Học sinh bị tổn thương về sức khỏe tâm thần: Thiếu tới 70.000 giáo viên tham vấn

(Dân trí) - Tham vấn tâm lý học đường ở nước ta hiện vừa thiếu lại vừa yếu. “Hiện, số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước khoảng 14.000 trường, như vậy tính sơ bộ nếu mỗi trường có một tổ tư vấn 5 người/ trường thì có nghĩa là chúng ta đang thiếu 70.000 giáo viên tư vấn, tham vấn học đường”.

TS. Nguyễn Thị Vân Thanh, Khoa XHVN, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) đã chia sẻ như vậy.

Khoảng 20% học sinh bị tổn thương về sức khỏe tâm thần

Một thực trạng mà không chỉ ở Việt Nam và trên thế giới đều tồn tại: đó là có một tỷ lệ không nhỏ học sinh và sinh viên đang học ở các trường học có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

TS Nguyễn Thị Vân Khanh cho biết, ở Việt Nam, khoảng 10 – 20% học sinh Việt nam có các vấn đề sức khoẻ tâm thần cần được theo dõi, tư vấn và chữa trị. Nghiên cứu dịch tễ trên 7 tỉnh phía Bắc của cán bộ Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho thấy khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khoẻ tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.

Hậu quả nặng của việc mắc các rối loạn tâm thần và hành vi không được can thiệp là các hiện tượng tự sát. Theo thống kê, mỗi năm có tới một triệu thanh thiếu niên chết vì tự tử. Tại Việt Nam, tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai với những người trẻ tuổi, chỉ đứng sau tai nạn giao thông.

Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2008 cho thấy trong hơn 10.000 thanh thiếu niên, trên 73% người từng có cảm giác buồn chán, hơn 4% từng nghĩ đến chuyện tự tử. Đáng chú ý, tỷ lệ thanh niên nghĩ đến việc tự tử đã tăng lên khoảng 30%.


Khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khoẻ tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.

Khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khoẻ tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.

Theo TS Nguyễn Thị Vân Khanh, rối loạn hành vi không được can thiệp còn gây những hậu quả hành vi khác, gây rối trật tự trường học và công cộng. Các rối loạn hành vi có thể kể đến như: Gây thương tích cho người khác, chống người thi hành công vụ, nói tục nơi công cộng, ăn cắp, đua xe mạo hiểm trên đường phố, tấn công trẻ em; đe dọa, uy hiếp người khác bằng phương tiện, vũ khí có thể gây thương tích; độc ác với người khác hoặc với động vật (hành hạ, đánh đập), ăn cắp, cướp giật ví tiền, tống tiền, xâm phạm tình dục…

Trẻ thích vi phạm nghiêm trọng các luật lệ, đi qua đêm mặc dù bố mẹ cấm đoán (bắt đầu trước tuổi 13), thường bỏ nhà qua đêm ít nhất 2 lần hoặc bỏ nhà 1 lần và không trở về trong một thời gian dài; trốn học (bắt đầu trước tuổi 13); chống đối nhà chức trách, gây rối trật tự trị an (đua xe máy mạo hiểm trên đường phố đông đúc), gây cháy, phá hoại tài sản của người khác, lừa đảo...

Ở những mức độ nhẹ hơn, những rối loạn tâm thần và hành vi gây giảm sút khả năng học tập của học sinh, sinh viên. Trong khi đó, để học sinh, sinh viên có thể học hết khả năng, họ cần có thể lực, cảm xúc, trí tuệ và tinh thần tốt. Học sinh, sinh viên phải gắng sức dễ bỏ học hơn.

Tuy nhiên, bằng cách cung cấp các dịch vụ cho lo âu, trầm cảm và các mối quan hệ, chúng ta có thể giúp họ kiểm soát được các vấn đề này và học cách thức mới tồn tại trong thế giới”. Tham vấn học đường là “cách thức để học sinh, sinh viên kết nối với loại điều trị mà họ cần theo cách nhanh hơn”.

TS Vân Khanh cho rằng, nếu làm tốt công tác tâm lý học đường, sẽ hạn chế tình trạng học sinh hư hỏng, quậy phá, bỏ học, trầm cảm…; ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo lực học đường đã và đang gây ra nỗi lo của phụ huynh học sinh và toàn xã hội; giúp cho học sinh định hướng được tâm lý, tư tưởng, hình thành nhân cách đúng đắn và trở thành công dân tốt cho xã hội.

Việt Nam thiếu 70.000 giáo viên tư vấn, tham vấn học đường

Ý thức được tầm quan trọng của tham vấn học đường, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT, ngày 18 tháng 2 năm 2017, quy định “Nội dung và hình thức thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh” cũng như quy định cơ cấu tổ chức nhân sự cho công tác tư vấn trong trường học.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT về công tác tư vấn tâm lý là yêu cầu ít nhất 90% các trường trung học, trung cấp, cao đẳng, đại học thành lập bộ phận tư vấn hỗ trợ học sinh-sinh viên để giáo dục toàn diện, năng lực và phẩm chất cho các em.

Theo đó, thông tư 31 của Bộ GD&ĐT đã quy định, mỗi nhà trường sẽ có một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh. Tổ tư vấn này này do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ 3-7 người và tất cả giáo viên tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Vân Khanh, tham vấn tâm lý học đường ở nước ta hiện vừa thiếu lại vừa yếu. “Hiện, số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước khoảng 14.000 trường, như vậy tính sơ bộ nếu mỗi trường có một tổ tư vấn 5 người/ trường thì có nghĩa là chúng ta đang thiếu 70.000 giáo viên tư vấn, tham vấn học đường”.

Tuy hiểu về tầm quan trọng của tham vấn tâm lý học đường nhưng Bộ GD&ĐT vẫn không có biên chế riêng cho cán bộ làm tư vấn học đường. Các trường phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm công tác này và tính thêm số tiết. Các chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, chưa được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên nên chất lượng tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Trong lúc “tại các trường sư phạm, học phần về tâm lý học sinh chỉ là một học phần rất nhẹ”. Do đó, có hiện tượng “Tư vấn cho học sinh mà nói “em có vấn đề gì cứ nói đi” như kiểu công an hỏi thì sao các em nói được”.

Vì tham vấn, tư vấn tâm lý trong trường học chưa đạt hiệu quả. Do đó, công tác tư vấn tâm lý trong trường học vẫn chưa thực sự hấp dẫn, nhiều học sinh có tâm lý ngại đến phòng tư vấn, các em thường vào các diễn đàn trên mạng, chia sẻ với bạn bè thân thiết hơn là đến các phòng tư vấn của trường học” – TS Vân Khanh nhấn mạnh.

Nhật Hồng (ghi)