GS. NGND Đinh Xuân Lâm - người Thày uyên bác và tận tâm
(Dân trí) - Dù là sinh viên, nghiên cứu sinh hay giảng viên, đều cảm nhận ở GS Đinh Xuân Lâm một tình cảm gần gũi, một cách ứng xử hòa nhã, một nét lạc quan pha chút hài hước trong các câu chuyện. Qua đó, có thể thấy ở GS Lâm một trái tim rộng mở, một tấm lòng yêu thương, do vậy tất cả học trò đều khắc sâu hình ảnh một người Thày đáng kính, uyên thâm mà thân thiết.
GS Vũ Dương Ninh: Lưu giữ mãi hình ảnh – một nhà giáo: Tài cao - Đức trọng.
Nhân dịp kỷ niệm về ngày sinh nhật của GS.NGND Đinh Xuân Lâm, GS Vũ Dương Ninh tâm sự: Tôi nhớ mãi hình ảnh không bao giờ phai vào buổi học đầu tiên được nghe GS. Đinh Xuân Lâm giảng bài “Phong trào Cần Vương” trong môn Lịch sử cận đại Việt Nam. Đó là một buổi sáng vào khoảng tháng 10 năm 1957 khi chúng tôi học năm thứ hai Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tại đại giảng đường 19 Lê Thánh Tông (nay là Hội trường Ngụy Như Kontom), Thày bước vào lớp, thu hút ngay sự chú ý của sinh viên – một thày giáo trẻ, dáng cao cao, khuôn mặt đẹp, giọng nói sang sảng. Thày đưa chúng tôi đi từ phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dừng lại lâu ở vua Hàm Nghi và nhà chí sĩ Phan Đình Phùng, phân tích sâu sắc ý nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX.
Gói gọn trong 2 tiết, Thày đem lại cho chúng tôi những hiểu biết cơ bản về phong trào đấu tranh chống xâm lược, nổi lên hình ảnh của một vị vua yêu nước, kiên quyết rời bỏ ngai vàng, bảo vệ nền độc lập tự chủ nhưng thất bại. Buổi học ấy gieo vào lòng tôi niềm ham mê đi vào Lịch sử Việt Nam cận đại, nhưng tiếc rằng sau này do sự phân công, tôi lại gắn bó với Lịch sử thế giới cận đại. Nhưng chính cái thời kỳ “cận đại” ấy lại tạo nhiều cơ may cho tôi được học tập, hỏi han và đi theo Thày trên suốt cuộc hành trình khoa học sau này.
Là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nền khoa học lịch sử theo quan điểm mác xít, GS Đinh Xuân Lâm đã dày công sưu tầm tài liệu, nghiên cứu thực địa để xây dựng nên những giáo trình lịch sử tiêu biểu, làm cơ sở cho nhiều thế hệ sinh viên học tập (Lịch sử cận đại Việt Nam, Đại cương Lịch sử Việt Nam…). Thày đã viết hoặc cùng các cộng sự viết hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài nghiên cứu về các cuộc khởi nghĩa của các nhà lãnh đạo thời cận đại.
Qua các công trình trên, nổi lên những tấm gương sáng ngời trong lịch sử từ các nhà vua yêu nước Hàm Nghi, Duy Tân đến các bậc chí sĩ Phan Đình Phùng, Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu, Phan Châu Trình cùng các nhà lãnh đạo khởi nghĩa Ba Đình, Hương Khê, Bãi Sậy, Yên Thế …Vào thời kỳ Lịch sử hiện đại, GS. Đinh Xuân Lâm cũng viết nhiều công trình khoa học về Nguyễn Ái Quốc / Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng khác.
Đặc biệt, Thày đã tham dự và chủ trì nhiều cuộc Hội thảo khoa học, góp phần đánh giá đúng đắn theo quan điểm cách mạng nhiều sự kiện và nhiều nhân vật lịch sử. Sự tham gia tích cực đó đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử, do hạn chế về quan niệm và thời cuộc trước đây bị lu mờ hoặc thiếu chính xác, nay dưới ánh sáng của phương pháp luận khoa học hiện đại được đặt đúng vị trí, trả lại sự công bằng, công minh lịch sử. Có thể nói GS Đinh Xuân Lâm, bằng nhiệt tình, công sức và trí tuệ đã đóng góp phần to lớn vào công việc có ý nghĩa trọng đại này.
Là người học trò được thụ giáo Thày trong nghề nghiệp cũng như trên đường đời, tôi giữ mãi trong tâm trí tấm gương về một nhà giáo tài năng, say sưa trong giảng dạy, miệt mài trong nghiên cứu, nghiêm cẩn trong khoa học và gần gũi trong cuộc sống.
Tôi có may mắn được sống bên Thày suốt một năm học (1981-1982) khi được Nhà nước cử vào đoàn chuyên gia giáo dục sang nước Cộng hòa Madagascar (chúng tôi quen gọi là Mã đảo). Điều đầu tiên phải nói tới là việc Thày sửa chữa cho tôi những bài giảng bằng tiếng Pháp rất cẩn thận, giảng giải rất tỷ mỷ. Có lẽ đây là dịp tôi được học nhiều nhất, sâu sắc nhất ở Thày.
Thày có vốn hiểu biết về đất nước bạn cũng như về châu Phi rất phong phú, chẳng những về những vấn đề lịch sử mà cả địa lý, xã hội, con người khiến các đồng nghiệp người Mã vô cùng kính phục. Cả về tiếng Pháp, ngay các giáo viên người Pháp cũng phải thán phục ở Thày một thứ ngôn ngữ chuẩn xác, chải chuốt, bóng bảy mà thế hệ hiện đại không thể theo kịp.
Được gần Thày, chắc rằng mỗi chúng ta, dù là sinh viên, nghiên cứu sinh hay giảng viên, đều cảm nhận ở Thày một tình cảm gần gũi, một cách ứng xử hòa nhã, một nét lạc quan pha chút hài hước trong các câu chuyện. Qua đó, có thể thấy ở Thày một trái tim rộng mở, một tấm lòng yêu thương, do vậy tất cả học trò đều khắc sâu hình ảnh một người Thày đáng kính, uyên thâm mà thân thiết.
Có lẽ không gì có thể nói hết lòng kính trọng và biết ơn của riêng tôi khi lưu giữ mãi hình ảnh của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm – một nhà giáo: Tài cao - Đức trọng.
GS.NGND Nguyễn Văn Khánh: GS. Đinh Xuân Lâm - Một chuyên gia đầu ngành của nền Sử học mácxít nước nhà
GS. Đinh Xuân Lâm thuộc thế hệ những người xây nền đắp móng và là một chuyên gia đầu ngành của nền Sử học mácxít nước nhà. Bất cứ ai đã từng học, từng gặp, từng làm việc với GS. Đinh Xuân Lâm đều có cảm nhận ông là một con người thông tuệ, uyên bác nhưng lại rất gần gũi, giản dị.
Ông sống điềm đạm, khiêm nhường, bao dung, cởi mở và chân thành với mọi người, cả với đồng nghiệp và các học trò. Ở trong tâm tính và cách ứng xử của ông có sự bộc trực và chân tình của người xứ Nghệ, lại có sự tinh tế và nghi thức của văn hóa Huế, và đặc biệt là giàu chất nhân ái, lãng mạn của văn hóa Pháp.
Sự tài hoa, uyên bác và mộc mạc, chân thành trong con người ông đã tạo nên chân dung một nhà giáo vừa thanh cao vừa giản dị và rất gần gũi, nhân hậu.
Với bút lực dồi dào, trong hơn nửa thế kỷ nghiên cứu không ngừng nghỉ, GS. Đinh Xuân Lâm để lại một di sản khoa học to lớn, với gần 400 công trình khoa học (bao gồm sách, giáo trình, bài báo, báo cáo khoa học, …).
Tài năng khoa học của ông đã được kết trái từ sớm, ngay khi tốt nghiệp đại học. Từ năm 1959, tức là chỉ sau khi về dạy ở Khoa Lịch sử chưa đến 3 năm, ông đã cùng một số đồng nghiệp trẻ, dưới sự chỉ đạo của nhà Sử học lỗi lạc - GS. Trần Văn Giàu, tiến hành biên soạn và cho công bố bộ sách Lịch sử cận đại Việt Nam (4 tập). Đây là một bộ sách giáo trình lịch sử cận đại đầu tiên được giới sử học đánh giá cao về chất lượng khoa học.
Năm 1998, mặc dù đã ở tuổi 73, GS. Đinh Xuân Lâm vẫn viết bài in báo và tham gia hội thảo khoa học, và nhất là đã đứng ra làm chủ biên sách Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2) trong bộ sách cùng tên gồm 4 tập do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành.
Bộ sách này cho đến nay đã được tái bản tới 14 lần, và được sử dụng làm giáo trình giảng dạy trong các trường đại học và cao đẳng. Không dừng lại ở đó, đến năm 2012, bộ sách Lịch sử Việt Nam (tập 3) do GS. Đinh Xuân Lâm làm chủ biên lại ra mắt bạn đọc. Đây là bộ sách cho đến nay được coi là đầy đủ, cập nhật và có chất lượng cao nhất trong các bộ giáo trình đại học về lịch sử Việt Nam ở thời kỳ thuộc địa.
Lĩnh vực nghiên cứu Sử học của GS. Đinh Xuân Lâm thật phong phú và đa dạng. Ở lĩnh vực nào ông cũng để lại những dấu ấn sâu đậm. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu thành công nhất, định hình nên vị trí chuyên gia đầu ngành về Lịch sử Việt Nam cận đại của GS. Đinh Xuân Lâm chính là những công trình nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân và phong trào chống chủ nghĩa thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam kéo dài gần một thế kỷ, từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX.
Những nghiên cứu xuất sắc nhất của GS. Đinh Xuân Lâm về mảng đề tài này đã được tập hợp lại trong cuốn sách Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam.
Nhật Hồng ghi
(Nguồn ĐH QGHN)