Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V (2016 - 2021)

Hàng triệu hội viên khuyến học hào hứng, tin tưởng hướng về Đại hội

(Dân trí) - Sáng nay 22/9, Hội Khuyến học Việt Nam long trọng tổ chức ĐH đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V (2016 - 2021). Đại hội là nơi hội tụ những tấm gương khuyến học, khuyến tài xuất sắc trong cả nước. Các đại biểu về dự Đại hội lần này rất hào hứng, phấn khởi với tinh thần trách nhiệm to lớn đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua (2010 - 2015), dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa IV, toàn Hội đã nỗ lực không ngừng. Thành tích khuyến học, khuyến tài đã tăng lên hàng năm. Phong trào khuyến học chưa có một thời điểm nào bị chững lại mặc dù trong nước và trên thế giới đã diễn ra nhiều sự kiện có tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phong trào khuyến học đã luôn luôn sôi động, được nhân dân hưởng ứng tích cực.

Đến nay, cả nước có 99,23% cấp xã có Hội khuyến học cơ sở; 142.661 Chi hội khuyến học và 115.701 Ban Khuyến học; 14.557.471 hội viên Hội khuyến học, đạt tỷ lệ so với dân số là 15,88%, vượt chỉ tiêu phát triển là 5,88%; 11.038 Trung tâm Học tập cộng đồng.

8.427.421 gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học; 65.200 dòng họ hiếu học; 60.356 Cộng đồng khuyến học; Hơn 4,8 tỷ đồng mà Quỹ Khuyến học của TƯ Hội xây dựng năm 2015.


Ông Hà Ngọc Đào

Ông Hà Ngọc Đào

Ông Hà Ngọc Đào – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đắk Lắk: Nỗ lực xây dựng xã hội học tập từ cơ sở

Hội Khuyến học (HKH) tỉnh Đắk Lắk đã trải qua 15 năm hình thành và phát triển (2001 – 2016) cùng với 3 nhiệm kỳ Đại hội. HKH của tỉnh mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đã phấn đấu không ngừng theo từng năm tháng, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng xã hội học tập (XDXHHT) từ các cơ sở để đẩy mạnh không ngừng sự phát triển của Hội.

Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 227.444 hội viên (chiếm 12,63% dân số) và HKH tại các huyện, thị, thành phố đều đã được thành lập. Phong trào đăng ký gia đình hiếu học, dòng họ, hội đồng hương, tổ chức tôn giáo, cộng đồng dân cư hiếu học đang rất phát triển, toàn tỉnh có 78.087 hộ đạt danh hiệu Gia đình hiếu học (chiếm 53,56% số hộ đăng ký), có 243 tổ chức dòng họ, hội đồng hương, tổ chức tôn giáo đạt danh hiệu hiếu học.

Bên cạnh đó, do đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn với khoảng 60.000 học sinh, sinh viên nghèo; trong đó, có hơn 1.700 em mồ côi không nơi nương tựa, hơn 3.000 em khuyết tật cần sự giúp đỡ. Quỹ khuyến học của Hội đến nay đã quyên góp được 14 tỷ đồng và không ngừng hỗ trợ cho các học sinh, sinh viên để khắc phục được tình trạng bỏ học và vận động các em đến trường…

Hướng đến Đại hội Đại biểu Khuyến học toàn quốc lần V, HKH Đắk Lắk cũng đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ nhất định để tiếp tục phát huy vai trò của mình trong những năm tới. Cụ thể, phải phát triển tổ chức Hội ở cơ sở; số Hội viên cần vượt 15% dân số; vận động các hộ gia đình đăng ký Gia đình học tập đạt 50% số hộ toàn tỉnh; đẩy mạnh quỹ khuyến học và phát huy hiệu quả các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ)… Đồng thời, Hội cần chú trọng xây dựng công tác cán bộ Hội các cấp là những đồng chí có năng lực, nhiệt tình, hăng hái thực hiện tốt nhiệm vụ đã được giao”.


Bà Nguyễn Thị Hồng Vân

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị: Đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức, phát triển hội viên

Hướng tới Đại hội Khuyến học toàn quốc lần thứ V và Kỷ niệm 20 năm thành lập HKH Việt Nam, HKH tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai các kế hoạch, thực hiện có hiệu quả các mô hình học tập. Thời gian qua, HKH tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các lực lượng, các tổ chức chính trị- xã hội, xã hội- nghề nghiệp, các ngành, địa phương… đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài trong và ngoài nhà trường, góp phần XDXHHT từ cơ sở.

HKH đã xây dựng và tổ chức thực hiện thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” trong năm 2015 để triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh.

HKH đã hướng dẫn các cấp hội tổ chức đăng ký các mô hình học tập. Trong vấn đề này, Hội đã chọn những nơi khó khăn nhất đó là địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, dân tộc ít người để tổ chức lễ phát động, đăng ký các mô hình học tập để từ đó nhân rộng ra các địa phương.

Thời gian qua, HKH tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức, phát triển hội viên và được Trung ương HKH VN ghi nhận và đánh giá cao. Đến nay, toàn tỉnh có 3.386 tổ chức HKH, tăng 22 tổ chức so với năm 2015; tổng số hội viên là 170.508 người, chiếm tỷ lệ 27,5% tổng dân số, đứng thứ 4 cả nước. Hoạt động của TTHTCĐ có sự chuyển biến rõ nét, các chuyên đề học tập phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thời gian tới, HKH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức Hội, phát triển hội viên, chú trọng phát triển tổ chức Hội ở các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức xã hội và cộng đồng. Thực hiện tốt các nội dung công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, XDXHHT trên phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt quan tâm đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo. Tiếp tục giữ các mối quan hệ với các nhà tài trợ truyền thống và kết nối với các nhà tài trợ tiềm năng để tranh thủ nguồn học bổng cho học sinh nghèo...

Hàng triệu hội viên khuyến học hào hứng, tin tưởng hướng về Đại hội - 3

Ông Đinh Viết Khanh – Chủ tịch Hội khuyến học TP Cần Thơ: Hội khuyến học góp phần quan trọng vào sự nghiệp trồng người

Trải qua 16 năm thành lập và phát triển, HKH TP Cần Thơ luôn là điểm tựa là nơi cưu mang những em học sinh nghèo hiếu học vững bước trên con đường đến trường của mình.

Qua 3 nhiệm kỳ Đại hội, tổ chức Hội đã phát triển nhanh chóng, rộng khắp với 4.252 tổ chức các cấp và loại hình…

HKH TP Cần Thơ hiện có 168.647 hội viên chiếm 13,57% dân số thành phố, tăng 34,8 lần so với nhiệm kỳ I (2001), vượt chỉ tiêu Đại hội III đề ra và cao hơn mức bình quân chung của cả nước (12% tổng số dân).

Đến nay qua 16 năm hình thành và phát triển HKH Cần Thơ đã huy động được 200 tỷ đồng, trao tặng hàng chục nghìn suất học bổng, quà và phần thưởng đến tay học sinh, sinh viên nghèo hiếu học và thầy cô giáo gặp khó khăn.

HKH đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đồng thời góp phần vào các hoạt động an sinh xã hội của thành phố trong thời gian qua.


Ông Vương Văn Việt

Ông Vương Văn Việt

Ông Vương Văn Việt - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Thanh Hóa: Phấn đấu cứ 4 người dân là có một hội viên

Trong thời gian qua, kết quả nổi bật nhất của HKH tỉnh Thanh Hóa là phát huy được vai trò hạt nhân, nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển các phong trào khuyến học khuyến tài (KHKT), XDXHHT theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hội đã làm tốt công tác hỗ trợ cho giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Đặc biệt góp phần ngăn chặn học sinh bỏ học, đưa học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bỏ học giữa chừng tiếp tục đến trường; vận động giáo viên đương nhiệm và về nghỉ hưu dạy cho học sinh khó khăn không thu tiền.

Trong nhiệm kỳ tới, HKH tỉnh phấn đấu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, đông đảo bà con nhân dân về công tác KHKT, XDXHHT trong các tầng lớp nhân dân. Tập trung phối hợp với giáo dục đào tạo xây dựng và tổ chức các hoạt động của TTHTCĐ xã, phường, thị trấn, tổ chức việc học cho người lớn.

Xây dựng và phát triển phong trào về gia đình, dòng họ, cộng đồng hiếu học. Thanh Hóa là vùng đất có truyền thống hiếu học và truyền thống khuyến học cho nên hiếu học bắt đầu từ gia đình, dòng họ và bây giờ là gắn với cộng đồng dân cư, gắn với xã phường, thị trấn... và hiện nay không chỉ nằm lại ở các địa phương mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... đều được thành lập các tổ chức hội đưa hoạt động gắn với tiêu chí để xây dựng thành các đơn vị học tập gắn với từng vùng.

Hoàn thành về tổ chức hội, phấn đấu thu hút hội viên chiếm 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một hội viên; đề ra các chỉ tiêu cụ thể về hỗ trợ phát triển giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Quế Phượng- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu: Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cần được đặt trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo.

HKH tỉnh Bạc Liêu hoàn toàn nhất trí với mục tiêu của Trung ương HKH Việt Nam trong nhiệm kỳ V (2016-2020) là: “Đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một XHHT theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này, mong rằng trong nhiệm kỳ mới, HKH Việt Nam cần có sự phối hợp thật chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp như Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính,… tham mưu Chính phủ có những văn bản chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội hoạt động.

Trong đó quan tâm đến những vấn đề cụ thể như: Trong thời gian qua tuy có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tạo nhiều điều kiện cho hoạt động của Hội được thuận lợi, nhưng ở nơi này hay nơi khác, lúc này hay lúc khác, cấp ủy Đảng chưa thể hiện được chính kiến của Đảng trong chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phối hợp cùng HKH chung tay XDXHHT, tham gia tạo điều kiện để phát triển hệ thống giáo dục người lớn. Trong chiến lược giáo dục chỉ nặng về giáo dục phổ thông và giáo dục chính quy; trong phân phối nguồn lực cho giáo dục thiếu phần đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ thông qua giáo dục không chính quy.

Những chính sách quản lý và phát triển tương ứng cho giáo dục không chính quy nếu có cũng chỉ là có trong điều kiện eo hẹp, mang tính nhỏ giọt như chính sách tổ chức và bảo đảm hoạt động của các TTHTCĐ, chính sách lương và thù lao cho giáo viên phổ thông được biệt phái làm việc ở các Trung tâm, chính sách đối với các Hội đặc thù,… Công tác khuyến học, khuyến tài, XDXHHT chưa lúc nào được đặt trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo.

Khó khăn nhất trong quá trình vận động tham gia XDXHHT là một số cơ quan lãnh đạo của Đảng và ngành giáo dục và đào tạo chưa thật sự quan tâm đến sự nghiệp này. Nhiều văn kiện của cấp ủy, chính quyền, nhất là văn kiện của ngành giáo dục đã không đề cập, hoặc đề cập một cách sơ sài về xây dựng xã hội học tập. Do đó, chủ trương triển khai những công việc liên quan đến xã hội học tập ít được các ngành, các cơ quan, đoàn thể hưởng ứng và chung sức thực hiện.

HKH tỉnh Bạc Liêu mong muốn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như về chế độ thù lao và kinh phí hoạt động cho cán bộ làm công tác khuyến học ở cơ sở. Hiện nay, chỉ có 10/64 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được hưởng chế độ thù lao theo Quyết định 30/QĐ/2011/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 2285/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Đây là những khó khăn và bức xúc của các cấp Hội trong nhiều năm qua, được lặp đi lặp lại trong nhiều năm liền và vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Việc thực hiện thí điểm các mô hình học tập trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện vật chất, kinh phí của các cấp Hội rất eo hẹp. Càng nhiều khó khăn hơn là những nơi mà cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự coi trọng công việc XDXHHT thuộc trách nhiệm chỉ đạo và quản lý của mình. Việc thực hiện Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chưa có địa phương nào được cấp kinh phí để thực hiện.

Nhóm PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm