Những điểm son và mục tiêu phấn đấu của khuyến học TPHCM

(Dân trí) - Gần 20 năm thành lập, Hội Khuyến học TPHCM đã có nhiều sáng tạo và đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài của thành phố mang tên Bác nói riêng và cả nước nói chung. Những chương trình như “tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”, “học bổng khuyến tài 1 & 1”... đã trở thành thương hiệu riêng của thành phố.

Lan tỏa chương trình “tiết kiệm nuôi heo đất”

Bà Lê Minh Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học TPHCM, người gắn bó với công tác khuyến học TPHCM hơn 15 năm qua tự hào chia sẻ những thành quả mà Hội đã làm được để trở thành một tổ chức xã hội rộng lớn gắn với phong trào học tập của nhân dân.

Bà Lê Minh Ngọc - Uỷ viên Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khoá IV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học TP.HCM tại Đại hội Khuyến học toàn quốc khoá V, tháng 9/2016. (Ảnh: Mai Châm)
Bà Lê Minh Ngọc - Uỷ viên Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khoá IV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học TP.HCM tại Đại hội Khuyến học toàn quốc khoá V, tháng 9/2016. (Ảnh: Mai Châm)

Theo bà Ngọc, điểm son đầu tiên mà những người làm khuyến học tại TPHCM thấy tự hào đó là tổ chức Hội được củng cố, phát triển rất vững chắc. Từ 35 hội viên của ngày đầu sáng lập đến nay toàn thành phố đã phát triển được 4.185 chi hội khuyến học, hơn 20.500 tổ hội và tổng số trên 748.000 hội viên. Có thể khẳng định rằng số hội viên hội khuyến học của TPHCM đông nhất cả nước và gần như hội khuyến học đã xuống được đến từng tổ dân phố.

“Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, tỉ lệ đảng viên tham gia hội rất đông với hơn 90% Đảng viên của TPHCM là hội viên hội khuyến học. Điều đó góp phần thể hiện được chất lượng của hội viên.

Không phải “đánh trống ghi tên”, có tới 70% hội viên đã có thẻ và trên 65% hội viên tham gia đóng hội phí. Vì sao vui khi hội viên đóng hội phí bởi nó thể hiện được vai trò, trách nhiệm của những người tham gia công tác hội”, bà Ngọc cho biết.

Với đội ngũ lan tỏa xuống từng tổ dân phố, việc xây dựng quỹ khuyến học trong 15 năm qua cũng đạt được những con số nổi bật. Bên cạnh nguồn quỹ vận động từ doanh nghiệp hảo tâm thì đặc biệt TPHCM đã khiến nhiều địa phương ngưỡng mộ khi tạo quỹ khuyến học từ “chương trình tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”.

Là người có sáng kiến về chương trình này, bà Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi tâm đắc vì đây là một chương trình độc đáo khởi xướng từ năm 2007 để học tập và làm theo lời Bác Hồ, mỗi hội viên sống tiết kiệm để chăm lo việc học cho con cháu. Mục đích ban đầu cho đến nay không thay đổi.

Mỗi gia đình đều tiết kiệm tối thiểu 300.000 đồng/năm nhưng thực tế là đã có hiệu quả rất lớn. Hàng năm, ngày hội khui heo đất luôn là một ngày rất rầm rộ và ý nghĩa, tạo được ý thức tiết kiệm của mỗi người dân. Nhưng cái quan trọng là sau khi tiết kiệm tạo quỹ học tập cho gia đình, các hội viên đã đóng góp, chia sẻ một phần lại cho quỹ khuyến học thành phố”.

Tính đến năm 2015, đã có trên 367 tỷ đồng từ quỹ nuôi heo đất này, trong khi đó riêng năm 2016 cả thành phố đã “nuôi” được trên 350.000 con heo đất với hơn 229 tỷ đồng. Như vậy, những năm gần đây số lượng hội viên tham gia tạo quỹ từ tiết kiệm nuôi heo đất ngày càng nhiều. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm từ chương trình tiết kiệm nuôi heo đất ủng hộ lại cho các cấp hội trung bình 9 tỷ đồng. Tạo được nguồn học bổng dồi dào chia sẻ cho xã hội.

“Hội luôn coi phong trào này là một trong hoạt động rất trọng tâm để nâng cao ý thức chăm lo việc học tập của con cái trong mỗi gia đình, giáo dục cho học sinh lòng nhân ái, chia sẻ cho bạn nghèo, tạo được sự ổn định cho người dân. Điều đáng mừng là chương trình này đã lan tỏa đến các địa phương khác tạo được sức mạnh khuyến học trong toàn xã hội. Vận động xây dựng quỹ phải từ người dân, lo cho mình trước thì mới có ý nghĩa lâu dài”, bà Ngọc nhấn mạnh.


Bà Lê Minh Ngọc (bên trái) và các lãnh đạo Hội Khuyến học TPHCM được bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam năm 2013.

Bà Lê Minh Ngọc (bên trái) và các lãnh đạo Hội Khuyến học TPHCM được bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam năm 2013.

Học bổng “1 và 1” đánh động đến trái tim một con người

Nhắc đến thành tựu của khuyến học TPHCM không thể nào thiếu chế chương trình học bổng 1 & 1, đây cũng là thương hiệu mà Hội Khuyến học TPHCM gầy dựng trong 15 năm qua. Bà Ngọc chia sẻ: “Học bổng khuyến tài của TPHCM còn gọi là học bổng “1 & 1” vì thực hiện theo phương thức một ân nhân nhận tài trợ cho một sinh viên cụ thể trong suốt quá trình học đại học. Học bổng này mang nặng ân tình giữa người trao và người nhận bởi người trao học bổng không đơn thuần chỉ giúp về mặt tài chính để sinh viên theo đuổi việc học mà còn cảm nhận được hạnh phúc của sự chia sẻ với nỗi bất hạnh, hạnh phúc được thấy sự trưởng thành, thành đạt của những sinh viên do mình trao tặng học bổng.

Trao học bổng 1&1 trong chương trình kỷ niệm 15 năm học bổng khuyến tài của TPHCM
Trao học bổng 1&1 trong chương trình kỷ niệm 15 năm học bổng khuyến tài của TPHCM

Còn người nhận học bổng không đơn thuần chỉ nhận những đồng tiền quý giá giúp đỡ vượt qua khó khăn mà còn cảm nhận sự ấm áp của tình người, của lòng nhân ái. Chính vì vậy mà chương trình này còn được gọi là học bổng từ trái tim”.

Thực hiện từ năm 2000 với 5 sinh viên nhận học bổng ban đầu đến nay toàn thành phố đã có hơn 2.175 sinh viên được học bổng này với tổng số tiền hơn 17,3 tỷ đồng. Hơn 450 ân nhân, 28 công ty, đơn vị đồng hành. Trong số sinh viên được hỗ trợ đến nay đã có 1.175 sinh viên đã tốt nghiệp trong đó có 106 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi với 2 người đạt danh hiệu tiến sĩ, 47 thạc sĩ.

Chương trình học bổng 1&1 là một hoạt động rất nhân ái, đánh động trái tim đến từng người. Những sinh viên vượt khó hiếu học ngày nào đã lớn lên, trưởng thành, thành đạt ở các lĩnh vực. Hơn thế nữa, chính họ sau khi được hỗ trợ, trưởng thành và thành đạt lại tiếp tục quay lại đồng hành với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập của thành phố.

Tiếp tục sáng tạo để “xây dựng thành phố học tập”

Phó chủ tịch hội Khuyến học TPHCM bộc bạch rằng: “Tất cả những thành tựu của hội trong thời gian có được bởi chúng tôi may mắn nhận được sự quan tâm của Thành ủy, UBND TPHCM. Thời gian qua Thành ủy đã tin tưởng giao cho hội đề tài nghiên cứu khoa học. Từ đó, chúng tôi đã có những sáng kiến trở thành những mô hình, chương trình cụ thể. Nhờ những điều này, Hội Khuyến học TPHCM trở thành hội đầu tiên cả nước nhận được Huy chương lao động hạng Nhất. Điều đó cũng chứng tỏ Đảng, Nhà nước và xã hội đã đánh giá cao sự đóng góp của Hội Khuyến học TPHCM”.

Chúng tôi vui vì những gì mình làm đã tạo được sự lan tỏa nhưng chúng tôi cũng nhận được những trọng trách rất lớn mà Thành ủy TPHCM giao trong thời gian tới. “Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TPHCM lần X đã xác định phấn đấu đến năm 2020 xây dựng TPHCM trở thành thành phố học tập. Với mục tiêu đó, thành ủy đã giao cho Hội thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học mới, đó là “Xây dựng TPHCM thành một thành phố học tập”.

Như vậy 5 năm tới, ngoài củng cố tổ chức hội, thi Hội sẽ tập trung xây dựng các mô hình học tập theo chỉ đạo của Trung ương Hội. Nếu như trước đây chỉ xây dựng những mô hình cho TPHCM hòa nhập, hội nhập thì sắp tới đây Hội phải đưa ra các tiêu chí để xây dựng thành phố học tập. Để đạt được điều đó thì bắt buộc thực hiện tốt mô hình đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng”.

Bà Ngọc và các đồng sự của Hội Khuyến học TPHCM đang tiếp tục theo đuổi đam mê đóng góp cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, trong đó luôn có một tâm niệm nhất quán đó là làm khuyến học một cách thiết thực và thực chất.

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm