Đà Nẵng nói không với bằng tại chức:
Hệ lụy của việc “gạo” không ngon nhưng vẫn “nấu”!
(Dân trí) - Những bất cập trong đào tạo hệ tại chức thì ngành giáo dục quá hiểu nhưng lại không thể làm mạnh tay bởi lẽ đây là nguồn thu chủ yếu các trường đại học hiện nay. Nếu siết chặt ngay thì ảnh hưởng đến "nồi cơm" của họ.
Hơn 4 năm sau, “phát súng” đầu tiên nã vào hệ tại chức của ngành giáo dục vang lên từ Đà Nẵng khi mà thành phố này thông báo khi tuyển công chức nhà nước không chấp nhận ứng viên có bằng tại chức. Tuy nhiên một lần nữa ngành giáo dục lại tiếp tục đặt niềm tin đối với hệ đào tạo này khi Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 và Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011 - 2020, trong đó, học tập suốt đời vừa được coi là mục tiêu, vừa là giải pháp để xây dựng xã hội học tập.
Trong khi đó, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì học tập suốt đời ở Việt Nam hiện nay dựa trên 5 trụ cột bao gồm giáo dục chính quy, giáo dục vừa làm vừa học, giáo dục từ xa, các trung tâm giáo dục thường xuyên và hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng.
Tiền đề để giải quyết bài toán chất lượng?
Theo đánh giá của giới chuyên môn thì không phải đến bây giờ cơ quan tuyển dụng mới “chê” người xin việc có bằng tại chức, mà nếu chịu khó xem thông báo tuyển dụng, ta thấy nhan nhản những yêu cầu bằng chính quy. Song ở Đà Nẵng được xem là “phát súng đầu tiên” vì tuyển dụng cho chức danh công chức nhà nước - khu vực mà khâu tuyển dụng lâu nay được đánh giá là thoáng, nhưng xin vào thì… chẳng dễ chút nào?!
Đà Nẵng không nhận ứng viên có bằng tại chức hẳn là có lý do của họ. Ban đầu dư luận nghĩ rằng họ tế nhị không nói ra cái lý do ấy. Nhưng cuối cùng thì Đà Nẵng cũng chẳng ngại mà thẳng thắn nói rằng hệ tại chức nhìn chung trình độ chưa cao.
Vấn đề là từ bây giờ, sinh viên và cơ sở đào tạo tại chức không chỉ phải tất bật vượt qua cái cửa ải là thi lấy bằng tốt nghiệp, mà còn phải qua cái ba-ri-e quan trọng hơn, quyết định hơn, ấy là sự công nhận của cộng đồng, của xã hội.
Bộ GD-ĐT có Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là một kênh để biết năng lực từng trường, nhưng nhận xét, đánh giá cũng khó chấp nhận kiểu “con hát mẹ khen”. Cho dù Cục này đánh giá thế nào đi nữa mà cộng đồng không chấp nhận thì cũng chẳng có tác dụng gì. Như vậy là giữa giáo dục và xã hội bắt đầu có những quy định, ràng buộc và tác động tương hỗ.
Cái “nồi cơm” của các trường ĐH mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT than thở cách đây 4 năm tại diễn đàn quốc hội đến hôm nay đã chính thức có người… chê.
“Nồi cơm” tới đây sẽ được hoặc thậm chí bị cộng đồng gíám sát chặt chẽ theo kiểu lạt mềm buộc chặt, chỉ đơn giản bằng cách: chấp nhận hay tẩy chay sản phẩm. Cộng đồng và doanh nghiệp sẽ là cơ quan kiểm định đánh giá khách quan và chính xác nhất chất lượng đào tạo.
Không ít các nhà quản lý giáo dục đều cho rằng, trong bối cảnh chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, kiểm định, đánh giá của ngành đang ở những bước sơ khai và ngổn ngang thì sự tham gia đánh giá của xã hội là cần thiết. Bên cạnh đó, bản thân ngành giáo dục cũng đang cùng với xã hội đánh giá (tiêu chí đánh giá ngoài trong kiểm định - PV).
Như vậy đây rõ ràng sẽ là bước khởi đầu để rồi tiến tới có một doanh nghiệp hay một địa phương nào đó đăng thông báo tuyển dụng rằng: Chỉ nhận sinh viên trường A, B... Khi đó, các trường muốn tồn tại buộc phải cạnh tranh lành mạnh và… hết sức tự giác. Và đây phải chăng cũng là một phương pháp để giải bài toán chất lượng mà lâu nay làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục?
Nguyễn Hùng - Thiệu Phong