Giới Tâm lý học phản ứng về Thông tư tư vấn học đường của Bộ

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 31 về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Vậy nhưng, nội dung “tổ tư vấn” của Bộ đưa ra đang bị giới Tâm lý học phản bác lại và chỉ ra những điểm chưa ổn.

Tổ tư vấn học đường “chừa” chuyên viên tâm lý?

Trước thực trạng tâm lý học trò ngày càng phức tạp, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc tư vấn tâm lý học đường. Và mới đây nhất, Bộ ban Thông tư 31 về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Tiếc rằng, Thông tư này lại thể hiện rằng chính những nhà quản lý còn chưa hiểu hết về công tác tư vấn tâm lý.

Theo Thông tư của Bộ, nhà trường phải có Tổ tư vấn để hỗ trợ học sinh. Thành phần Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm: Đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội...

Một Tổ tư vấn tâm lý học đường nhưng Bộ không hề đề cập đến bóng dáng chuyên gia hay chuyên viên tâm lý mà lại là một bộ ban, lực lượng “giáo dục” hùng hậu.

Chuyên viên tư vấn học đường ở TPHCM trong chuyên đề tư vấn cho học sinh
Chuyên viên tư vấn học đường ở TPHCM trong chuyên đề tư vấn cho học sinh

Ông Lê Khanh (Phòng tư vấn Tâm lý gia đình và trẻ em) cho biết, hướng dẫn của Bộ với yêu cầu xây dựng một tổ tư vấn tâm lý hoành tráng trong trường học nhưng không thấy bóng dáng của người gọi là chuyên viên tư vấn tâm lý.

Ông Khanh thẳng thắn chỉ ra, với Thông tư này thì dường như hoạt động tư vấn tâm lý học đường lại bao gồm đủ thứ công việc trong nhà trường với đủ thứ hình thức gọi là tư vấn, từ việc báo cáo chuyên đề, giảng bài, dạy tích hợp, tổ chức câu lạc bộ và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp…

“Nó như môn Giáo dục công dân, lại na ná như chương trình huấn luyện kỹ năng sống và trông giống như một hoạt động đoàn đội. Nói túm lại là có đủ thứ cần thiết, chỉ trừ có một cái không có, đó chính là hoạt động tư vấn tâm lý cho từng học sinh khi phải đối diện với những khó khăn, thách thức dẫn đến các rối nhiễu tâm lý cần can thiệp trị liệu”, chuyên gia tâm lý này cho hay.

Ông Lê Khanh cũng nói thêm, với tinh thần này thì trường học sẽ lập ra hẳn một tổ tư vấn tâm lý, mà thực chất là những thầy cô đóng vai trò kiêm nhiệm và hiệu trưởng là tổ trưởng chỉ đạo, để dạy dỗ học sinh về tâm lý chứ không phải như một người biết lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng các em.

Thiếu am hiểu đặc thù công việc của tư vấn tâm lý?

Một trong những đặc thù quan trọng của việc tư vấn tâm lý là tính độc lập chuyên nghiệp của chuyên viên tư vấn để đảm bảo những nguyên tắc nghề nghiệp và đặc biệt hiệu quả hỗ trợ từng em học sinh, nhất là những em có nhu cầu trợ giúp nhất trở nên những con người khỏe mạnh. Tuy nhiên, có thể thấy, tổ tâm lý trường học đã vắng bóng chuyên viên tâm lý, chủ yếu là người ngoài “đá” chân vào. Trường nào có chuyên viên tâm lý thì cũng đủ thứ “dây rợ” ràng buộc họ.

Ông Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TPHCM bày tỏ, người làm tư vấn không thể "kiêm nhiệm" được, vì nếu thế họ có thể vi phạm vào nguyên tắc "không có mối quan hệ song đôi" với thân chủ/học sinh. Hơn nữa trong bối cảnh thực tế thì người làm tư vấn kiêm nhiệm không thể đáp ứng được các tiêu chí nghề nghiệp cơ bản.

Theo ông Uy, có lẽ Bộ Giáo dục cùng ban soạn thảo đang bị nhầm lẫn việc tư vấn tâm lý (nhấn mạnh đến sự trợ giúp và phải đảm bảo tính an toàn và bảo mật cho học sinh) với việc giáo dục học sinh theo đúng đường lối đã định.

Chuyên gia tâm lý trẻ em Lê Khanh nói thêm, Thông tư của Bộ do không am hiểu tính đặc thù của công việc, nên ngành Giáo dục đã xem việc tư vấn tâm lý học sinh như một hình thức "lên lớp" dạy dỗ các em chứ không phải là một công việc lắng nghe - đồng cảm - hỗ trợ. Thế nên, chính nhà quản lý “ngộ nhận” rằng chỉ cần giáo viên biết kinh nghiệm sống , có uy tín và nếu tốt hơn là được " tập huấn" vài ba khóa ngắn hạn về là đủ.

Một chuyên viên tâm lý học đường tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM cho hay, cô đã nghe đến “tổ tư vấn” tâm lý trong trường học cách đây 15 năm trước. Và đáng tiếc là cho đến bây giờ vẫn chưa thấy một sự thay đổi một cách tích cực nào. Việc tư vấn tâm lý trong nhà trường vẫn là hình thức, chưa đi vào thực chất quan tâm thật sự đến việc hỗ trợ học sinh.

Tại TPHCM, nhận thấy tầm quan trọng của chuyên viên tư vấn trường học, nắm 2008-2009, Sở GD-ĐT TPHCM đã tham mưu cho UBND thành phố và được phê duyệt chức danh giáo viên tâm lý. Đây là nơi đầu tiên trong cả nước có vị trí công việc này và công tác tư vấn học đường ở TPHCM có những khởi sắc nhất định. Nhiều chuyên đề, khóa bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi chuyên môn... của đội ngũ này liên tiếp được tổ chức.

Tuy nhiên, sau đợt thanh kiểm tra vào cuối năm 2015, TPHCM đã buộc phải tạm ngưng vì chức danh này không có trong thông tư hướng dẫn về định biên, định mức, chức danh giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)