Hà Nội dùng học bạ số cho cả ba cấp, nếu có sai sót thì sửa thế nào?
(Dân trí) - Hà Nội triển khai thí điểm học bạ số tại các trường phổ thông ngay trong năm học này, trừ lớp 5, 9 và 12.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số tại các trường phổ thông bao gồm các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Thời gian thực hiện là tháng 4.
Điều này đồng nghĩa với việc học bạ năm học 2023-2024 của học sinh các khối lớp nêu trên sẽ chuyển sang hình thức học bạ số thay cho học bạ giấy truyền thống.
Cơ sở quan trọng nhất để chuyển học bạ giấy sang học bạ số là 100% hồ sơ học sinh của Hà Nội đã được gắn mã số định danh duy nhất xuyên suốt quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu phục vụ triển khai chuyển đổi số học bạ.
Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có chữ ký điện tử xác thực của giáo viên và hiệu trưởng.
Học bạ số có giá trị pháp lý như học bạ giấy, sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính liên quan.
Với học bạ số, học sinh, phụ huynh và các trường học được cấp quyền truy cập sẽ tra cứu được toàn bộ quá trình học tập của học sinh. Cổng tra cứu học bạ số trực tuyến cũng cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD&ĐT để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.
Về cấu trúc, học bạ số bao gồm các thông tin cá nhân của học sinh và kết quả học tập rèn luyện theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, học bạ số được bổ sung các trường thông tin không có trong học bạ giấy như: mã số tra cứu học bạ, mã số định danh, ngày hiệu lực của học bạ số.
Trước ngày 30/6 hằng năm, các trường học báo cáo học bạ số, chốt dữ liệu học bạ của tất cả học sinh về cơ sở dữ liệu học bạ do Sở GD&ĐT quản lý.
Đối với những học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học tại thời điểm 30/6 và cần được đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học, thời gian chốt dữ liệu học bạ trước ngày 15/8.
Cơ sở dữ liệu học bạ do Sở GD&ĐT quản lý cho phép tiếp nhận học bạ từ các nhà trường, cho phép nhà trường thu hồi hoặc báo cáo thay thế học bạ số trong thời gian chưa chốt dữ liệu học bạ.
Do đó, học bạ số chỉ có thể được sửa chữa nếu có sai sót trước ngày chốt dữ liệu. Kể từ thời điểm chốt dữ liệu, học bạ số được xem là có hiệu lực sử dụng và không thể sửa, thay đổi được nội dung.
Đơn vị duy nhất có thẩm quyền sửa chữa và chịu trách nhiệm về thông tin học bạ thuộc về nhà trường nơi phát hành học bạ.
Trước ngày 10/7 hằng năm đối với học sinh đã được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học và trước ngày 25/8 đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, Sở GD&ĐT báo cáo toàn bộ dữ liệu về học bạ về Bộ GD&ĐT qua cơ sở dữ liệu ngành giáo dục để sử dụng cho công tác quản lý nhà nước của Bộ và phục vụ tra cứu trên cổng tra cứu học bạ toàn quốc.
Năm học 2023-2024, toàn thành phố Hà Nội có 2.193.326 học sinh ở các cấp học, tương ứng với gần 2 triệu học bạ số sẽ được thí điểm trong tháng tới.