GS.TS Vũ Minh Giang: "Lịch sử phải là môn học đi đầu trong đổi mới"

Hồng Hạnh Phương Anh

(Dân trí) - Lịch sử phải là môn học đi đầu trong đổi mới, bởi vì môn này gần như tích chứa rất nhiều những hạn chế của cách giáo dục cũ, khiến cho người học sợ, chán.

Đó là nhấn mạnh của GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - ĐH QGHN khi trao đổi với PV Dân trí về vấn đề Lịch sử là môn học "lựa chọn" ở bậc THPT đang gây tranh cãi trong dư luận.

GS.TS Vũ Minh Giang: Lịch sử phải là môn học đi đầu trong đổi mới - 1

GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - ĐH QGHN.

Ý kiến trái ngược về môn Lịch sử - một biểu hiện tốt, một điều đáng mừng

Thưa GS, thời gian vừa qua dư luận tranh cãi nhiều về lịch sử trở thành môn lựa chọn trong Chương trình GDPT mới. Những người soạn chương trình coi đây là điểm mới của chương trình, vậy quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- Khi đặt vấn đề về chương trình lịch sử phổ thông, từ xưa đến nay vẫn có hai luồng ý kiến. Một là rất đề cao và cho rằng giáo dục Lịch sử là môn học không chỉ dạy kiến thức mà cơ bản giúp người học ở các trường phổ thông dung dưỡng ý thức dân tộc, lòng yêu nước. Cho nên, dạy Sử phải làm sao tạo ra điều kiện đặc biệt để tôn vinh, đề cao, thậm chí là thêm tiết cho môn học này.

Bên cạnh luồng ý kiến đó, lại có một chiều hướng xem Lịch sử là một môn học phải nhớ nhiều quá. Học sinh từ chỗ "sợ" đến nặng nề hơn là "chán" môn này và lây sang cả phụ huynh nữa.

Tóm lại, dường như có hai luồng ý kiến ngược nhau. Một bên đề cao, phải bắt buộc, phải học nhiều; còn một đằng thì cho rằng phải bớt đi, nếu nặng quá, học sinh chịu không nổi.

Thực tế câu chuyện tranh cãi này cũng đã tái hiện đi tái hiện lại. Vậy vì sao lại dấy lên ở trong dịp này? Theo tôi, câu chuyện hôm nay dấy lên không phải là việc của hôm nay, của nhiệm kỳ này mà chúng ta đang triển khai một chương trình đã được thiết kế từ cách đây 5 năm, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, đến bây giờ bắt đầu thực hiện, chứ không phải đây là ý tưởng ai đó mới đưa ra về việc bắt buộc hay không bắt buộc.

Theo tinh thần đổi mới giáo dục, chương trình cũng như các môn học đều được thiết kế tích hợp theo hướng tiếp cận năng lực chứ không tiếp cận nội dung, tức là không dạy kiến thức cụ thể nhiều. Môn Lịch sử không nằm ngoài khuynh hướng này.

Theo đó, môn Lịch sử (bao gồm cả Việt Nam và thế giới) đã được dạy một cách hoàn chỉnh và có hệ thống được dạy ở giai đoạn THCS. Trong phần đầu của giai đoạn này lịch sử còn được tích hợp với địa lý giúp cho học sinh hiểu sâu sắc hơn về đất nước và không gian diễn ra các sự kiện lịch sử. Đây là một trong những giải pháp đổi mới rất căn bản.

Đặc biệt, chương trình lịch sử trong giai đoạn này đặt ra yêu cầu làm cho học sinh yêu và say mê tìm hiểu Lịch sử. Từ THPT môn Lịch sử lại tiếp tục nhưng theo hướng chuyên sâu, gắn với định hướng phân ban sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tự chọn trong giai đoạn này có ý nghĩa tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho học sinh, định hướng sẽ chia các ban khác nhau ra.

Khi thấy chủ trương "lựa chọn" đối với môn Sử thì có ý kiến cho rằng như vậy là  đánh giá thấp, là coi nhẹ môn Sử. Khía cạnh tích cực của luồng ý kiến này là sự quan tâm rất đáng trân trọng của xã hội  đến tầm quan trọng của môn Lịch sử.

Môn Lịch sử không chỉ là một khối kiến thức thông thường mà còn giúp cho người học dung dưỡng tình cảm, nâng cao ý thức đối với đất nước, đối với dân tộc. Tôi cho đấy là biểu hiện tốt, một điều đáng mừng.

Những cơ quan có trách nhiệm, những nhà chuyên môn cần làm cho dư luận hiểu chúng ta đang đi trên con đường đổi mới theo hướng không làm cho môn Lịch sử nặng nề, mà làm sao để cho người học bắt đầu từ thích đến yêu và người ta thấy cần thiết thì lúc đó không phải là học nhiều giờ, không phải bắt buộc mà người ta sẽ tự tìm hiểu. Khi người ta đã thích và đã cần thì đâu có phải gò ép gì.

Mục đích của đổi mới đối với môn Lịch sử lần này là thay đổi một cách căn bản về phương pháp xây dựng chương trình, tiếp cận, không dạy nhiều kiến thức cụ thể, không bắt phải nhớ những năm tháng, sự kiện. Mà trên cơ sở những kiến thức căn bản nhưng tối thiểu đó người học cảm thấy môn học hấp dẫn, kích thích sự sáng tạo, sự đam mê. Đó chính là cái đích hướng tới của môn lịch sử.

Cái gọi là "lựa chọn" thì phải hiểu rằng ở THPT, học sinh bắt đầu định hướng nghề nghiệp cho mình. Lúc đó hướng vào đại học gồm những lĩnh vực thiên về xã hội nhân văn thì họ sẽ chọn khối liên quan đến xã hội nhân văn, trong đó có lịch sử.

Bởi vì chương trình lịch sử ở THPT đã thiên về các chuyên đề, sâu hơn là thông sử. Nó không phải là những kiến thức cơ bản nữa mà bắt đầu kiến thức chuyên sâu. Cũng giống như những môn Lý, Hóa, lúc đó  học sinh bắt đầu đi sâu vào lĩnh vực của khoa học tự nhiên.

Chúng ta hiểu như thế để thấy rằng không phải dạy Lịch sử một mạch từ lớp 1 đến lớp 12 mới là coi trọng. Mà chúng ta đang thiết kế theo hướng có một giai đoạn trang bị kiến thức cơ bản tối thiểu, giải quyết ở THCS, còn THPT là nâng cao chuyên sâu thì lúc đó từ "lựa chọn" - phải tôn trọng nguyện vọng của người học.

GS.TS Vũ Minh Giang: Lịch sử phải là môn học đi đầu trong đổi mới - 2

Học sinh Trường THCS Ngoại ngữ (trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN) trong chuyến tham quan, học tập, trải nghiệm thú vị tại khu Di tích Lịch Sử Văn hóa Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội) - (Ảnh: Bích Đào - UMS).

Không phải dạy nhiều mới là quan trọng

Việc dành số tiết trong chương trình từ lớp 1 đến lớp 9 như vậy đã thỏa đáng chưa và có đáp ứng được yêu cầu kiến thức lịch sử mà học sinh cần phải có không, thưa giáo sư?

- Như tôi được biết, thời lượng dành cho môn sử ở phổ thông không hề ít hơn trước đây, mà có phần còn nhiều hơn. Nhưng vấn đề không phải nhiều hay ít mà là dạy thế nào, chương trình ra sao.

Cái chúng ta rõ ràng có thay đổi rất lớn ở trong tư duy, đó là Lịch sử thì phải dạy cho người học hiểu rằng đây là những kiến thức giúp cho một dân tộc tự nhận thức mình, cho ta biết gốc tích của mình ở đâu và những điều cơ bản trong lịch sử gì. Từ đó, hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn, đặc điểm của lịch sử văn hóa dân tộc mình, thì tự nhiên người ta có niềm tự hào đối với lịch sử, văn hóa dân tộc. Và trên cơ sở đó người ta khát khao đi tìm hiểu thêm, đấy là thành công. Chứ không phải dạy nhiều mới là quan trọng. Dạy nhiều mà dạy như cũ, dạy mà khiến người ta chán, sợ thì càng nhiều càng phản tác dụng.

Trước hết phải khẳng định một điều có tính rất nguyên lý, là nhiều tiết thì chưa chắc đã phải là tốt, học bắt buộc chưa phải là cách hay. Mà làm sao đổi mới chương trình, đổi mới cách thức, đổi mới phương pháp giảng dạy mới là điều quan trọng.

Vì vậy cho nên trong chương trình mới, tôi thấy rất chú ý đến việc khẳng định nội dung của môn lịch sử cần thiết, nhưng đồng thời cũng lại khuyến khích sáng tạo của người học bằng những trải nghiệm, rồi làm cho sinh động hơn bằng những phương thức bổ trợ.

Giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc không chỉ là môn Lịch sử, mà nằm ở rất nhiều môn khác. Đây gần như là một phương châm, mục đích của toàn bộ chương trình này. Tôi thấy trong Giáo dục công dân hay là Văn học cũng vậy. Nó truyền cảm cho người học bằng nhiều môn khác nhau, chứ nếu đánh cược tất cả bằng môn Lịch sử thì cũng không hoàn toàn đúng.

Tôi nghĩ rằng, xét từ góc độ thời lượng thì như thế là đủ và chúng ta cũng không nên đặt vấn đề  phải dạy nhiều giờ hơn.

Có ý kiến cho rằng, Lịch sử thành môn "lựa chọn" sẽ ảnh hưởng tới giáo dục lòng yêu nước, GS nghĩ sao về quan điểm này?

- Đây là nhận thức có lẽ chưa đúng. Lịch sử giáo dục ý thức dân tộc, lòng yêu nước cũng phải truyền cảm đúng cách chứ không thể gò ép mà có được kết quả như mong muốn.

Chương trình truyền thụ kiến thức cơ bản, hệ thống từ lớp 1 đến lớp 9 làm cho học sinh yêu thích lịch sử thì về sau dù có đi đâu, làm nghề gì vẫn thích thú tìm hiểu thêm về lịch sử. Lòng yêu nước, ý thức dân tộc cần phải được dung dưỡng liên tục chứ không thể chỉ do học Sử mà có. Nếu gò ép, bắt buộc học Sử nhiều chưa phải là giải pháp hay.

Người học Sử nhiều nhất là các sinh viên ngành Sử, rồi thành các giáo viên dạy Sử hoặc làm công tác nghiên cứu lịch sử cũng đâu có dám nghĩ mình là người yêu nước hơn những người khác.

Phải dạy cốt lõi, ý nghĩa sâu sắc của vấn đề thay vì thuộc làu con số 

Theo Giáo sư đâu là điểm quan trọng nhất để học sinh yêu thích môn Lịch sử?

Đây là điều trăn trở không phải của riêng tôi mà của ngành giáo dục, của cả xã hội và đặc biệt đối với những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử.

Chúng ta phải xem lại vì sao lịch sử tự nó hay như thế mà môn Sử lại khiến học sinh sợ rồi chán. Theo tôi có mấy nguyên nhân sau đây và đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau nhận thức ra để khắc phục.

Thứ nhất, tôi trở lại cái tiếp cận nội dung của chúng ta trong suốt một thời gian dài, không riêng Sử đâu, cái gì cũng dạy rất cụ thể khiến cho chương trình luôn quá tải. Lịch sử có rất nhiều nội dung chi tiết nên là môn học chịu hệ lụy nặng nhất của phương pháp tiếp cận này.

Bây giờ để cho học sinh thích thú, bớt sợ đi thì khi học môn này, không phải nhớ một cách máy móc, thuộc làu những con số như năm tháng, địa danh,… những cái đó có thể tra cứu được. Thay vào đó, phải dạy cốt lõi của vấn đề, ý nghĩa sâu sắc của vấn đề.

