Góc khuất của những nhà trẻ tự phát

(Dân trí) - Vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều bậc phụ huynh đành phải gửi con em mình cho các nhà trông trẻ tự phát mà ít có sự lựa chọn nào khác. Đây cũng là mấu chốt dẫn đến những vụ việc bạo hành trẻ thơ khiến cho cộng đồng phải "dậy sóng".

Lớp mầm non tư thục khoá cửa sau khi bị lật tẩy hành vi hành hạ trẻ em
Điểm giữ trẻ Phương Anh (số 18 đường Hiệp Bình, P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TPHCM) đóng cửa sau khi bị "lật tẩy" hành vi hành hạ trẻ em. (Ảnh: Lê Phương)
 
Nhiều cuộc hội thảo về giáo dục mầm non từng mổ xẻ những bất cập ở bậc học này khi mà cơ sở vật chất còn quá thiếu thốn, đội ngũ thầy cô thì chắp vá bởi trước kia chưa có sự quan tâm đúng mực với bậc mầm non… Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã phải thẳng thẳn nhìn nhận: Bậc mầm non đòi hỏi một sự quan tâm đặc biệt, ngoài kiến thức chuyên môn thì giáo viên phải có một tình thương yêu trẻ, yêu nghề. Ở nước ngoài, giáo viên tham gia công tác trông giữ trẻ phải có bằng thạc sỹ trở lên và quan trọng hơn cả là họ có những bài kiểm tra để đánh giá giáo viên trước khi tiếp nhận.

Trong khi đó, ở Việt Nam một thời gian dài, bậc học mầm non không được quan tâm đầu tư đúng mức nên khi Đảng và Nhà nước có chủ trương phát triển bậc học này đã tạo nên một một sự thay đổi lớn, vượt khỏi tầm kiểm soát. Hệ thống trường công không đáp ứng đủ nên đã có những cuộc rầm rộ cấp phép cho các đơn vị trường tư thục, nhà trẻ tư thục, thậm chí là cả nhóm trẻ gia đình.

Cuộc sống khó khăn, điểm lựa chọn gửi con của các gia đình nghèo thường tập trung vào các điểm trông giữ trẻ tự phát bởi chi phí thấp mà thời gian đón, đưa cũng không bị quá cứng nhắc. Với những điểm trông giữ trẻ như vậy nguy cơ mất an toàn là khá lớn khi cơ sở vật chất không đảm bảo, thiếu người có kiến thức chuyên môn…

Không khó để nhận thấy, các vụ việc xảy ra trong thời gian qua đều có một điểm chung đó là các bảo mẫu hầu hết là người không có kiến thức chuyên môn sâu về chăm sóc trẻ. Chính vì thế, khi xảy ra vấn đề họ thường thừa nhận là không biết làm như vậy là “phạm pháp”.

Bộ GD-ĐT đã phải ban hành hàng loạt văn bản để chẩn chỉnh các cơ sở trông giữ trẻ ngoài công lập. Song trên thực tế việc làm này cũng chỉ là “muối bỏ bể” nếu thiếu sự tham gia giám sát một cách chặt chẽ của chính quyền sở tại.

Hiệu trưởng một trường mầm non tư thực ở Hà Nội từng chia sẻ: “Tôi quyết định thành lập trường bởi cái nghiệp đam mê với nghề. Việc chăm sóc trẻ cần sự tỉ mỉ và tình yêu thương. Chính vì thế, nếu ai đó xác định hình thành cơ sở trông trẻ để thu lợi nhuận thì điều đó là một sai lầm rất lớn”.

Nói là thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều chủ các cơ sở trông trẻ ngoài công lập hiện nay coi đây là một cách để kiếm tiền. Do nhu cầu của phụ huynh là khá lớn (nhất là với các thành phố) nên họ cũng chẳng ngần ngại “lách luật” để hình thành cơ sở trông trẻ, thậm chí là hoạt động không phép. Điều đáng buồn ở đây, mặc dù đã bị phát hiện và xử lý nhưng các cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động một cách công khai trước sự “thờ ơ” của chính quyền sở tại.

Lỗi của những vụ việc vừa qua có thể do các cấp quản lý nhưng qua đó cũng thấy bất cập trong sự quan tâm, chăm sóc con em mình của chính các bậc phụ huynh.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, sự việc vừa xảy ra là hồi chuông cảnh báo cho chúng ta. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT cũng mong cha mẹ nên lựa chọn cẩn thận lớp học cho các con. Nhiều phụ huynh chỉ gửi con vì phí rẻ mà chưa để ý đến an toàn cho con.

S.H

Dòng sự kiện: Nhà trẻ tự phát

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm