Chống bạo hành trẻ mầm non: Cần thêm những “người hùng thầm lặng”

(Dân trí)-Chuyện bạo hành trẻ ở cơ sở trông trẻ không phép Phương Anh (TPHCM) lại một lần nữa thúc giục cơ quan quản lý vào cuộc một cách quyết liệt. Tuy nhiên nếu nhìn lại kết quả từ vụ bạo hành trẻ năm 2008, chắc hẳn ít người đặt niềm tin vào cuộc tổng rà soát này.

Một điều dễ nhận thấy ở các cuộc bạo hành trẻ trong thời gian qua là phần lớn đều do người dân và cơ quan báo chí phát hiện. Khi sự việc xảy ra thì lúc đó các cấp quản lý mới “giật mình” để vào cuộc một cách quyết liệt. Vụ việc ở cơ sở trông trẻ Phương Anh một lần nữa cho chúng ta thấy sự vô trách nhiệm của cơ quan quản lý khi mà dù đã phát hiện hoạt động không phép nhưng lại thiếu tính quyết liệt khi xử lý.

Vượt khỏi tầm kiểm soát

Việc hình thành cơ sở trông trẻ tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình là điều tất yếu khi mà hệ thống trường công chưa đáp ứng đủ. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng, dường như việc thanh tra, kiểm tra để rà soát đến nơi đến chốn là điều quá sức của ngành giáo dục.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, việc hình thành các khu công nghiệp nhưng doanh nghiệp lại ít chú trọng đến đầu tư xây dựng trường học đã gây khó khăn cho địa phương trong việc quy hoạch. Không khó để nhận thấy những người lao động khi làm ở các thành phố lớn thường rất ít ổn định bởi khi có công ăn việc làm thì họ đổ xô ra còn khi hết việc thì lại về quê… Chính điều này khiến địa phương lâm vào thế khó khi quy hoạch mạng lưới trường mầm non.

Bên cạnh đó, theo quy định của từng địa phương thì việc hạn chế tuyển sinh trái tuyến được đặt lên hàng đầu đối với hệ thống trường công. Do đó, người lao động khi không có hộ khẩu thường trú thì rất khó để “chen chân” vào trường công. Khi không có chỗ gửi con thì họ đành phải gửi gắm ở các nhóm trẻ gia đình, hoặc các cơ sở tự phát chưa đủ điều kiện để mở lớp… Tất nhiên họ có sự lựa chọn hệ thống trường tư thục hoặc cơ sở ngoài công lập đảm bảo chất lượng nhưng mức chi phí lại quá lớn, đây cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải suy nghĩ.
Thiếu hệ thông trường công nên phụ huynh gửi trẻ ở những điểm tự phát là

Thiếu hệ thống trường công nên phụ huynh gửi trẻ ở những điểm tự phát là điều khó tránh khỏi. (Ảnh minh họa)
 

Lãnh đạo của nhiều địa phương đã không ít lần thẳng thắn thừa nhận, việc giám sát sự hình thành nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông trẻ tự phát rất khó để làm một cách quyết liệt. Chẳng hạn, một cơ sở chỉ trông vài cháu với lý do là người quen, người trong gia đình gửi nhờ trông hộ thì không có lý gì để xử lý họ được.

Sau vụ việc cơ sở trông trẻ Phương Anh, nhiều độc giả có ý kiến cho rằng nên lắp hệ thống camera để giám sát. Nhìn thì có vẻ khả thi nhưng nếu người trông giữ trẻ không có tâm, không yêu trẻ và đặt lợi nhuận lên trên thì dường như nó cũng vô tác dụng.

Chị Luyến, quê ở Thanh Hóa, hiện đang công tác ở Hà Nội có con nhỏ hơn 2 tuổi, chia sẻ: “Lúc đầu gia đình cũng lựa chọn trường trẻ tư có hệ thống camera giám sát, khi nào mình muốn biết con đang làm gì chỉ cần vào mạng xem là xong. Nhìn thì có vẻ là thuận tiện nhưng đâu phải lúc nào phụ huynh cũng có thể giám sát thường xuyên được, nhất là đối với những người làm công nhân thì chẳng giải quyết được vấn đề gì”.

Cũng theo chị Luyến, giải pháp an toàn nhất là phụ huynh hãy quan tâm đến con em của mình hơn. Nếu phát hiện những biểu hiện bất thường của trẻ thì nên tìm hiểu cặn kẽ, còn nếu nghi ngờ không tin tưởng cơ sở mình gửi thì nên tìm chỗ tốt hơn.

“Hãy bảo vệ con em của mình trước khi sự việc xảy ra. Nếu vụ việc đã xảy ra rồi thì có xử lý cơ sở trông trẻ ra sao thì con trẻ và phụ huynh vẫn là những người chịu tổn tương lớn nhất” - chị Luyến bộc bạch.

Cần những "người hùng thầm lặng"

Vụ việc bạo hành trẻ ở cơ sở Phương Anh diễn ra trong một thời gian dài nhưng bản thân phụ huynh cũng không hề hay biết. Bản thân cộng đồng khu dân cư gần đó cũng có những lý do rất riêng để khẳng định không biết có sự bạo hành trẻ. Có người thì đưa ra lý do cơ sở Phương Anh nằm ở khu cách biệt ít người dân sinh sống, có người thì phân tích do cơ sở đóng kín nên không thể phát hiện…

Chỉ đến khi một người công nhân tình cờ làm ở công trường gần đó nghe những tiếng khóc bất thường của trẻ và quyết tâm tìm hiểu và ghi hình vụ việc gửi lên cơ quan chức năng thì chính quyền và người dân mới hay biết. Một câu hỏi được đặt ra: Biết bao nhiêu người công nhân cùng làm ở đó nhưng lại không phát hiện ra hay là họ có biết nhưng lại coi như chẳng nhìn thấy gì?

Trong những năm qua, chủ đề về sự thờ ơ, vô cảm được mổ xẻ khá nhiều nhưng kết quả chẳng đi đến đâu. Điều này cũng dễ hiểu bởi ai cũng có công việc của mình và họ muốn tránh những rắc rối không cần thiết ảnh hướng đến cuộc sống bản thân.

Ngay như bản thân anh công nhân tên H., người đầu tiên phát hiện vụ việc bạo hành trẻ báo cho cơ quan chức năng cũng cảm thấy “bất an” khi cơ quan truyền thông phát hiện ra mình. Trong khi dư luận xã hội có ý kiến là cần phải công khai khen thưởng và tôn vinh thì anh chỉ coi đó là hành động mà bất kì ai có con nhỏ chứng kiến đều làm cả. Điều anh H. mong ước là hay xem đó là hành động bình thường và đừng công khai tên tuổi của anh bởi anh không muốn gia đình bé nhỏ của mình bị xáo trộn.

Khi cơ quan quản lý và chính quyền còn quá mỏng về lực lượng thì cộng đồng giám sát là phương thuốc hữu hiệu để hạn chế những vụ việc bạo hành trẻ nhỏ. Nếu ai cũng có tinh thần và trách nhiệm như anh H. thì chắc hẳn cộng đồng sẽ tốt đẹp hơn và trên hết là chúng ta đã góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ mầm non bị bạo hành.

Nguyễn Hùng

Dòng sự kiện: Nhà trẻ tự phát