Thứ hai, gần đây mới dần nhận ra là chúng ta dạy Lịch sử hơi áp đặt, ví dụ ý nghĩa phải thế này, không thể nói khác. Trong khi đó, Lịch sử là một khoa học, mà khoa học thì khi có tư liệu mới, có phương pháp mới, kết luận cũng có thể khác. Cho nên có câu châm ngôn rất hay về Lịch sử là: "Lịch sử diễn ra chỉ có một lần, nhưng lịch sử viết lại có thể phải nhiều lần", bởi vì có tư liệu mới, có những phát hiện mới, có những nhận thức mới thì phải thay đổi nhận thức.

Chúng ta đã hơi cứng nhắc, chủ quan, khiến cho môn học khô cứng, làm mất tính sáng tạo. Đã có rất nhiều người về sau đi làm nghề sử, trở thành giáo sư sử học nói rằng trước kia, trước khi vào ngành sử đã rất sợ đây là ngành mà chỉ học thuộc làu thôi, không biết mình vào nổi không. Sau này mới hiểu rằng không phải như vậy, khi nghiên cứu lịch sử anh có thể tham gia sáng tạo tri thức mới. Khảo cổ phát hiện ra một cái gì đó tự nhiên là có nhận thức mới về giai đoạn đó, hay phát hiện một tư liệu gì đó hoàn toàn mới.

Khoa học là luôn tìm cái mới, thì lịch sử cũng như vậy. Nên bây giờ cái làm cho lịch sử hấp dẫn, là luôn luôn có thể tìm ra cái mới, học trò có thể nói những điều khác với thầy đã từng nói thì sẽ rất thú vị.

Bên cạnh đó, lịch sử vốn là cuộc sống, là những gì gắn với thực tiễn, cho nên phải cho học sinh trải nghiệm, tới các di tích, gặp những nhân chứng hay làm cách nào đó để người học thấy rằng lịch sử rất sinh động chứ không phải chỉ là những con số khô khan, những luận điểm, giáo điều. Đó là cách chúng ta dần dần làm cho học sinh yêu môn Sử hơn, thấy rằng kiến thức lịch sử có ích cho mình.

GS.TS Vũ Minh Giang: Lịch sử phải là môn học đi đầu trong đổi mới - 3

Học sinh lần đầu tiên trải nghiệm bắn nỏ khi tham quan khu Di tích Lịch Sử Văn hóa Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội) - (Ảnh: Bích Đào - UMS).

Phải tôn trọng môn Lịch sử như một khoa học

Để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, theo giáo sư ngành giáo dục cần lưu ý những gì?

- Thứ nhất, từ người làm công tác quản lý đến giáo viên phải nhận thức một cách sâu sắc rằng dạy lịch sử mà áp đặt thì sẽ không thành công. Nhưng dạy lịch sử mà biết khơi gợi, để cho người học tìm thấy ở đằng sau những trang giáo khoa, bài giảng của thầy cô giáo còn rất nhiều những thứ bí hiểm khác. Khơi gợi việc người ta đi tìm tòi đấy chính là thành công của đổi mới toàn diện và căn bản đối với môn Lịch sử này. Bởi vì thực ra làm sao một thời lượng rất hạn chế trên lớp mà có thể dạy được hết tất cả các thứ.

Thứ hai, chú ý rằng phải tôn trọng người học với ý nghĩa là học sinh đang học một môn khoa học chứ không phải là học những tín điều "như thế là như thế, không thể khác được". Mình muốn truyền đạt một kết luận gì đó thì phải có đủ sức thuyết phục, để học sinh thấy rằng thầy cô kết luận như thế là quá chuẩn, chứ không phải "chuẩn hay không chuẩn không quan trọng mà phải học như thế". Cái đó gọi là áp đặt, thiếu khách quan.

Khi chúng ta đổi mới căn bản, toàn diện, với môn Lịch sử thì chúng ta phải tôn trọng như là một khoa học. Và như vậy phải tôn trọng người học bằng những ý sáng tạo. Đôi khi qua trải nghiệm ấy phải để cho học sinh thả trí tưởng tượng, phát huy được trí tưởng tượng.

Có một quan niệm rất sai xưa nay lịch sử là "điều mà chỉ có thế thôi, không thể khác, ai viết khác đi là sai". Quan niệm đó không phải khoa học. Tức là cho đến nay nhận thức chúng ta là như thế, chứ không phải là cứ mãi mãi như thế. Cái đó phải rất chú ý trong  giảng dạy.

Một điểm nữa tôi cho rằng phải có tác động ở bậc vĩ mô, tức là có lẽ phải rất nhiều ngành, nhiều giới tham gia vào giáo dục lịch sử. Tôi lấy ví dụ như các nhà văn còn ít tham gia, các chương trình nghệ thuật điện ảnh cũng  ít lắm. Trong khi đó các nước khác tôi thấy họ làm những phim lịch sử hấp dẫn vô cùng, còn ta thì rất hiếm hoi có bộ phim nói về lịch sử có giá trị. Phải làm sao coi trách nhiệm đó là trách nhiệm xã hội của nhiều giới, nhiều ngành.

Bên cạnh đó, chúng ta có rất nhiều di tích nhưng vẫn tồn tại dưới dạng tiềm năng, tức không tham gia vào quá trình giáo dục. Tôi lấy ví dụ Gò Đống Đa là chứng tích của chuyến công rất oanh liệt thế kỷ XVIII, mà đọc xong thì ai cũng cảm thấy rằng đây là chuyện ly kỳ, nhưng người mà không hiểu đến đây chỉ thấy một gò đất, một miếu thờ và một năm đúng có một ngày rầm rộ trống chiêng, còn 364 ngày khác là im lìm. Thì mình phải làm sao cho sự kiện  "sống dậy" bằng một hình thức nào đó tái hiện.

Tôi lấy ví dụ như ở nước ngoài một di tích rất là hoành tráng, người ta đến xem di tích và có một bảo tàng dựng lại quá trình xây dựng di tích như thế nào. Đồng thời, bán vé để mọi người vào tham quan.

Điều cuối cùng tôi phải nói, đừng kỳ vọng rằng mỗi lần chúng ta đổi mới là đã giải quyết xong tất cả mọi chuyện ổn định rồi hay là hoàn chỉnh rồi, không phải vậy. Chính vì thế cho nên tôi thấy việc triển khai trên quy mô rộng lớn như thế này là một bước, nhưng rõ ràng cũng có thể tiếp tục phát triển theo chiều sâu.

Môn Lịch sử tôi đã từng nói là phải đi đầu trong đổi mới, bởi vì môn này là gần như tích chứa rất nhiều những hạn chế của cách giáo dục cũ, khiến cho người học sợ, chán. Bây giờ đổi mới, đi tiên phong, là chỗ khơi gợi để từ môn học người ta rất sợ trở nên chẳng đáng sợ cả, lại thấy hay. Ở đây cũng đòi hỏi phải thay đổi một cách rất căn bản.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản như sau:

Chương trình giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 tiết học môn Lịch sử đều tăng

Ở cấp tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội với tổng thời lượng cho cả 3 năm học là 210 tiết (so với với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết); ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc với tổng số 140 tiết.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lý không thay đổi về thời lượng so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Tuy nhiên, chương trình mới được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lí và không gian xã hội, từ địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam đến địa lí, lịch sử của các nước láng giềng, khu vực và thế giới, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.

Ở cấp học trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử.

Nội dung chương trình phân môn Lịch sử cấp trung học cơ sở trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Nếu tính riêng phân môn Lịch sử thì chương trình không thay đổi về thời lượng so với môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Bên cạnh đó, nội dung giáo dục lịch sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản còn được thực hiện trong môn Đạo đức (ở cấp tiểu học), môn Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở), Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 1 đến lớp 9. Trong đó, Lịch sử của các địa phương tiếp tục được đưa vào dạy học bắt buộc ở tất cả các lớp, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc Việt Nam.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12):

Ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học (nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn học: Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn học: Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học.

Chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông (với tổng thời lượng 315 tiết, so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết) hệ thống hóa, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm