện pháp phối hợp, theo dõi, đôn đốc, giúp học sinh tiến bộ.

Có thể nói hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” hay nói cách khác là học sinh không đạt chuẩn lên lớp đã xuất hiện từ lâu. Khắc phục việc này chắc chắn không thể giải quyết ngay một sớm một chiều mà cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể. Mặc dầu vậy không cho phép mỗi nhà trường, mỗi người làm công tác giáo dục chần trừ do dự, nhất là trong những năm gần đây hiện tượng này không phải là cá biệt, mà đang trở thành một hiện tượng nhức nhối và cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt. Hiện nay Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đang được phát động mạnh mẽ và đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, nên không còn lý do gì để có thể biện minh cho việc để học sinh “ngồi nhầm lớp”. Đây là cơ sở, là động lực để mỗi nhà trường, mỗi người làm công tác giáo dục hành động bằng chính lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp để không còn tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” và hơn thế, là cho chính mỗi học sinh được trang bị bằng đúng với kiến thức, kỹ năng thật sự chứ không phải bằng bằng cấp, chứng chỉ.

Minh Tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm