“Cháy” giáo án bởi tinh thần hướng về biển Đông

(Dân trí) - Hôm nay, cô Thanh có tiết dạy Địa lí ở lớp 8B Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Sau hiệu lệnh vào lớp, vẫn như bình thường, cô Thanh treo bản đồ Việt Nam lên bảng để chuẩn bị vào bài mới...

...Bỗng nghe bên dưới tiếng các học sinh la lên:
 
- Biển Đông cô ơi!

- Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam cô ơi!

- Trung Quốc cướp tài nguyên của Việt Nam cô ơi!

- Phản đối Trung Quốc cô ơi!

- ....

Thoạt đầu theo phản ứng tự nhiên, cô Thanh nghiêm giọng: Trật tự nào, trật tự để học nào. Hôm nay lớp học bài “Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ” là bài học lí thuyết cuối cùng của chương trình lớp 8, mục tiêu cơ bản của bài học là cho học sinh nắm được đặc điểm tự nhiên nổi bật của miền. Vùng biển và tài nguyên biển của miền được đề cập trong bài rất ít. Chương trình địa lí lớp 8 cũng chủ yếu đề cập đến địa lí tự nhiên của Việt Nam. Nhưng đây là tình huống sư phạm tốt, cần khai thác.

Nghĩ vậy, cô quyết định đẩy nhanh tốc độ bài giảng, chốt lại các vấn đề chính của bài cho học sinh. Thời gian còn lại khoảng 15 phút cô đặt vấn đề: Vùng biển Nam Trung Bộ có rất nhiều tài nguyên quan trọng, đặc biệt là dầu khí, vùng biển nơi đây có 2 quần đảo có vị trí chiến lược, là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của đất nước. Nào, chúng ta ai có quan tâm gì đến vấn đề biển đảo nói chung của nước ta và vùng biển Nam Trung Bộ thì phát biểu nào.

Cô Thanh chia sẻ: Thật ra cô cũng tò mò muốn biết các em bộc lộ suy nghĩ gì của mình trước một vấn đề lớn của dân tộc thôi chứ không tin các em phát biểu gì được nhiều, các em còn quá nhỏ so với các anh chị lớp 12 cùng trường. Với tình cảm bột phát chắc các em muốn bày tỏ tình cảm với quê hương, dân tộc trong giờ học địa lí. Nhưng không như cô nghĩ. Chỉ sau khi cô dừng lời, hàng loạt cánh tay giơ lên, nhiều em đứng cả dậy, giơ hai tay đòi được trình bày.

Các em đã làm cô đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Em Nguyễn Tuấn Dũng trình bày rất cô đọng lịch sử khai thác kinh tế của ngư dân Việt Nam qua các thời đại ở Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc đã lợi dụng tình hình để đưa quân đội tiến chiếm Hoàng Sa của Việt Nam tháng 1/1974 ra sao. Đã đọc tin bao lần mà với mô tả lại của học sinh, cô giáo vẫn không khỏi xúc động, tự hào với hình ảnh anh dũng, kiên cường, thông minh quả cảm của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và các chiến sĩ hải quân Việt Nam trên con tàu HQ505 khi tàu các anh bị phía Trung Quốc nã đạn trúng bốc cháy nhưng vẫn quyết tâm lao cả tàu lên đảo, biến tàu HQ505 thành cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên đảo Cô-lin.

Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam với diễn biến từng ngày trên thực địa và phản ứng của dư luận quốc tế và Việt Nam ra sao cũng được các em trình bày rất rõ.

Em Trần Thế Huy vạch mặt Trung Quốc trong lịch sử luôn thể hiện truyền thống bá quyền nước lớn, gây ra các cuộc tranh chấp biển giới với hầu hết các nước láng giềng, nay lại tranh hùng tranh bá trên biển Hoa Đông và đặc biệt là biển Đông, mộng biến biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc. Với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 có sự hộ tống của nhiều lực lượng, kể cả tàu quân sự để tiến vào sâu trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã chủ động leo thang căng thẳng ở biển Đông lên một nấc mới, trắng trợn vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời đe dọa an ninh, ổn định và hòa bình trong khu vực.
 
Em Trần Thế Huy phát biểu trong buổi học
Em Trần Thế Huy phát biểu trong buổi học.
 
Trả lời quan điểm của bạn thế nào khi Trung Quốc cho rằng họ đặt giàn khoan tại vùng biển của họ, Việt Nam không nên tham dự vào vấn đề của riêng Trung Quốc. Các em Nguyễn Tiến Đạt, Huỳnh Minh Quân đã khẳng định ngay rằng, vị trí giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đặt nằm hoàn toàn trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định trên cơ sở Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển 1982. Vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc quản lí nhưng sự quản lí đó là trái phép, vì Trung Quốc đã dùng vũ lực để tiến chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ tháng 1/1974.
 
Em Nguyễn Tiến Đạt phát biểu trong buổi học
Em Nguyễn Tiến Đạt phát biểu trong buổi học.

Hết cả 15 phút, rồi cả giờ ra chơi cũng hết mà các "diễn giả" trẻ tuổi vẫn say sưa. Tiết học bị “cháy" giáo án mà cô trò đều vui, thoải mái và xen lẫn tự hào. Cô Thanh chợt nhớ lại mới cách đây mấy năm, trên lớp cô cũng đã đặt các câu hỏi thăm dò sự hiểu biết của học sinh về tình hình Hoàng Sa nhưng hầu như rất ít em nắm được. Còn bây giờ bối cảnh đã khác. Các em học sinh lớp 8 đã có tầm hiểu biết khá rộng, khá chi tiết, rất tự tin trình bày các vấn đề về lãnh thổ, chủ quyền dân tộc

Cô Thanh cho rằng với một lớp trẻ như vậy, chúng ta có đủ niềm tin để khẳng định rằng Trường Sa, Hoàng Sa sẽ mãi mãi là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Nhật Hồng
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm