Góp ý thi 2016: Nên bỏ cụm thi địa phương để đảm bảo mặt bằng chất lượng

(Dân trí) - Nên bỏ cụm thi địa phương, chỉ giữ lại cụm thi do trường ĐH chủ trì để nâng cao chất lượng thi cử. Nếu vẫn giữ nguyên cụm thi địa phương, sẽ khó đảm bảo mặt bằng chất lượng chung khi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì sẽ coi thi, chấm thi chặt chẽ hơn các địa phương.

Đó là ý kiến góp ý của lãnh đạo trường đại học, chuyên gia giáo dục về đổi mới kỳ thi năm 2016 sắp tới.

Góp ý thi 2016: Nên bỏ cụm thi địa phương để đảm bảo mặt bằng chất lượng - 1

Nâng cao chất lượng thi cử

Theo một số chuyên gia tuyển sinh, việc tổ chức hai cụm thi, một do các trường ĐH chủ trì tổ chức và một loại cụm thi tại địa phương do sở GD&ĐT tổ chức như kỳ tuyển sinh 2015 vừa qua, không những không tiết kiệm mà còn kéo theo nhiều bất cập, gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng, theo luật không được bỏ kỳ thi THPT.Vì thế, theo ông vẫn nên giữ kì thi 2 trong 1.

Tuy nhiên, để kỳ thi THPT Quốc gia hoàn thiện hơn, bộ cần thay đổi kĩ thuật xét tuyển để tránh tình trạng lộn xộn như vừa qua. Có thể, trong hồ sơ tuyển sinh của các em, nên thêm một cột cho các em đăng kí NV1, nếu không đỗ, các em chọn NV2, NV3 để khỏi rắc rối.

Ngoài ra, theo ông Hùng, nên bỏ cụm thi địa phương, chỉ giữ lại cụm thi do trường ĐH chủ trì để nâng cao chất lượng thi cử. Nếu vẫn giữ nguyên cụm thi địa phương, sẽ khó đảm bảo mặt bằng chất lượng chung khi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì sẽ coi thi, chấm thi chặt chẽ hơn các địa phương.

“Nếu vẫn duy trì hai cụm thi, chắc chắn sẽ có tình trạng không công bằng. Có thể khi tổ chức 1 loại cụm thi do trường ĐH chủ trì sẽ dẫn đến tình trạng đau lòng trong một vài năm tới do tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhưng đó là điều nên làm”, ông Hùng nói.

GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho rằng, việc tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ chứng nhận tốt nghiệp THPT với các em học sinh nhất thiết phải có và là điều kiện cần thiết để các em ra đời.

Mỗi học sinh, khi đã có tấm bằng tốt nghiệp THPT nghĩa là các em đã có đủ kiến thức cần và có của một công dân. Từ đó, các em muốn học hành nâng cao hơn nữa tiếp tục vào ĐH, CĐ hoặc học nghề đều được.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nghị, cách thức tổ chức thi THPT thế nào, có nên tổ chức một cụm thi riêng cho THPT và một cụm thi nữa do các trường ĐH chủ trì hay không thì phải bàn lại bởi kỳ thi vừa qua, nó đã thể hiện một số hạn chế nhất định.

Không hề tiết kiệm

Theo GS Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi dồng của Quốc hội), tại sao không bỏ cụm thi do các Sở GD&ĐT tổ chức, để thí sinh thi tại chính địa phương để tiết kiệm hơn?

Ngoài ra, việc để cả cụm thi địa phương và cụm thi do các trường ĐH chủ trì, sẽ có kết quả chênh lệch do cách coi thi, chấm thi khác nhau.

Còn theo ông Nghị, thực chất việc tổ chức cụm thi địa phương, theo Bộ GD&ĐT là để tiết kiệm nhưng trong kì thi vừa qua, nó đã chứng minh việc duy trì thêm cụm thi này không hề tiết kiệm.

Chẳng hạn một thí sinh ở Móng Cái, Quảng Ninh hoặc ở Hải Dương phải về Hải Phòng dự thi, các em đi ô tô từ Móng Cái về đến Hải Phòng cũng mất vài trăm km, chưa kể gia đình học sinh đó không biết ăn ở ra sao, đi lại thế nào, thử hỏi làm sao tiết kiệm cho dân được?

Vì thế theo ông Nghị, nên tính toán lại việc tổ chức thi thế nào để tiết kiệm thực chất hơn. Tốt nhất, không nên tổ chức thi cụm địa phương với hàng chục tỉnh (chẳng hạn cụm thi Hà Nội có 7 tỉnh) mà nên phối hợp giữa các trường ĐH tại địa phương đó để tổ chức thi.

Chẳng hạn, thí sinh ở Quảng Ninh có thể thi tại Quảng Ninh và các tỉnh khác cũng thế thì mới thực sự tiết kiệm hơn, an toàn hơn và đảm bảo sức khỏe cho thí sinh hơn.

Về điều này, PGS Văn Như Cương cho rằng cụm thi tại địa phương chưa chắc đã giảm tốn kém, khó khăn khi thí sinh ở các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa vẫn phải di chuyển đến khu vực trung tâm. Chưa kể lực lượng tổ chức kỳ thi cần huy động không phải là nhỏ.

Chẳng hạn trước đây, việc tổ chức thi ở các trường ĐH, các trường đó tự chấm theo năng lực. Nhưng nay, một số địa phương không đủ cán bộ chấm thi, phải huy động ở các tỉnh lân cận.

“Tôi đã biết câu chuyện một đoàn cán bộ khi đến tỉnh lân cận để hỗ trợ chấm thi nhưng phải quay về vì không biết ai sẽ trả tiền ăn, ở, đi lại... “Như thế, thử hỏi có tiết kiệm nổi không, và ai sẽ bù vào chi phí này cho họ”?, GS Cương nói.

Quốc Huy

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm