Giáo viên bị học trò “quấy nhiễu” tình cảm

(Dân trí) - Không ít học trò thể hiện tình cảm với… giáo viên một cách táo bạo, thậm chí dọa sống dọa chết nếu bị thầy từ chối tình cảm. Nhiều giáo viên rơi vào khủng hoảng và hết sức khó xử khi được học trò “yêu”.

Trò “nặng tình” với thầy

Mới đây, một vụ việc có thể xem là khá nhạy cảm diễn ra tại một Trường THCS ở Q.6, TPHCM làm dư luận choáng váng. Cô N. một giáo viên dạy Toán bị phụ huynh “tố” có nhắn tin tình cảm, yêu đương qua lại với một nam sinh lớp 8.

Theo chia sẻ của cô N. là khi biết em nam sinh này có tình cảm đặc biệt với mình cô đã hạn chế tiếp xúc. Thế nhưng cậu học trò bức xúc, làm căng và nhiều đêm ở nhà bắt bố mẹ đưa đi gặp cô N., thậm chí có lúc em đòi tự vẫn làm gia đình lo sợ. Cô N. cho biết, bố mẹ nam sinh đã liên lạc với cô nhờ cô khuyên nhủ và định hướng cho em con mình. Những tin nhắn qua lại giữa hai cô trò nhằm mục đích nam sinh không bị sốc khi bị từ chối tình cảm và đến nay em cũng đã nguôi ngoai, không còn “nặng lòng” với cô giáo nữa.

Một cô giáo nhắn tin tình cảm cho nam sinh lớp 8 để diễn kịch để giúp em vượt qua cú sốc bị từ chối?
Một cô giáo nhắn tin tình cảm cho nam sinh lớp 8 để "diễn kịch" để giúp em vượt qua cú sốc bị từ chối?

Trò “ép tình” thầy, chuyện tưởng là hy hữu nhưng thật ra không ít thầy cô giáo gặp phải tình cảnh trò được “cuồng yêu”.

Chuyện có thật như đùa từng xảy ra tại Trường THCS C.K (Nghệ An). Th. cô học trò lớp 8 từ e dè, che dấu rồi không ngại công khai mình có tình cảm đặc biệt thầy Sơn dạy Hóa. Từ cái nhìn len lén khi thầy dạy học, rồi đến khi thầy không còn phụ trách lớp thì Th. sẵn sàng bỏ tiết học của mình chỉ để đứng ở lớp khác… nhìn thầy.

Khổ sở cho ông thầy, thà không biết thì thôi, đây tin rạo cả trường nên cứ thấy cô học trò là thầy tim đập chân run. Thầy im lặng, hạn chế tiếp xúc và xem như không biết mà vẫn không được yên. Từ bom thư, quà tặng, Th. còn nói thầy mà không thèm để mắt đến mình thì Th. nào là sẽ bỏ học, rồi thì sẽ chọn cái chết để giữ trọn tấm chân tình của mình.

Chưa kể, thấy nữ sinh nào trò chuyện hay tiếp xúc với thầy Sơn là Th. chặn đường gây sự. Cô cảnh cáo tránh xa “thầy của mình” ra, nữ sinh cả trường ai cũng sợ Th. Đến khi cả gia đình, nhà trường vào cuộc nhưng sự việc “trò cuồng thầy” vẫn dai dẳng kéo dài đến tận lúc Th. tốt nghiệp lên học cấp 3 mới chấm dứt. Khổ cho ông thầy, mấy năm trời ngột thở vì tình cảm của trò.

Trường hợp khác, cô M., một giáo viên trẻ mới tốt nghiệp về dạy học tại một trường ở TPHCM. Vẻ ngoài xinh xắn lại vui tính, dễ gần, cô được rất nhiều học trò quý mến, nhất là các nam sinh. Cậu học trò tên Bảo, trong buổi sinh hoạt lớp, đứng dậy nghêu ngao : “Tôi kể người nghe, chuyện tình anh học trò mà đòi yêu cô giáo…”.

Đùa mà hóa thật, Bảo “điên cuồng” vì cô M., dùng đủ cách để tiếp cận cho dù cô giáo công khai mình đã có bạn trai. Ngày cuối tuần nào cũng vậy, Bảo lên phòng trọ của cô trông cây si trước cửa phòng. Thanh niên nào đến chơi là Bảo gây chuyện đòi đánh, đòi giết làm cô giáo muốn hẹn hò với bạn trai cũng phải lén la lén lút. “Chiêu” Bảo hay dùng nhất để dọa cô giáo là tự hủy hoại bản thân như nhuộm tóc xanh tóc đỏ, đi nhậu nhẹt… hòng bắt cô quan tâm đến mình.

