Hà Nội: Bắt đầu chấm lượng bài thi “khủng”
(Dân trí) - Ngày 30/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia tại Hà Nội. Đây là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất nước với hơn 74.000 thí sinh.
Công tác chấm thi của Hà Nội đã được triển khai từ ngày 28/6. Sở GD-ĐT Hà Nội đã huy động gần 500 giáo viên thực hiện nhiệm vụ chấm hơn 74.000 bài thi Ngữ Văn, trong đó có gần 40 người là giảng viên đại học.
Riêng bài thi trắc nghiệm, Sở đã bàn giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội đơn vị phụ trách chấm thi trắc nghiệm của Hà Nội để triển khai công tác chấm thi.
ĐH Quốc gia Hà Nội đã huy động khoảng 70 nhân sự, bao gồm cả an ninh, phục vụ và 12 máy được huy động để thực hiện công tác chấm thi này.
Theo kế hoạch, hội đồng chấm thi của Hà Nội làm việc từ nay đến ngày 13-7.
Trong buổi sáng, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra khu vực chấm bài thi tự luận và khu vực chấm bài thi trắc nghiệm của Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo và quy trình được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ của Hà Nội, Thứ trưởng lưu ý, việc chấm thi tự luận phải đảm bảo đúng tiến độ nhưng phải chấm kĩ, không vội vàng, làm tắt, không bỏ qua bất cứ quy trình nào mà Quy chế thi đã quy định về khâu chấm thi.
Với cán bộ chấm thi, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý các thầy cô phải nghiên cứu, thảo luận kỹ đáp án, thang điểm, thực hiện nghiêm túc chấm chung ít nhất 10 bài thi theo quy định.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với các điểm trưởng chấm thi (Ảnh: Nguyễn Nhung)
Được biết, chấm thi tự luận năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện chấm theo 2 vòng độc lập. Cán bộ chấm thi lần thứ nhất và cán bộ chấm thi lần thứ 2 ngồi ở 2 phòng chấm thi khác nhau.
Quy định cán bộ chấm thi cũng rất chặt chẽ, cán bộ chấm thi lần thứ nhất chấm bài thi có phiếu chấm cá nhân; cán bộ chấm thi lần thứ 2 chấm trên bài thi, phiếu ghi điểm; thứ tự việc ghi điểm của cán bộ chấm 2, cán bộ chấm 1 và thư ký trên phiếu ghi điểm.
Cán bộ thanh tra phải kiểm tra việc thảo luận thống nhất điểm, điểm thống nhất của 2 cán bộ chấm thi, việc quyết định điểm, ghi điểm của trưởng môn chấm thi; việc xử lý các trường hợp bài thi phải chấm 3 lần; biên bản kết luận chấm tập thể; biên bản khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận (nếu có sai sót).
Bên cạnh đó, gắn camera an ninh giám sát phòng thi chấm tự luận, dung lượng lưu trữ dữ liệu của camera tối thiểu 21 ngày.
Đặc biệt, tổ chức nhập điểm thi cũng theo 2 vòng độc lập; lập biên bản đối sánh kết quả chấm 2 vòng nhập điểm, kiểm tra và nhập lại điểm của trường hợp có sai lệch điểm thi.
Tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận sẽ lựa chọn những bài thi điểm cao của hội đồng thi để chấm kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp sai phạm có thể xảy ra.
Cán bộ chấm thi tại Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Nhung)
Với bài thi trắc nghiệm, năm nay, Bộ GD-ĐT quy định, việc quét bài thi sẽ quét theo từng túi bài thi của từng phòng. Quét xong túi bài thi của phòng nào thì kiểm đếm niêm phong, sau đó mới quét tiếp các túi bài thi của phòng thi khác.
Về phần mềm chấm thi, thực hiện mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi bằng công nghệ cao để bảo đảm rất khó có thể can thiệp.
Đặc biệt, sẽ tiến hành đánh phách điện tử bài trả lời trắc nghiệm của thí sinh, bảo đảm không có mối liên hệ giữa thông tin cá nhân với kết quả bài làm.
Phần mềm chấm thi cũng lưu vết toàn bộ hoạt động và chỉ những người có trách nhiệm mới có thể mở, đọc được thông tin trên đó; đảm bảo mọi can thiệp vào phần mềm đều được kiểm soát và xử lý.
Nhung Nguyễn