Cần hiểu cho đúng về môn học Lịch sử

Tô Văn Trường

(Dân trí) - Gần đây, trên mạng xã hội có một số ý kiến liên quan đến môn học Lịch sử. Điều này, cần được làm rõ để không gây ngộ nhận trên công luận.

Khi ông Lý Quang Diệu làm Thủ tướng Singapore, điều đầu tiên ông đề nghị với Bộ trưởng Bộ Giáo dục là hãy đưa nền giáo dục nước nhà (dù là một đất nước nhỏ bé) ngang tầm những đại cường quốc trên thế giới. Ông nhấn mạnh muốn như thế, hãy học cái hay nhất của những cường quốc như Anh - Mỹ. Nhưng Anh, Mỹ có chỗ giống nhau mà cũng có chỗ khác nhau.

Mỹ là một liên bang, các bang có những quy định khác nhau, nhưng về cơ bản, Lịch sử là một trong số các môn học cơ bản của nhóm môn khoa học xã hội. Khi thi tốt nghiệp, học sinh bắt buộc phải chọn một trong số các môn khoa học xã hội bao gồm: Lịch sử Mỹ, Lịch sử thế giới, Kinh tế học...

Ở Canada, học sinh lớp 10 bắt buộc phải học 1 credit Lịch sử Canada; còn lớp 11, 12 là tự chọn trong số các môn khoa học xã hội. 

Ở Anh, cấp trung học phổ thông gồm lớp 12 và 13 (ở Anh, học sinh từ 4 - 5 tuổi được tính là lớp 1) được coi là cấp học dự bị cho đại học (University Preparation). Ở Level A, học sinh tự chọn 3-4 môn học, không có môn nào là môn bắt buộc. Hoặc cao hơn một chút, hệ IB (International Baccalaureate), học sinh học 6 môn, 3 môn nâng cao, 3 môn chuẩn. Trong đó, các môn bắt buộc là  Theory of Knowledge (TOK), Extended Essay (EE) and Creativity, Activity, Service (CAS). Không có môn Lịch sử mà cũng chẳng thấy bóng dáng các môn học truyền thống trong mấy môn học bắt buộc này.

Tìm hiểu về giáo dục phổ thông ở một số nước phát triển khác thì thấy có chỗ họ giống nhau, có chỗ khác nhau. Vì vậy, Việt Nam mình phải sàng lọc điều hay, lẽ phải từ các nước tiên tiến và áp dụng cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của nước mình.

Tôi đã đọc kỹ bài viết trên báo Dân Trí: "Vì sao không bắt buộc tất cả cấp trung học phổ thông phải học môn lịch sử?".

Bài viết đã nêu rõ những căn cứ pháp lý để chia giáo dục phổ thông thành 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (phổ cập, bắt buộc) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Theo bài viết này, Lịch sử là môn học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tức là giai đoạn giáo dục 9 năm, bắt buộc đối với tất cả thanh thiếu niên trong lứa tuổi từ 6 đến 15). Các cháu học thông sử 9 năm là đủ kiến thức, kĩ năng cơ bản. Cấp trung học phổ thông không phải là cấp học phổ cập, bắt buộc đối với mọi công dân. Nó được xác định là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, có nhiệm vụ giúp học sinh tiếp cận nghề nghiệp. 

Chương trình mới được thiết kế theo hướng giúp học sinh giảm tải việc học, sớm tiếp cận với nghề nghiệp mà các cháu đã xác định cho tương lai. Thời đại này, không có thì giờ để kéo dài thời gian học những kiến thức hàn lâm nữa. 

Vì vậy, trong Chương trình mới, ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử là môn học lựa chọn (nhiều người lầm với các môn học tự chọn như Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc thiểu số), chủ yếu dành cho những học sinh có định hướng theo học các ngành khoa học xã hội.

Nhưng nếu học sinh không định theo học các ngành khoa học xã hội mà thích học Lịch sử thì các cháu hoàn toàn có thể đăng kí, và đó sẽ là 1 trong 12 môn các cháu học có điểm ở trung học phổ thông; học Lịch sử thì các cháu khỏi phải học một môn khác trong nhóm môn khoa học xã hội. 

Theo tôi, không nên suy luận giản đơn là nếu Lịch sử là môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông thì học trò sẽ quên gốc, tổ tiên. Cũng như không thể nói, nhồi nhét thật nhiều kiến thức văn, toán... là người học sẽ giỏi về các môn này.

Thực tế là đa số người tốt nghiệp đại học hiện nay hầu như không biết gì về tối ưu hóa, suy nghĩ logic... và viết văn thì còn rất ẩu, kể cả không ít "đấng bậc có học hàm cao" viết tiếng Việt theo văn phạm Anh và chính tả thì vẫn còn sai.

Trong tác phẩm nổi tiếng "Lịch sử nước ta", Bác Hồ có hai câu thơ nổi tiếng như sau: "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Bác nói "cho tường" nôm na nhưng thật sâu sắc: Phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể. Không dạy cho thế hệ tương lai biết tường tận về lịch sử là có lỗi với lịch sử.

Vấn đề quan trọng là dạy cái gì, và dạy như thế nào để hữu ích và lôi cuốn người học? 

Dạy lịch sử cũng không nhất thiết chỉ qua môn Lịch sử. Các sáng tác nghệ thuật về lịch sử sẽ thấm sâu vào người học hơn là những bài thuyết giảng khô khan hay sơ đồ các trận đánh. Vì vậy, cần tăng cường giáo dục lịch sử qua các môn Ngữ văn, Âm nhạc, Mỹ thuật. Bài viết trên báo Dân Trí đã nêu rõ điều này là quy định của Chương trình mới, chứ không chỉ là mong muốn.

Tôi không tán thành việc chê trách các cháu. Đứng về phương diện nào, đó có thể nói việc các cháu chán môn Lịch sử là lỗi của người lớn. Thành thật mà trả lời, liệu các thầy giáo sử có chán chính môn học mà mình phải dạy với nội dung như thế không?

Tuy nhiên, có điều cần lưu ý là Chương trình giáo dục phổ thông đã đưa lên mạng xin ý kiến tất cả các cơ quan từ Ban Tuyên giáo TW, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các Bộ/ngành đến các tổ chức xã hội như Hội Khoa học lịch sử VN và công bố 4 năm nay rồi (từ 2018), cho nên người đọc cần thấu hiểu nội hàm của chương trình để tránh ngộ nhận.

TS Tô Văn Trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm