Hàng nghìn giáo viên tha thiết hỏi Bộ trưởng GD&ĐT chuyện tiền
(Dân trí) - Ngày mai (15/8), lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ, đối thoại với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành. Chương trình được kết nối trực tuyến tới các cơ sở giáo dục.
Trong số khoảng 6.200 ý kiến của giáo viên và cán bộ toàn ngành giáo dục gửi đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nhiều nhất về vấn đề lương, chế độ của nhà giáo và chưa tăng học phí bậc đại học.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí sáng 14/8, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, giáo viên nhiều nhà trường đang rất mong đợi cuộc gặp gỡ này.
Do quá nhiều câu hỏi, Bộ GD&ĐT đã nhóm thành từng nhóm vấn đề liên quan đến khối đại học và phổ thông để trả lời.
Cụ thể, nhóm vấn đề về phổ thông liên quan đến chế độ chính sách, đãi ngộ đối với giáo viên; việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; chế độ lao động đối với giáo viên vùng khó khăn; tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non…
Ở nhóm vấn đề của đại học, các câu hỏi tập trung nhiều về tạm ngừng tăng học phí năm 2023 nên các cơ sở giáo dục không có nguồn thu; vấn đề tự chủ đại học và giảng viên nghiên cứu khoa học…
Trong số các nhóm vấn đề của phổ thông, ông Ân cho biết, thầy cô đặt câu hỏi nhiều nhất về chế độ chính sách và thu nhập của giáo viên phổ thông, chính sách công tác của giáo viên vùng khó.
Cũng theo ông Ân, sở dĩ có cuộc gặp gỡ đối thoại này bởi xuất phát từ trách nhiệm của tổ chức công đoàn là phát huy tính dân chủ, tạo diễn đàn để lãnh đạo Bộ có thông tin chính thống, rộng rãi các quan điểm chủ trương của Bộ GD&ĐT tới từng giáo viên, cán bộ quản lý toàn ngành trên cả nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tính dân chủ thực sự của buổi gặp gỡ này ra sao? Ông Ân cho hay: "Tất cả giáo viên đều có thể trao đổi công khai, dân chủ.
Trong số đó, hầu hết các ý kiến của nhà giáo đều mang tính xây dựng. Chúng tôi sẽ tổng hợp tất cả ý kiến này một cách khách quan để báo cáo với lãnh đạo Bộ GD&ĐT".
Sự kiện diễn ra ngày mai dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Điểm cầu đặt tại Bộ GD&ĐT và 63 tỉnh, thành phố.
Không chỉ vậy, chương trình sẽ được kết nối trực tiếp tới cả địa bàn huyện, cơ sở giáo dục (tùy điều kiện cụ thể của địa phương).
Cùng dự tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có các thứ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các vụ trưởng, cục trưởng của Bộ và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội.
Tại điểm cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo sở GD&ĐT và các sở ngành liên quan...
Theo kế hoạch, buổi sáng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ đối thoại với giáo viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở chuyên biệt. Chiều cùng ngày, ông gặp gỡ giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm.
Trước sự kiện, Công đoàn Giáo dục Việt Nam làm đầu mối nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đội ngũ giáo viên, giảng viên. Đến nay, đơn vị đã tập hợp hơn 6.200 ý kiến.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tổng hợp lại các ý kiến tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn.
Lương giáo viên thấp được bàn luận nhiều và luôn là vấn đề "nóng" trong giáo dục. Không ít giáo viên bỏ việc vì lương thấp, phải tìm công việc khác và nghề giáo trở nên thiếu hấp dẫn với người giỏi. Nhiều người có năng lực, đam mê nhưng không thể theo nghề một phần cũng vì lương thấp.
Năm 2019, khi bàn thảo để sửa đổi Luật Giáo dục 2019, dự thảo ban đầu đưa vào nội dung "lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận trong và ngoài ngành GD&ĐT.
Tuy nhiên, sau nhiều lần bàn thảo, nội dung này đã được đưa ra khỏi dự thảo luật Giáo dục 2019 trình Quốc hội thông qua.
Hai bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đều không đồng tình với nội dung này và cho rằng, đề xuất như vậy sẽ "phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề"…
Rõ ràng việc cải thiện thu nhập của giáo viên không phụ thuộc vào mong muốn hay đề xuất của Bộ GD&ĐT mà có thể thực hiện được. Vì thế, hơn 10 năm trôi qua, đồng lương của giáo viên cũng không được cải thiện là bao so với các ngành nghề khác.
Mới đây nhất, tháng 4/2021, trong bức tâm thư của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi đến toàn thể giáo viên cả nước đã chạm vào trái tim của nhiều người. Bức thư thể hiện sự trăn trở về đời sống, đãi ngộ và vị thế của người thầy trong xã hội.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Kim Sơn, một lần nữa lại nhắc đến lương giáo viên.
Tư lệnh ngành Giáo dục cho rằng, ông rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện. Điều này chạm đến mong mỏi chính đáng của giáo viên từ rất lâu nay.
Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi rằng có đặt nhiều hy vọng về phát biểu này của tân Bộ trưởng không, một số giáo viên rất băn khoăn bởi lời hứa cải thiện đời sống giáo viên dựa vào lương đã qua nhiều đời Bộ trưởng nhưng đến nay, nhiều thầy cô vẫn đang rất chật vật.