Giáo viên vẫn giao bài tập Tết vì cái tâm với nghề

Nhung Nhung

(Dân trí) - "Tôi nghĩ rằng, giáo viên tuân thủ chủ trương nghỉ Tết không áp lực bài tập, nhưng cũng nên suy nghĩ về trách nhiệm của mình với học sinh", thầy O. bộc bạch.

Giáo viên giao bài tập Tết vì cái tâm với nghề

Câu chuyện về giao bài tập vào những ngày nghỉ Tết cho học sinh vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía giáo viên và phụ huynh.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên bày tỏ sẽ không vì sức ép dư luận mà "buông xuôi", không hướng dẫn, ôn tập kiến thức cho học sinh trong kỳ nghỉ tết kéo dài vì cái tâm với nghề.

Giáo viên vẫn giao bài tập Tết vì cái tâm với nghề - 1

Áp lực từ phía dư luận đổ dồn lên giáo viên trong câu chuyện giao bài tập Tết (Ảnh minh họa: Nhật Hồng).

Là giáo viên dạy môn ngữ văn, cô B.N. (Hà Tĩnh) khẳng định quan điểm "không giao bài tập Tết" là hoàn toàn hợp lý. Dù vậy, nếu đem ra phân tích, việc này phải được xem xét trên nhiều phương diện, khía cạnh.

Cá nhân cô N. bày tỏ việc giáo viên giao bài tập Tết thể hiện sự trách nhiệm với việc giảng dạy và sự quan tâm đối với việc học tập của học sinh. 

Bởi nếu không động viên học sinh ôn luyện ở nhà thì thời gian rảnh ở nhà học sinh sẽ dễ sa đà vào các cuộc chơi mà lơ đễnh kiến thức. Đặc biệt là đối với học sinh cuối cấp.

Việc giao đề và kiểm tra bài tập Tết tuy khiến cả thầy và trò vất vả nhưng tất cả cũng chỉ nhằm giúp học sinh tiếp thu phần nào kiến thức. 

Tương tự, thầy giáo Đ.Q.O. (giáo viên môn toán của một trường cấp 3 tại Hà Nội) cho rằng mỗi giáo viên cần có sự suy tư và ý kiến rõ ràng trong giới hạn trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ riêng để cân nhắc vấn đề giao hay không giao bài tập Tết.

"Tôi thiển nghĩ rằng, giáo viên tuân thủ chủ trương nghỉ Tết không áp lực bài tập, nhưng cũng nên suy nghĩ về trách nhiệm của mình với học sinh. 

Nếu để tránh gặp áp lực, thảnh thơi mà bỏ qua sự rèn luyện của học sinh thì rất đáng phải suy nghĩ", thầy O. nhắn nhủ. 

Cả thầy Đ.Q.O. và cô B.N. đều đồng quan điểm rằng, giáo viên có thể giao bài tập Tết nhằm giúp học sinh không quên kiến thức, rèn thói quen học bài nhưng cũng cần chú ý để học sinh có một kỳ nghỉ trọn vẹn, không nặng nề với bài tập về nhà.

Tránh trường hợp giao bài tập mà khiến cho phụ huynh lo lắng, học trò ngao ngán, ám ảnh, hoặc tìm mọi cách để đối phó với sự kiểm tra của giáo viên. Như vậy là phản giáo dục.

Cách giao bài tập quan trọng hơn là giao gì

Giao bài tập Tết theo nhu cầu, làm bài tập Tết là việc không bắt buộc mà chỉ khuyến khích là phương pháp được nhiều giáo viên lựa chọn.

Với cá nhân thầy O. việc giao bài tập không nên quá nặng nề mà quan trọng là hiệu quả. Thầy O. chú trọng giao cho học sinh những bài tập mở rộng, như là nghiên cứu các vấn đề trong thế giới tự nhiên hoặc xã hội nhằm phát triển tư duy độc lập, tư duy biện chứng.

"Tôi cho rằng khối lượng bài tập được giao chỉ nên giới hạn trong một trang giấy A4 cho 3 môn toán, văn, ngoại ngữ. Mức độ bài tập phân bổ từ dễ đến khó chỉ khoảng 10 bài, tỉ lệ giảm dần từ 4-1. 

Còn về chất lượng và số lượng hoàn thành ra sao tùy thuộc vào sự đồng tình riêng giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh. Tùy năng lực từng em, làm được đến đâu giáo viên ghi nhận đến đó", thầy O. cho hay. 

Với hơn 15 năm gắn bó với nghề nhà giáo, cô N.T.B. (giáo viên môn văn của một trường tiểu học tại thành phố Vinh) chia sẻ, học tập là cả quá trình tích lũy kiến thức. Vì vậy, giáo viên cần rèn luyện học sinh có thói quen học tập tốt, tránh lười biếng mà rơi kiến thức. 

Tuy nhiên, cô B. cũng lưu ý rằng việc giao bài tập trong kỳ nghỉ Tết cũng là một "nghệ thuật". Thầy cô chỉ nên giao bài về nhà trong dịp nghỉ lễ như một "chất kết dẫn" để học sinh không bị đứt đoạn mạch học.

Ra vừa đủ để thời gian hoàn thành không quá một tiếng đồng hồ, tránh khiến học sinh áp lực, mệt mỏi, bận rộn.

Giáo viên vẫn giao bài tập Tết vì cái tâm với nghề - 2

Cô B. có cùng quan điểm với nhiều giáo viên khác rằng nên giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ Tết. Tuy nhiên, cần đảm bảo số lượng không nhiều, không quá khó và yêu cầu cao đảm bảo chỉ đủ để học sinh không quên kiến thức (Ảnh minh họa: Colourbox).

"Hiện giờ môn Văn cũng khác ngày xưa, không còn bắt học sinh phải học thuộc, chép văn mẫu nữa, mà tập trung phát triển nhận thức của học sinh. 

Vì vậy, thì thay vì cho bài tập viết hay bắt học sinh đọc các bài văn có sẵn, tôi khuyến khích học sinh tự quan sát, trải nghiệm Tết, để sau tết sẽ kể lại, chia sẻ với bạn bè những kỉ niệm thú vị cũng là một cách để tăng thêm vốn sống và kiến thức cho các em", cô B. chia sẻ. 

Cô B. cho biết với cách thức giao bài tập như vậy sẽ tránh tạo khoảng cách trong mối quan hệ giữa thầy và trò. 

Đồng thời giúp cho học sinh được hưởng Tết đúng nghĩa, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn phát triển kinh nghiệm sống thực tế thay vì phải dành hết thời gian vào sách vở lý thuyết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm