Học sinh Hà Nội và Bắc Ninh giành ngôi vị “Trạng nguyên Tiếng Việt” toàn quốc 2018

(Dân trí) - Vượt qua hơn 35.000 thí sinh ở kỳ thi Hương, em Quách Minh Châu (lớp 5, Trường Tiểu học Đình Bảng 2, Bắc Ninh) và em Nguyễn Hà Phương (lớp 4, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội) xuất sắc giành ngôi vị cao nhất cuộc thi “Trạng nguyên Tiếng Việt” toàn quốc năm nay.

Sáng ngày 13/5, lễ vinh danh và trao giải sân chơi giáo dục trực tuyến “Trạng nguyên Tiếng Việt” năm học 2017-2018 dành cho học sinh tiểu học trên toàn quốc diễn ra tại Hà Nội.


BTC Trạng nguyên Tiếng Việt đã chọn ra mỗi khối 1 trạng nguyên, 1 bảng nhãn, 1 thám hoa, 5% giải nhất, 10% giải nhì, 10% giải ba và nhiều giải khuyến khích.

BTC "Trạng nguyên Tiếng Việt" đã chọn ra mỗi khối 1 trạng nguyên, 1 bảng nhãn, 1 thám hoa, 5% giải nhất, 10% giải nhì, 10% giải ba và nhiều giải khuyến khích.

Với hình thức học, thi, mang đậm tính văn hóa, giúp kích thích sự sáng tạo, phát triển tư duy ngôn ngữ, chỉ sau 9 tháng phát động (từ tháng 9/2017 đến tháng 8/2018), cuộc thi đã thu hút được hơn 1,3 triệu học sinh toàn quốc của 49 tỉnh thành phố tham dự.

Từ hơn 300.000 thí sinh ở vòng Sơ khảo (cấp trường), 35.000 thí sinh được chọn tham dự kỳ thi Hương (cấp huyện). Tại kỳ thi Hội, BTC đã duyệt ID cho 17.800 thí sinh, trong đó, BTC kết hợp với 6 sở Giáo dục và Đào tạo (TP Hà Nội, TP Ninh Bình, Tỉnh Lào Cai, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam) để tổ chức thi tập trung cho hơn 6.000 thí sinh, 44 tỉnh thành khác giao cho các nhà trường tổ chức thi cho thí sinh. Sau kỳ thi Hội, BTC đã chọn ra 172 thí sinh đứng đầu 24 tỉnh thành để về Hà Nội dự thi Đình (vòng Quốc gia).

Chiều ngày 12/5, kỳ thi Đình (thi cấp Quốc gia) diễn ra tại thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 54 thí sinh khối lớp 4 và 117 thí sinh khối lớp 5 toàn quốc.

Kết quả chung cuộc được trao theo khối lớp. Ngôi vị cao nhất của cuộc thi là danh hiệu "Trạng nguyên" được trao cho 2 thí sinh: Quách Minh Châu (Trường Tiểu học Đình Bảng 2, Bắc Ninh) và Nguyễn Hà Phương (Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội).


Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ngoài cùng bên phải) và Giáo sư sử học Lê Văn Lan (ngoài cùng bên trái) trao giải cho hai Trạng Nguyên Nguyễn Hà Phương (thứ 2 từ trái sang) và Quách Minh Châu (thứ 3 từ trái sang)

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ngoài cùng bên phải) và Giáo sư sử học Lê Văn Lan (ngoài cùng bên trái) trao giải cho hai "Trạng Nguyên" Nguyễn Hà Phương (thứ 2 từ trái sang) và Quách Minh Châu (thứ 3 từ trái sang)

Ở khối lớp 4: Em Nguyễn Hà Phương (Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội) đạt Trạng nguyên; em Phạm Linh Anh (Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội) đạt Bảng nhãn; em Nguyễn Phú Đức (Trường Tiểu học Trung Sơn, Hà Nội) đạt Thám hoa.

Ở khối lớp 5: Em Quách Minh Châu (Trường Tiểu Đình Bảng 2, Bắc Ninh) đạt Trạng nguyên; Em Hoàng Lê Anh Thư (Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Lào Cai) và em Nguyễn Phương Mai (Trường Tiểu học Thị trấn Bắc Hà, Lào Cai) đạt Hoàng giáp; em Trần Hà Thu (Trường Tiểu học Bà Triệu, Hà Nội) đạt Bảng nhãn; em Phạm Nhật Anh (Trường Tiểu học Đình Bảng 2, Bắc Ninh) đạt Thám hoa.

Phát biểu tại lễ trao giải, bà Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: “Hiện nay, Bộ GD&ĐT rất chú trọng tới việc hiện đại hóa giáo dục và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng Bộ không thể làm một mình mà cần sự chung tay, giúp sức của nhà trường, học sinh, phụ huynh cũng như những đơn vị sự nghiệp giáo dục.

Thế giới hiện nay là thế giới phẳng, nhà trường hiện nay là nhà trường 4.0, và việc học tập của các em học sinh cũng được tăng cường nhờ mạng Internet. Hiện tại, có rất nhiều sân chơi giáo dục, nhưng những sân chơi giáo dục trực tuyến thuần Việt như “Trạng nguyên Tiếng Việt” hướng tới việc trau dồi, phát huy những tinh hoa ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, rèn luyện đạo đức, tính nhân văn thì chưa có nhiều”.

Đại diện Vụ Tiểu học tin rằng, tất cả những em học sinh trên mọi miền đất nước có chung tình yêu Tiếng Việt, có chung niềm đam mê học hỏi chính là chủ nhân tương lai của đất nước, là hiền tài của quốc gia.

Em Nguyễn Hà Phương (học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - người giành giải Trạng nguyên tiếng Việt khối 4 vui mừng chia sẻ: "Em biết đến cuộc thi từ năm lớp 2 do cô giáo giới thiệu và hướng dẫn. Lần đầu thử sức mình ở vòng loại em thấy nội dung thi vừa sức, hấp dẫn đối với các bạn tiểu học. Thêm nữa, sở thích của em là đọc truyện và đọc sách tiếng Việt, các câu thơ, ca dao, tục ngữ… nên không thấy vất vả khi tham dự cuộc thi.

Những kiến thức em đã ôn tập đều nằm trong SGK Tiếng Việt, Từ điển Tiếng Việt và một số cuốn sách về ca dao tục ngữ. Em thấy môn Tiếng Việt rất phù hợp với mình, học môn Toán em thấy áp lực nhiều nhưng khi học Tiếng Việt con thấy nhẹ nhàng và phù hợp".

Dành 2 tiếng mỗi ngày để ôn luyện tiếng Việt, em Quách Minh Châu (Trường Tiểu Đình Bảng 2, Bắc Ninh) vô cùng vui mừng khi giành ngôi vị Trạng nguyên.

“Cuộc thi là sân chơi bổ ích giúp con thông minh, sáng tạo hơn và tìm hiểu thêm những giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế”, Trạng nguyên khối 5 tâm sự.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan chúc mừng các thí sinh.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan chúc mừng các thí sinh.

Đánh giá về cuộc thi, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan chia sẻ: "Chúng ta đang có rất nhiều vấn đề về xã hội, về văn hóa, về giáo dục, về ngôn ngữ... nhưng những cuộc thi như thế này vừa làm một giải pháp vừa là một niềm tin để rồi chúng ta sẽ hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Ban đầu "Trạng nguyên Tiếng Việt" chỉ là một nhóm nhưng về sau nó đã bùng nổ thành một thứ gần như "phong trào" trong học sinh tiểu học toàn quốc và đó là ý nghĩa chúng ta đang cần vào lúc này".

"Trạng nguyên Tiếng Việt" là sân chơi riêng biệt về Tiếng Việt với hình thức thi được mô phỏng theo các kỳ thi Khoa Bảng thời xưa (bao gồm thi Hương - Cấp trường, thi Hội - Cấp tỉnh, thi Đình - Cấp toàn quốc) dành cho học sinh tiểu học.

Nội dung kiến thức học, thi là môn Tiếng Việt theo chương trình sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT. Bài thi được thiết kế nhằm kích thích tư duy sáng tạo của trẻ với các dạng: đề trắc nghiệm, điền vào chỗ trống, sắp xếp, hoàn thành phép tính, ô chữ… Các đề này được cấu tạo thành 12 dạng bài thi tương ứng với 12 con giáp, thể hiện trên nền 12 cảnh đẹp điển hình trải dài trên bản đồ nước Việt, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tình yêu với truyền thống, văn hóa dân tộc.

Lệ Thu

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục