Có gì đặc biệt ở cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng GD&ĐT và giáo viên cả nước?
(Dân trí) - Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ, đối thoại với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành. Chương trình được kết nối trực tuyến tới các cơ sở giáo dục ngày 15/8, hiện đã nhận được hơn 6.000 ý kiến.
Sự kiện diễn ra vào ngày 15/8 tới đây dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Điểm cầu đặt tại Bộ GD&ĐT và 63 tỉnh, thành phố. Không chỉ vậy, chương trình sẽ được kết nối trực tiếp tới cả địa bàn huyện, cơ sở giáo dục (tùy điều kiện cụ thể của địa phương).
Cùng dự tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có các thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các vụ trưởng, cục trưởng của Bộ và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội.
Tại điểm cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo sở GD&ĐT và các sở ngành liên quan...
Theo kế hoạch, buổi sáng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ đối thoại với giáo viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở chuyên biệt. Chiều cùng ngày, ông gặp gỡ giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân thông tin, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng đối thoại với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành giáo dục của cả nước. Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh về đời sống, việc làm và các nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT từ mầm non đến đại học.
Đáng chú ý, trước sự kiện, Công đoàn Giáo dục Việt Nam làm đầu mối nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đội ngũ giáo viên, giảng viên. Đến nay, đơn vị đã tập hợp được khoảng 6.294 ý kiến.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tổng hợp lại các ý kiến tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn.
Nhóm 1 liên quan đến triển khai Chương trình GDPT 2018, như dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…
Nhóm 2 liên quan đến chế độ chính sách nhà giáo, như tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…
Nhóm 3 liên quan đến điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên, như trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…
Đối với khối giáo dục đại học, có khoảng hơn 200 ý kiến của các giảng viên, tập trung vào 4 nhóm vấn đề: tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các nhà trường; vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…
Tại TPHCM, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Hiếu đã có thông báo gửi tới các phòng, các cơ sở giáo dục yêu cầu toàn thể cán bộ, quản lý, giáo viên và nhân viên tại các cơ sở tham dự dưới hình thức trực tuyến. Sở GD&ĐT TPHCM cũng có 1 điểm cầu đặt tại văn phòng sở.
Trước đó, hồi tháng 6, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 1062/KHBGDĐT về tổ chức Chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD&ĐT năm 2023".
Mục đích của chương trình là dịp để Bộ trưởng thông tin về tình hình, chủ trương lớn của ngành; chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước chuẩn bị năm học mới.
Đồng thời qua chương trình, Bộ trưởng lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay; giúp việc định hướng chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD&ĐT và thực hiện thành công đổi mới GD&ĐT.
Tại đây, Bộ trưởng cũng trao đổi, giải đáp một số vấn đề về chế độ chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên.