Giáo viên cũng phải học cách... hòa nhập
(Dân trí) - Khi mới ra trường và được điều về trường nuôi dạy trẻ đặc biệt, cô Châu suy sụp vì chưa từng học qua các kỹ năng chăm sóc đối tượng trẻ em này. Cô chỉ biết đứng nhìn học trò rồi khóc với quyết tâm bỏ nghề... Và phải mất cả năm trời cô mới có thể tiếp cận, hòa nhập, hiểu được ý học trò qua từng động tác.
Con đường nghề với nhiều thăng trầm của cô Lâm Thị Minh Châu, giáo viên Trường Hy vọng (quận 8, TPHCM) được chia sẻ đầy xúc động tại lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản 2018 so Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 18/11 tại Nhà hát Thành phố.
Hành trình "bỏ việc hay ở lại" lúc mới ra trường cũng là quãng đường vừa làm quen, vừa thử thách nhất với cô. Một sinh viên mới tốt nghiệp, rơi ngay vào môi trường dành cho trẻ khuyết tật đầy lạ lẫm và thách thức có thể nói là cô đã bị "sốc". Những ngày đầu, cô Châu có suy nghĩ bỏ nghề nhưng rồi nhìn nhiều học sinh sáng sủa, khôi ngô nhưng không nói được, không nghe được... cô nuôi quyết chí sẽ bám trụ bằng được. Cô hiểu rằng, việc các em giao tiếp, thể hiện ý muốn của mình còn khó khăn hơn rất nhiều những gì mình đang đối diện.
Từ đó, cô không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp, đọc tài liệu, nghiên cứ, học cách nói chuyện bằng ký tự... Và mất khoảng một năm trời, cô Châu mới thể hòa nhập với môi trường, với học trò.
Nói về phẩm chất để gắn bó với công việc dạy trẻ đặc biệt, cô Châu gói gọn ở hai chữ: kiên nhẫn! Thành quả và niềm vui lớn nhất là khi nhìn thấy học trò tiến bộ từng ngày, thấy được niềm vui của chính phụ huynh từ những việc tưởng như rất bình thường. Có phụ huynh không kìm nén được khi một ngày con mình lại có thể gọi được tiếng ba, tiếng mẹ hay khi con có thể theo học hòa nhập ở trường thường.
"Nghề giáo với tôi thật như là công việc của người trồng cây. Chăm bón cho cái cây để tương lai sẽ cho ra quả ngọt. Gần 20 năm qua, tôi luôn cố gắng để mỗi ngày đến trường của mình và của các em là một ngày vui", cô Châu nói.
Năm nay, giải thưởng Võ Trường Toản vinh danh 50 gương mặt đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm GDNN-GDTX, trường chuyên biệt trên địa bàn TPHCM, trong đó 39 giáo viên và 11 quản lý.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm học 1998 - 1999, đến nay qua 20 mùa trao giải, giải thưởng Võ Trường Toản đã vinh danh 576 cán bộ quản lý, giáo viên, những tấm gương sáng về lòng yêu nghề và sự tận tụy, đại diện cho gần 85.000 cán bộ, nhà giáo đang công tác trên địa bàn TPHCM. Giải thưởng được xét chọn trên những tiêu chí: thành tích cá nhân của các thầy, cô giáo, hiệu suất đào tạo học sinh, yếu tố thâm niên, bề dày các danh hiệu thành tích, sáng kiến kinh nghiệm, sự tín nhiệm của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh.
Trước ngày trao Giải thưởng Võ Trường Toản, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2018). Tại buổi lễ, ông Lê Hồng Sơn, GĐ Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định những thành quả giáo dục của thành phố có được nhờ sự đóng góp công sức rất lớn của mỗi thầy, cô giáo.
"Xã hội luôn trân trọng những công lao và tấm lòng tận tụy của quý thầy cô giáo, những nhà quản lý giáo dục và những người đã mang hết tâm huyết góp sức vì sự phát triển sự nghiệp giáo dục, làm sáng mãi thiên chức cao quý của nghề sư phạm và vì những thế hệ chủ nhân tương lai của thành phố, đất nước”, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Dịp này, TPHCM có 19 cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 130 cá nhân kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục của Bộ GD&ĐT trao tặng; 6 tập thể được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD-ĐT; 42 tập thể nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT...
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng cũng tổ chức Lễ tri ân và vinh danh Teacher Award 2018 nhằm tôn vinh, tuyên dương các thầy cô giáo vì những cống hiến cho chất lượng giáo dục. 38 giáo viên được nhận “Trái tim vàng” cho những đóng góp quý giá và sáng tạo trong dạy học.
Hoài Nam