Góp ý thi 2016: Bộ Giáo dục nên giao quyền tự chủ cho địa phương

(Dân trí) - Nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ ở ĐBSCL cho rằng kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đánh giá đúng năng lực của học sinh và đảm bảo độ trung thực. Tuy nhiên, năm 2016 Bộ GD-ĐT nên xem xét giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các địa phương.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự chăm lo của toàn xã hội dành cho các thí sinh. Điều này minh chứng không chỉ ngành giáo dục lo cho thế hệ trẻ mà xã hội vẫn chung tay, dõi theo với trách nhiệm lớn.

Ông Lý Thanh Tú, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết, là năm đầu tiền tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, bao nhiêu việc cần phải chuẩn bị, cần phải làm, nếu một mình ngành giáo dục sẽ không lo nổi. Ví dụ việc chuẩn bị chỗ ăn, ở cho thí sinh, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm... chủ yếu đều dựa vào nguồn lực xã hội là chính.

Với số lượng hàng trăm ngàn thí sinh và người thân đến thi tại An Giang là một áp lực rất lớn. Tuy nhiên nhờ sự phối hợp tốt giữa ngành giáo dục và xã hội nên không xảy ra bất kỳ vấn đề, sự cố nào; điều này đã tạo nên thành công của kỳ thi đánh dấu nhiều đổi mới.

Góp ý thi 2016: Bộ Giáo dục nên giao quyền tự chủ cho địa phương - 1

Ông Lý Thanh Tú, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho rằng kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đánh giá đúng năng lực của học sinh và đảm bảo độ trung thực, tin cậy.

Điều quan trọng là Kỳ thi THPT quốc gia đánh giá đúng năng lực của học sinh và đảm bảo độ trung thực, tin cậy. Đã phản ánh đúng thực chất chất lượng giáo dục, từ công tác coi thi, chấm thi của các địa phương. Thực tế tỉnh An Giang cũng như các địa phương khác, kết quả thi không có sự chênh lệch. Mặc dù trước kỳ thi nhiều người lo ngại rằng kết quả tỉnh này sẽ khác tỉnh kia; cụm ĐH coi thi chấm thi sẽ khác với cụm địa phương tổ chức… Rõ ràng, qua kỳ thi đã trả lời với dư luận, xã hội về những “ngờ vực” trước đó.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, chúng tôi thống nhất với Bộ GD&ĐT là tiếp tục duy trì mục tiêu của kỳ thi và có điều chỉnh phù hợp. Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi lớn, vì vậy tất cả phải lường trước sự chuyển động của xã hội, đặc biệt là các phương án phát sinh…Để “nhẹ gánh” cho Bộ GD – ĐT nên vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường, các địa phương, Bộ cũng nên xem xét, nhất là việc tổ chức thi, công bố điểm thi… Vì kỳ thi vừa qua đã chứng minh cụm thi địa phương và cụm thi trường ĐH kết quả không chênh lệch nhiều. Vấn đề còn lại là phải tin, giao trách nhiệm để cộng đồng cùng chung vai tổ chức thành công Kỳ thi THPT quốc gia.

 

Góp ý thi 2016: Bộ Giáo dục nên giao quyền tự chủ cho địa phương - 2

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành và nhất là sự chung tay của toàn xã hội

Riêng ông Trần Thanh Liêm – Giám đốc Sở GD – ĐT tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Theo tôi kỳ thi THPT QG năm 2015 cơ bản là đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên vẫn còn một số khâu cần khắc phục theo hướng giao quyền tự chủ cho cơ sở hơn nữa, ví dụ như công bố điểm thi, thay đổi nguyện vọng xét vào ĐH, CĐ... Khi có kết quả thi, chỉ cho phép học sinh chọn 1 trường, trong trường đó chỉ chọn tối đa 2 nguyện vọng để nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH, CĐ (thay vì nhiều trường, nhiều nguyện vọng như năm qua) làm như vậy học sinh sẽ chọn đúng trường, đúng ngành nghề mà học sinh yêu thích, không có sự may rủi.

Để tạo thuận lợi cho HS nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH, CĐ, học sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển bằng 2 cách (đến trường ĐH, CĐ để nộp hồ sơ hoặc nộp hồ sơ tại Sở GDĐT, hồ sơ nộp ở Sở giống như hồ sơ nộp ở trường ĐH, sau khi kết thúc nộp hồ sơ, Sở GDĐT có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến trường ĐH, CĐ).

Riêng về ý kiến cho rằng, chỉ xét tốt nghiệp và chỉ nên thi tuyển vào ĐH, CĐ và giao kỳ thi THPT quốc gia về cho Sở tổ chức, ông Liêm cho rằng: Cần phải có thi THPT vì đây là một cơ sở quan trọng để đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, nếu không thi chẳng lẻ cả bậc phổ thông từ lớp 1 đến 12 không thi gì cả thì rất khó duy trì chất lượng; còn ý kiến giao về cho Sở để tổ chức thi thì không nên vì trở lại con đường của những năm trước. Ta làm công tác thi mà thay đổi liên tục thì xã hội không tin ta là đúng. Theo tôi nên ổn định đến sau 2018 là hợp lý, chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật thôi.

 

Góp ý thi 2016: Bộ Giáo dục nên giao quyền tự chủ cho địa phương - 3

PGS.TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang cũng như nhiều lãnh đạo trong ngành giáo dục cho rằng kỳ thi THPT quốc gia các năm tới Bộ GD -ĐT cần giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các địa phương.

PGS.TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang nhận định, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã thành công với mục tiêu “2 trong 1”, vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường xét tuyển; thí sinh và phụ huynh giảm tốn kém, giảm áp lực thi cử.

Tuy nhiên, trong công tác xuyết tuyển ĐH, CĐ vừa qua, có trường ĐH tốp “trên” đưa ra điểm xét tuyển ở mức “an toàn” - điểm xét tuyển gần bằng điểm sàn nên lượng thí sinh tập trung nộp hồ sơ vào rất đông, gây nên số thí sinh ảo lớn. Trong khi đó các trường khác ở “tầm trung” lại ít thí sinh lựa chọn; thậm chí nhiều thí sinh nộp hồ sơ rồi vẫn rút ra để nộp vào trường khác…

Do vậy trong kỳ thi THPT quốc gia trong các năm tới, vấn đề kỹ thuật cần được quan tâm nhiều hơn. Tổ chức thi cũng cần sự phân công rõ ràng, hợp lý, ngay cả cơ chế tài chính để đỡ gánh nặng cho đơn vị tổ chức thi. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng cần xem xét giao quyền tự chủ cho các trường, các cụm thi trong kỳ thi năm tới, theo hướng dữ liệu điểm thi của thí sinh Bộ vẫn quản lý, nhưng việc công bố kết quả nên giao cho Sở GD&ĐT công bố, tránh việc chờ đợi, nghẽn mạng, ùn tắc…

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm