Sở GD-ĐT TPHCM lên tiếng vụ bảo mẫu đánh đập, bóp cổ trẻ mầm non

(Dân trí) - Chiều 17/12, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM và các phòng, ban Sở đã làm việc trực tiếp với Chủ tịch UBND quận Thủ Đức về những vấn đề liên quan đến vụ việc bạo hành trẻ em ở nhóm trẻ gia đình không phép trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước (Q. Thủ Đức).

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết: “Là người làm giáo dục, chúng tôi không thể chấp nhận được những hành vi bạo hành tại nhóm trẻ Phương Anh”. Cũng theo ông Sơn, đáng trách nhất chính là đạo đức nghề nghiệp của chủ trường Lê Thị Đông Phương vì cô này không chỉ có đầy đủ bằng cấp chuyên môn sư phạm mầm non mà lại từng là giáo viên của một trường mầm non. Dù hiểu biết nhưng không đi đăng ký hoạt động khi phường yêu cầu và lại tuyển người giữ trẻ không có trình độ chuyên môn.

Giám đốc Sở cũng cho biết phía UBND quận Thủ Đức cũng giao phía công an và viện kiểm sát quận tập hợp những chứng cứ cụ thể để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ nhà trẻ và 2 người giúp việc về hành vi hành hạ người khác nếu có dấu hiệu vi phạm.

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra những sự cố bạo hành trẻ ở các nhóm trẻ tự phát trên địa bàn quận Thủ Đức, giám đốc Sở nhìn nhận rằng trên địa bàn thành phố có nơi làm chưa tốt công tác quản lý. Vì vậy Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh trên toàn địa bàn thành phố và đề nghị những nơi xảy ra sự cố nâng cao việc quản lý hơn.

Bên cạnh đó, theo giám đốc sở Lê Hồng Sơn, hiện nay nhóm trẻ tự phát “mọc” rất nhanh vì nhu cầu rất lớn. Từ năm 2008 đến nay số nhóm trẻ gia đình có phép tăng gấp 3,2 lần, hiện nay thành phố có 1.368 nhóm trẻ có phép, còn số trường mầm non và nhà trẻ tăng lên gấp 2,5 lần. TPHCM là nơi thu hút nguồn lực lao động ở các nơi về làm việc nên đối mặt với tình trạng số trẻ tăng cơ học ngày càng cao. Đồng thời, theo quy định thì các trường công lập nhận tối đa trẻ từ 16-18 tháng trở lên, các trường tư thục thì nhận trẻ từ 12 tháng còn lại những trẻ từ 6 -12 tháng tuổi thì không có nơi giữ để cha mẹ đi làm. Đó là những vấn đề nan giải mà các quận dù đã kiên quyết kiểm tra nhưng không thể quản lý xuể các hộ nuôi giữ trẻ tự phát.
 
Lớp mầm non tư thục khoá cửa sau khi bị lật tẩy hành vi hành hạ trẻ em
Lớp mầm non tư thục khoá cửa sau khi bị "lật tẩy" hành vi hành hạ trẻ em

Ông Lê Hồng Sơn cũng cho biết đầu năm học 2013-2014, Sở đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 12 trường ngoài công lập, 130 nhóm trẻ có phép và 84 nhóm trẻ không phép chưa đảm bảo yêu cầu. Sở yêu cầu đối với những nhóm trẻ không thể khắc phục hạn chế thì đề xuất địa phương ngừng cấp phép hoạt động.

Để giải quyết những bất cập trong việc giữ trẻ hiện nay, theo ông Sơn là phải dành quỹ đất ở 13 khu chế xuất, khu công nghiệp để xây dựng trường mầm non, nhà trẻ phục vụ con em công nhân. Thực tế hiện nay hiện mới chỉ có khu Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và Linh Trung (Thủ Đức) đã hoàn thành tiến độ dự án còn lại đều đang còn chậm.

Được biết, chiều nay Sở GD-ĐT TPHCM cũng gửi văn bản báo cáo Bộ GD-ĐT vụ hai bảo mẫu có hành vi bạo hành tại nhóm trẻ Phương Anh.

Lê Phương

Dòng sự kiện: Nhà trẻ tự phát

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm