Huế:

Học sinh đưa tình hình biển Đông vào bài thi học kỳ môn Văn

(Dân trí) - Trong bài thi kỳ 2 môn Văn vừa qua, dù đề không nói rõ tới vấn đề biển đảo nhưng các em học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP Huế) đã lồng những ý kiến cá nhân về tình hình biển Đông với ý thức yêu nước sâu sắc.

Theo đó, vào ngày 12/5 vừa qua, các em học sinh (HS) khối 7 ở TP Huế thi môn Văn học kỳ 2 với đề thi chung của Phòng GD-ĐT TP Huế, trong đó có câu: “Hãy viết bài văn nghị luận để làm rõ ý nghĩa của câu tục ngữ: "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”.
 
Vào sáng 16/5, các giáo viên chấm thi đã rất bất ngờ và xúc động khi một số bài Văn được các em đưa vào tinh thần yêu nước, hướng về biển Đông của Tổ quốc, phản đối Trung Quốc.

Như em Nguyễn Ngọc Bảo Châu, HS lớp 7/10 Trường THCS Nguyễn Chí Diểu đã viết: ".... Bây giờ tình hình biển Đông của chúng ta cũng rất căng thẳng, tàu của Trung Quốc đã đưa sang Việt Nam. Thế giới cũng đã lên tiếng về hành động này và nhân dân Việt Nam cũng rất phản đối về hành động của Trung Quốc. Dù vậy nhưng khi Tổ quốc cần, thì chúng ta những người dân Việt Nam sẽ đoàn kết bảo vệ vùng biển vốn thuộc chủ quyền Việt Nam...".

Bài thi của em Nguyễn Ngọc Bảo Châu.

Bài thi của em Nguyễn Ngọc Bảo Châu.

Em Phan Quốc Khánh, HS lớp 7/2 trường THCS Nguyễn Chí Diểu đã phân tích thêm một đoạn sau bài: “Khó khăn hiện nay của nước ta là sự căng thẳng tình hình giữa ta và Trung Quốc tại biển Đông. Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép và hung hãn tấn công những ngư dân Việt Nam. Đó là một trở ngại lớn nhưng trong lịch sử nhân dân ta đã bao lần cần cù, kiên trì, bảo vệ bờ cõi khỏi giặc xâm lược. Và bây giờ nó như tái hiện thêm một lần nữa. Nhưng ta phải mềm mỏng nhưng cương quyết như cha ông ta đã dạy để bảo vệ Tổ quốc. Em tin với lòng kiên trì bền bỉ và sự quyết tâm, nhẫn nại ta sẽ vượt qua được khó khăn này như câu: "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo".

Bài của em Phan Quốc Khánh.

Bài của em Phan Quốc Khánh.

Thiết nghĩ, những em HS cấp 2 với ý thức rõ ràng về vấn đề chủ quyền biển đảo dân tộc đã làm một việc hết sức ý nghĩa. Dù nó thầm lặng, chỉ thể hiện trong bài thi nhưng nói lên tinh thần, suy nghĩ các em thật đáng trân trọng và rất cần cho thế hệ trẻ của đất nước.

Cũng trong ngày 17/5, hơn 1.000 cán bộ giáo viên, chuyên viên ngành GD-ĐT Thừa Thiên Huế đã tổ chức mít tinh “GD-ĐT Thừa Thiên - Huế với biển đảo Tổ quốc”. TS. Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh đã phát biểu lên án hành động của Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên lãnh hải Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan, các tàu về nước. Đồng thời, yêu cầu tất cả các trường học trong toàn tỉnh phải trình chiếu các clip về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, hình ảnh lực lượng chấp pháp Việt Nam đang ngày đêm đấu tranh đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Đặc biệt, các học sinh, sinh viên phải biết rõ tình hình căng thẳng trên biển Đông, biết thông tin các hoạt động phản đối Trung Quốc của nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Các trường đồng loạt treo băng rôn “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”, nên tổ chức các chương trình thơ nhạc "Hướng về biển Đông" hoặc là lồng các bài hát về biển đảo, quê hương vào các giờ chào cờ đầu tuần, giờ sinh hoạt... và trong buổi chào cờ đầu tuần, mỗi học sinh đều cầm trên tay lá cờ Tổ quốc để hát Quốc ca.

Bài của em Phan Quốc Khánh.

Ở trường THCS Hương Thọ (Thị xã Hương Trà) một trường vùng sâu, tuy chưa nhận được thông báo về việc treo băng rôn của Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế nhưng đã treo trước 2 băng rôn mang dòng chữ "Hoàng Sa, Trường Sa là những quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc", "Kiên quyết phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam" ngoài cổng trường.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm