Điểm học tập của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ tốt bất ngờ: Khó tin?
(Dân trí) - Công bố kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ của nhiều trường đại học ở TPHCM gây bất ngờ.
Sinh viên trúng tuyển bằng học bạ có kết quả học tập tốt
Trường Đại học Sư phạm TPHCM vừa công bố kết quả phân tích điểm trung bình tích lũy của sinh viên trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển vào khác nhau vào trường.
Kết quả này được thực hiện trên dữ liệu của hơn 10.000 sinh viên trúng tuyển vào trường trong 3 năm 2020, 2021 và 2022.
Kết quả năm 2020 cho thấy, điểm trung bình tích lũy của sinh viên theo phương thức tuyển thẳng là 3,31/4,0; sinh viên trúng tuyển bằng học bạ THPT có điểm trung bình tích lũy là 3,19/4,0 và sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là 2,94/4,0.
Đối với sinh viên trúng tuyển năm 2021, điểm trung bình tích lũy của các phương thức trên lần lượt là 3,34; 3,22 và 3,06 trên thang điểm 4,0.
Năm 2022, điểm trung bình tích lũy của các phương thức theo thứ tự là 3,22; 2,69 và 2,85 trên thang điểm 4,0.
Ngoài ra, năm 2022, trường sử dụng thêm phương thức tuyển sinh kết hợp điểm học bạ THPT và điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt riêng của trường. Điểm trung bình tích lũy học tập của sinh viên trúng tuyển theo phương thức này là 3,22/4,0.
ThS Lê Phan Quốc - Phó trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm TPHCM - cho biết, con số trên thể hiện kết quả học tập của sinh viên xét tuyển bằng hình thức học bạ đều cao hơn so với phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, kết quả thấp hơn các phương thức tuyển thẳng.
Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp đại học đối với sinh viên các năm 2019-2023 thể hiện kết quả sinh viên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ sinh viên xuất sắc là 0,21%; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi là 6,56%; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá là 69,24% và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trung bình là 23,98%.
Còn sinh viên sinh viên xét tuyển bằng học bạ tỷ lệ 0,24% xếp loại xuất sắc, 5,44% loại giỏi, 65,12 loại khá và 29,2% loại trung bình.
Đánh giá của trường, kết quả học tập của sinh viên xét bằng phương thức học bạ có tỷ lệ tốt nghiệp tương đương so với sinh viên xét theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT.
Chưa thông tin con số cụ thể nhưng PGS.TS Lê Hiếu Giang - quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho biết, trường đã thực hiện việc đánh giá và kết quả so sánh học tập của sinh viên được tuyển theo các phương thức tại trường trong nhiều năm qua.
Đánh giá thể hiện, sinh viên được tuyển vào trường bằng hình thức học bạ ở THPT có kết quả học tập tương đương hoặc cao hơn so với sinh viên xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Khó tin?
Lâu nay, phương thức tuyển sinh đại học bằng hình thức xét học bạ bậc THPT kéo theo nhiều nghi ngại về chất lượng đầu vào.
Nghi ngại này không phải không có cơ sở khi học bạ THPT của học sinh điểm ngày càng cao, càng sáng, càng đẹp. Một hiệu trưởng ở TPHCM từng thốt lên: "Làm sao tuyển sinh khách quan, tìm được học sinh có năng lực khi học bạ ngày càng đẹp thế kia?".
Sự leo thang không ngừng của điểm số trong học bạ còn thể hiện qua điểm chuẩn đầu vào bằng phương thức xét tuyển học bạ tại nhiều trường đại học ngày càng cao.
Trên thực tế nhiều trường đại học đã "nói không" với việc tuyển sinh học bạ, thay vào đó với các phương thức khác như kỳ thi riêng, xét kết hợp...
Bởi vậy, công bố về kết quả học tập của sinh viên tuyển vào bằng học bạ của một số trường đại học gây bất ngờ và ngạc nhiên.
Nói về kết quả học tập của sinh viên xét bằng phương thức học bạ cao hơn sinh viên xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, ThS Lê Phan Quốc cho biết, kết quả trên chỉ trong giới hạn của trường, nơi có điểm chuẩn học bạ ở mức cao.
Chưa kể, ông Quốc cho hay, trường cũng chỉ dành 10% chỉ tiêu cho hình thức tuyển sinh bằng học bạ, con số không lớn. Việc đánh giá kết quả học tập mang tính tham khảo chứ không phải mang ý nghĩa kết luận.
Ở góc nhìn cá nhân, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Công Thương TPHCM - bày tỏ, nói về học lực, thí sinh có điểm xét tuyển bằng học bạ dù có mức điểm rất cao nhưng yếu hơn thí sinh xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, khi vào đại học, có thể do tác động của quá trình giảng dạy, đào tạo và nỗ lực của các em trong quá trình học nên các em đạt kết quả tốt nghiệp tương đương so với sinh viên xét tuyển phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.
PGS.TS Lê Hiếu Giang cho rằng, không thể nói kết quả học tập ở phổ thông suốt 5-6 học kỳ mà không chính xác bằng một kỳ thi.
Đánh giá kết quả đào tạo ở phổ thông trong suốt các năm học ở hầu hết các trường, theo ông Giang về cơ bản là chính xác, trừ một vài nơi có thế này thế kia.
Ông Giang khẳng định, trường mình vẫn tiếp tục tin tưởng tuyển sinh bằng hình thức học bạ. Tuy nhiên, nhà quản lý này cũng nhấn mạnh đầu vào đại học chỉ là một phần, quan trọng nhất là quá trình đào tạo ở trường đại học.