Học sinh Làng Nủ theo thầy xuống Hà Nội: "Em ước bố sống lại"
(Dân trí) - Sáng 30/9, em Hoàng Anh Quân, người Làng Nủ, có mặt tại Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Quân đặt chân đến thủ đô.
Hoàng Anh Quân đang học lớp 8 Trường Tiểu học - THCS Số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Em là một trong số gần 70 học sinh của trường trở thành trẻ mồ côi sau trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ sáng ngày 9/9.
"Sáng hôm đó, nhà em đang ngủ thì nghe thấy một tiếng nổ to ở trên núi. Cả nhà ra xem thì không thấy gì. Bố em bảo ba mẹ con xuống nhà trước. Một lúc sau thì đất đá ầm ầm đổ xuống, em chỉ kịp kêu "bố ơi chạy đi" rồi chạy theo mẹ.
Em chạy được một lúc quay lại nhìn thì thấy cả nhà và bố đều không còn…", Quân bật khóc nức nở, không thể kể tiếp kí ức đau thương.
Đã 20 ngày trôi qua, bố của Quân vẫn chưa được tìm thấy trong lũ bùn Làng Nủ.
Thầy Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh - cho biết toàn trường có 66 phụ huynh mất tích và tử vong, 13 học sinh vĩnh viễn không thể quay lại trường.
7 em may mắn sống sót đang nằm viện điều trị đều trở thành trẻ mồ côi. Phần đa trong số đó là những em mất cả bố lẫn mẹ, thậm chí có em mất toàn bộ gia đình, anh chị em.
"Cơn bão Yagi đã tàn phá rất nhiều cơ sở vật chất của nhà trường và người dân. Nhưng cơ sở vật chất thì khắc phục được, còn mất mát về con người không biết bao lâu mới có thể nguôi ngoai", thầy Vinh nghẹn ngào, bàn tay run run nắm chặt tay học trò.
Thời điểm trận lũ quét xảy ra, trường Số 1 Phúc Khánh đóng cửa nghỉ học tránh bão. Nhận được tin vào sáng sớm ngày 9/9, thầy Vinh vội vã vượt quãng đường gần 20km để vào Làng Nủ. Phần lớn hành trình phải đi bộ vì đường bị sạt lở nhiều đoạn.
Chiều 9/9, thầy Vinh và một số thầy cô đã có mặt tại làng, cùng các lực lượng chức năng tham gia tìm kiếm người mất tích. Nhiều thầy cô vừa lội bùn vừa khóc trước cảnh tượng tang thương ngoài sức tưởng tượng.
Ngày hôm sau, thầy Vinh ra một quyết định quan trọng, đó là đề xuất với chính quyền địa phương đưa toàn bộ học sinh Làng Nủ còn an toàn về trường.
"Cả làng không còn gì. Nhiều học sinh mất toàn bộ nhà cửa, tài sản, mất cha, mất mẹ. Chờ cho gia đình các em ổn định cuộc sống không biết đến lúc nào. Chưa kể nguy cơ sạt lở vẫn còn.
Thêm vào đó, các em cần rời khỏi nơi tang thương này để ổn định tâm lý. Dù điều kiện nội trú ở trường còn thiếu thốn, nhưng việc có bạn bè, có các hoạt động liên tục sẽ phần nào giúp các em nguôi ngoai.
Nhà trường cũng bố trí các thầy cô ở lại ngủ cùng các em, để các em cảm thấy an tâm, tin cậy", thầy Vinh nói.
Cơ sở vật chất của Trường Tiểu học và THCS Số 1 Phúc Khánh vốn chỉ có khả năng đáp ứng cho khoảng 2-3 chục học sinh bán trú, nay trở thành nơi nội trú của hơn 100 em.
Thầy Vinh cho biết trường nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, các nhà hảo tâm làm gấp rút bếp ăn tập thể, sửa lại các phòng chức năng để chuyển đổi thành phòng ở, mua sắm trang thiết bị phục vụ nội trú, trữ đủ gạo muối…
Hiện việc nội trú của học sinh Làng Nủ tại trường đã được triển khai thuận lợi. Các em ở trường từ thứ 2 đến thứ 6, cuối tuần về nhà với gia đình.
Quân nói ở trường được ăn no, ngủ ấm, nhưng em vẫn rất nhớ nhà, nhớ mẹ. Mẹ Quân đang ở khu tạm cư Làng Nủ. Mỗi chiều thứ 6, Quân lại ngóng ông ngoại tới đón về với mẹ.
Mỗi đêm, từ những dãy phòng nội trú, tiếng khóc của những đứa trẻ bé bỏng thi thoảng lại vang lên. "Khó khăn nhất là các em lớp 1. Các em còn nhỏ quá, lần đầu xa gia đình, đêm về nhớ mẹ nhớ bố lại khóc", thầy Vinh tâm sự.
Tuy nhiên, nhà trường vẫn động viên, thuyết phục các gia đình cho con em ở nội trú cho tới khi Làng Nủ tái định cư ổn định. Nếu phải di chuyển 7km hằng ngày từ khi khu tạm cư tới trường, trong bối cảnh mùa mưa lũ chưa kết thúc, an toàn của các em không được đảm bảo.
Hôm qua, thầy Vinh đưa trò Quân của mình từ Lào Cai xuống Hà Nội. Hai thầy trò tranh thủ vào bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai thăm hai học sinh đang điều trị. 1 em đang có tiến triển tốt, 1 em do bùn đất đi sâu vào nội tạng, vẫn đang phải lọc máu, chưa thể tự thở được.
Món quà mà thầy Vinh và em Quân nhận được từ các học sinh Hà Nội là 50 triệu đồng, trong đó riêng Quân nhận cuốn sổ tiết kiệm 30 triệu đồng. Số tiền này được dành để tái thiết cuộc sống và tương lai.
Quân nói, khi bố còn sống, em từng bảo bố muốn trở thành một thầy giáo. Giờ ước mơ ấy trở nên mạnh mẽ hơn.
Sáng 30/9, khoảng 1.500 học sinh đến từ 3 trường học tại Hà Nội gồm Trường THCS Cầu Giấy, Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu và Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đã tham gia quyên góp chung tay vì các bạn học sinh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Yagi.
Tổng số tiền mà học sinh các trường và phòng giáo dục và đào tạo ủng hộ là hơn 1,1 tỷ đồng. Riêng học sinh trường Cầu Giấy ủng hộ chương trình 100 triệu đồng và tặng Trường Tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh 20 triệu đồng.
Ban tổ chức đã nhận được 14.000 thẻ bảo hiểm tai nạn cá nhân cho học sinh vùng cao trị giá 300 triệu đồng cùng số tiền mặt 500 triệu đồng ủng hộ cho 5 trường học để mua sắm trang thiết bị dạy học tại tỉnh Lào Cai.
Bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, chia sẻ: "Chương trình hướng tới các em học sinh mồ côi, tái thiết trường học có ý nghĩa vô cùng lớn, đồng thời qua đó cũng giáo dục học sinh về giá trị của cho đi, yêu thương, sẻ chia với các bạn gặp khó khăn, hoạn nạn".