Giáo viên phản hồi: Tôi ủng hộ việc chia lớp theo năng lực học sinh
(Dân trí) - Tôi ủng hộ việc chia học sinh thành các lớp theo khả năng tiếp thu. Bởi chỉ có như vậy, học sinh mới có cơ hội được tham gia các hoạt động học thực sự phù hợp với mình, có cơ hội từ yếu lên trung bình, từ trung bình lên khá…
Đọc bài viết “Ý kiến giáo viên: Sao phải duy trì lớp chọn trong trường phổ thông?”, tôi xin nêu ý kiến từ góc độ giáo viên dạy cả lớp chọn và các lớp đầu cuối (gồm những em có học lực, khả năng nhận thức, ý thức thấp nhất khối).
Xét về mặt lý thuyết, chia lớp theo năng lực học sinh là phù hợp. Lớp học gồm các học sinh có mức độ nhận thức gần tương đương nhau, giáo viên rất dễ dàng thiết kế hoạt động học tập phù hợp với đại đa số học sinh trong lớp.
Thực tế đúng như vậy. Cùng một giáo viên dạy, nhưng ở lớp chọn, kiến thức cơ bản sẽ được chính học sinh trong lớp đẩy nhanh tiến độ, sau đó giáo viên sẽ giúp học sinh mở rộng kiến thức, rèn kĩ năng giải quyết các bài tập vận dụng và vận dụng cao, phục vụ cho nhu cầu học tập và thi chuyển cấp, thi đại học. Thực tế cũng cho thấy khi thi vào cấp THPT, khi thi/xét vào các trường đại học, học sinh lớp chọn thường đỗ vào các trường tốp trên với mức điểm rất cao và đồng đều.
Học sinh lớp đại trà hoặc các lớp đầu cuối thì được rèn luyện nhiều các kiến thức kĩ năng cơ bản nhất, cần thiết nhất để các em thi trung học phổ thông quốc gia để được công nhận tốt nghiệp. Bản thân giáo viên trong mỗi trường cũng không đồng đều về năng lực chuyên môn, không đồng đều về phương pháp dạy học, không đồng đều về mức độ phấn đấu và cố gắng. Có giáo viên dạy dễ hiểu và được học sinh yêu quý, cha mẹ học sinh tín nhiệm. Có giáo viên dạy khó hiểu, cố chấp với học sinh, cả đời chả chịu cố gắng trau dồi chuyên môn, trau dồi kĩ năng sư phạm. Tại sao lại đòi hỏi phải cào bằng học sinh? Tại sao lại đòi hỏi chia đều học sinh ra để ai cũng được dạy học sinh “ưu tú”?
Khi phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy các môn học ở lớp chọn, lãnh đạo nhà trường luôn ưu tiên những người có năng lực sư phạm tốt, năng lực chuyên môn vững vàng, cầu tiến, ham học hỏi để từ đó tạo ra các lớp học sinh có chất lượng tốt, thành đạt, tạo uy tín thương hiệu cho trường. Chỉ những người hẹp hòi, đố kị, lười phấn đấu mới so sánh, phân bì, giành giật, sử dụng chiêu trò, rồi sau đó lại đổ tiếng xấu cho hiệu trưởng. Trong khi đó, hơn ai hết, hiệu trưởng là người có mong muốn lớn nhất trong việc tạo thương hiệu cho ngôi trường.
Khi giáo viên đã được phân công giảng dạy một lớp, phải tìm hiểu đối tượng học sinh ở lớp đó. Khi chuẩn bị kế hoạch bài học (tức soạn giáo án), giáo viên phải thiết kế hoạt động học tập sao cho phù hợp nhất với đối tượng học sinh. Có gì đó chưa phù hợp thì làm lại. Hiện nay, rất nhiều giáo viên lười biếng, năm học sau in lại giáo án của năm học trước mà không hề bồ sung chỉnh sửa gì, không thèm đọc lại, cứ thế lên lớp dạy. Như thế, giáo viên đâu có đặt học sinh làm trung tâm. Giáo viên đang đặt giáo viên làm trung tâm đấy chứ!
Một câu hỏi khó, một bài tập nâng cao, một nội dung mở rộng chỉ có tác dụng khi trình độ tiếp thu của học sinh phù hợp. Tại sao lại đưa câu hỏi, bài tập không phù hợp, để học sinh không thể trả lời được, không thể làm được, rồi lại đi đổ lỗi cho học sinh là nguyên nhân làm cho "nguồn cảm hứng trong giảng dạy của giáo viên vô tình bị bào mòn, triệt tiêu một cách âm thầm, lặng lẽ"?
Thực tế cho thấy những học sinh được học lớp chọn, kiến thức, kĩ năng, kết quả học tập, kết quả thi của các em cao hơn nhiều so với khi các em bị phân tán đều ra thành các lớp đại trà sàn sàn nhau. Thử hình dung xem: Một lớp có 30 học sinh, trong đó 5 học sinh có lực học giỏi và ham học, 5 học sinh có lực học rất yếu và ý thức rất yếu, còn lại 20 học sinh ở mức độ trung bình. Vậy khi giáo viên dạy sẽ chú ý tới đối tượng nào nhất? Chính là đối tượng chiếm đa số: học lực trung bình. Như vậy, 5 học sinh lực học yếu vẫn yếu và bị "bỏ rơi", có khi còn ở lại lớp; 5 học sinh có lực học giỏi thi thoảng mới được giáo viên cho làm thêm bài nâng cao mở rộng, và lúc đó thì các học sinh yếu coi như ngồi không. Giáo viên có 3 đầu 6 tay cũng không thể nào chú ý tới cả 3 nhóm đối tượng trong một lớp trong một tiết học được.
Tôi ủng hộ việc chia học sinh thành các lớp theo khả năng tiếp thu. Bởi chỉ có như vậy, học sinh mới có cơ hội được tham gia các hoạt động học thực sự phù hợp với mình, có cơ hội từ yếu lên trung bình, từ trung bình lên khá. Và giáo viên phải thay đổi, phải lựa chọn nội dung, kiến thức, kĩ năng phù hợp với đối tượng học sinh, đừng bắt học sinh các khóa khác nhau, các lớp khác nhau phải theo cùng một cái giáo án!
G.S.
(TP Phủ Lý, Hà Nam)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!