Cô M. như vướng phải dây trói, kiên quyết thì sợ Bảo làm liều mà nhẹ nhàng thì có thể làm cậu hiểu nhầm. Cuối cùng cô M. phải chuyển trường và đến giờ điều cô sợ nhất là gặp phải học trò “cuồng tình” nên cô rất hạn chế tiếp xúc quá thân thiết với các nam sinh.

Đừng sợ học trò yêu

Được học trò… “để mắt” trở thành nỗi ám ảnh với rất nhiều giáo viên, nhất là bây giờ nhiều em thể hiện tình cảm rất táo bạo. Nếu có xảy ra chuyện gì không hay hoặc có điều tiếng thì sẽ đổ hết lên đầu giáo viên, ảnh hưởng đến thanh danh người thầy.

Như trường hợp của cô N. dạy Toán ở TPHCM, cô bị nhà trường và Phòng Giáo dục nhắc nhở cần chú ý đến hành vi, lời ăn tiếng nói để tránh hiểu nhầm cho học sinh. Nội tình bên trong chỉ người trong cuộc mới rõ nhưng cách ứng xử của cô N. khi gặp phải học trò “cuồng yêu” gây ra nhiều điều tiếng cho bản thân và cả nhà trường.

Mối quan hệ tình cảm thầy trò nếu có cũng hoàn toàn bình thường như mọi mối quan hệ khác. Tuy nhiên, khi trò với thầy có tình cảm với nhau, dư luận thường cho như vậy là vậy là không bình thường, thậm chí còn bị quy vào phạm trù đạo đức nên tạo nên áp lực rất lớn đối với người thầy. Chính điều này cũng dẫn đến việc người giáo viên có lúc phải “gồng” mình lên để ứng phó, khó được thể hiện tình cảm thật nên vấn đề nhiều khi càng thêm rắc rối.

Học trò ngày càng bạo dạn trong cách thể hiện tình cảm (Trong ảnh: Học trò Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM tri ân thầy cô giáo)
Học trò ngày càng bạo dạn trong cách thể hiện tình cảm (Trong ảnh: Học trò Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM tri ân thầy cô giáo)

TS Xã hội học Phạm Thị Thúy cho hay, trong các buổi trao đổi nghiệp vụ sư phạm, bà gặp rất nhiều câu hỏi của giáo viên về việc học trò có tình cảm với thầy. Khi đó, bà thường nói với giáo viên rằng, học trò thương mình là điều bình thường, trước hết bản thân giáo viên đừng cho đó là xấu. Chính tâm lý cho rằng tình cảm không bình thường giáo viên có thể không trân trọng tình cảm của trò nên dễ lúng túng, dễ bị sốc.

Thầy cô cần thái độ tôn trọng tình cảm của học trò, đồng thời giữ khoảng cách đúng mực. Trong hoàn cảnh này, cái uy và ân của người thầy rất quan trọng. Thầy cô có uy thì người người học có tình cảm nhưng không dám quấy rối. Thầy cô có ân, ân tình, ân cần, quý trọng và từ chối tình cảm một cách lịch sự thì sẽ giúp học trò tránh được tổn thương.

Bà Thúy cũng nhấn mạnh, thầy cô cần quan tâm, quan sát và thấu hiểu tình cảm học trò sớm để giữ khoảng cách ngay từ ban đầu. Như vậy sẽ hạn chế được sự quá đà, táo bạo hay hy vọng ở học trò. Đặc biệt, giáo viên cần liên hệ chặt chẽ với gia đình để trao đổi, tìm biện pháp khi trẻ có dấu hiệu để bảo vệ các em cũng như giúp các em giữ thăng bằng trong tình cảm. Thông tin cho mọi người biết một cách tế nhị, không làm tổn thương học trò cũng là cách để giáo viên bảo vệ mình.

Thầy Cao Hữu Tài, giáo viên dạy thể dục tại một trường học ở TPHCM, từng nổi đình nổi đám khi dạy thể dục, võ trên nền nhạc sôi động, kể mình cũng không ít phen gặp nữ sinh… tỏ tình, gọi thầy là anh.

Có em sau một thời gian “bắn tín hiệu” còn gặp thầy hỏi thẳng thừng: “Em yêu thầy. Thầy có yêu em không?” làm thầy Tài đứng tim. Cũng may thầy giữ được bình tĩnh để cho rằng em ấy đang thể hiện tình cảm thầy trò thì không có lý gì mình lại từ chối. Thầy gật đầu và đáp lại: “Có chứ, thầy yêu em như tất cả mọi học trò của mình”. Cô học trò tìm được câu trả lời và cũng không bị “sốc” vì bị thầy từ chối.

Lê Đăng Đạt

(Hoainam@dantri.com.vn)