Sóc Trăng:
Tấm bản đồ “Việt Nam - Quê hương tôi” của học sinh An Lạc Thôn
(Dân trí) - Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, học sinh Trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đã có hành động thiết thực hướng về biển đảo bằng việc cho ra đời một tấm bản đồ Tổ quốc.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải (giáo viên Trường THPT An Lạc Thôn, người hướng dẫn các em thực hiện tấm bản đồ) cho biết, thông tin Trung Quốc hạ đặt dàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhân dân cả nước ta, kiều bào nước ngoài và bạn bè thế giới đều lên án hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc. Học sinh Trường THPT An Lạc Thôn cũng thể hiện tình yêu Tổ quốc của mình qua việc thực hiện tấm bản đồ Tổ quốc theo chủ đề “Việt Nam - Quê hương tôi” có chiều dài 1,1m; chiều rộng khoảng 70- 80cm. “Biết các em thực hiện tấm bản đồ này, nhiều người rất ủng hộ”, thầy Hải cho hay.
Theo thầy Hải, tấm bản đồ “Việt Nam- Quê hương tôi” là một mô hình học tập, bao gồm bản đồ hình chữ S của đất nước Việt Nam cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ được làm bằng cả trái tim, cả tâm huyết của các em khi nghĩ về quê hương nói chung, về biển đảo và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ để bảo vệ chủ quyền trước sự ngang nhiên xâm phạm của Trung Quốc.
Em Thảo Nguyên (một thành viên thực hiện tấm bản đồ) cho biết: “Với ý tưởng này, chúng em muốn gửi gắm tình yêu Tổ quốc của mình khi thực hiện tấm bản đồ đó, đồng thời giúp các bạn có nhận thức cao hơn về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, có ý thức bảo vệ quê hương, lãnh thổ. Đặc biệt là hai điểm nhấn Hoàng Sa và Trường Sa trên bản đồ được làm bằng hai ngôi sao màu đỏ, trên đó có gắn hai lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. Hình ảnh này nhằm nhắc nhở các bạn về chủ quyền biển đảo và ý thức bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Chúng em nghĩ, lá cờ đỏ sao vàng tung bay nơi đảo xa như một lời kêu gọi mọi người cùng chung sức bảo vệ biển đảo quê hương”.
Để hoàn thành tấm bản đồ đặc biệt này, các em đã dùng Atlat địa lý Việt Nam và photo bản đồ Việt Nam. Sau đó chia bản đồ ra thành 64 tỉnh, thành theo đúng kích thước tỷ lệ của bản đồ rồi sử dụng các vỏ bao bì phế liệu với nhiều màu sắc khác nhau cắt đúng các tỉnh thành, dùng keo dán các mảnh bao bì lại với nhau thành một bản đồ hoàn chỉnh với đủ 64 tỉnh, thành trong cả nước. Tiếp đó, các em dùng ngôi sao 5 cánh màu đỏ tượng trưng cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cuối cùng, dùng bông gòn pha màu kết lại tạo thành Biển Đông xanh thẳm, mênh mông.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải cho biết thêm: “Tấm bản đồ - mô hình học tập này sẽ giúp các em hiểu hơn, có ý thức hơn về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình về nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kì mới, thực hiện tốt những nội dung bảo vệ an ninh Tổ quốc, nêu cao cảnh giác, chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Bạch Dương