TPHCM:

Phụ huynh tố cô giáo nhắn tin tình cảm cho nam sinh lớp 8

(Dân trí) - Mới đây, một cô giáo dạy Toán tại một trường THCS đóng trên địa bàn quận 6, TPHCM bị một số phụ huynh của trường “tố” nhắn tin qua điện thoại và qua Facebook với những lời lẽ tình cảm yêu đương, mùi mẫn với nam sinh lớp 8 vượt quá giới hạn trong mối quan hệ cô trò.

Theo ý kiến của phụ huynh, có thể ban đầu tình cảm xuất phát từ cậu học trò tên A. dành cho cô giáo tên N. thì sẽ không có gì để nói. Có điều, dường như cô N. đón nhận tình cảm này và đáp lại rất nhiệt tình. Thông qua nội dung tin nhắn thì nhiều người cho rằng cả hai đã thể hiện tình cảm như một cặp đôi yêu nhau thật sự cũng như cả hai có gặp gỡ, hẹn hò

Phụ huynh tố cô giáo nhắn tin tình cảm cho nam sinh lớp 8 - 1

Một số nội dung tin nhắn từ phía cô N. gửi cho em A. như: Sợ sau này thương A. quá không bỏ được mà lại không thể đến được, nhiều rào cản; Chỉ có việc đi chơi thôi, A. còn chưa để tui an tâm, nói chi đến việc bảo vệ…

Một số tin nhắn của em A. gửi cho cô N. như: Yêu mà cũng sợ, sợ j (sợ gì), đã yêu thì mình bất chấp, tuổi tác mình bước qua được mà, làm gì mà không đến được chứ; A. luôn bên cô, người ta nói gì thì A. sẽ bảo vệ cô.

Còn có một số tin “nhạy cảm” hơn như "Không thích anh ôm hả" từ phía A. và cô N. đáp lại: "Cũng là ôm đó, mà ôm rất tế nhị đàn ông".

Phụ huynh tố cô giáo nhắn tin tình cảm cho nam sinh lớp 8 - 2
Một số tin nhắn tình cảm, mùi mẫn được cho là của cô giáo dạy Toán và nam sinh lớp 8
Một số tin nhắn tình cảm, mùi mẫn được cho là của cô giáo dạy Toán và nam sinh lớp 8

Nhiều ý kiến cho rằng tình cảm này rất khó chấp nhận, không chỉ làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, tình cảm thầy trò thiêng liêng mà trên hết em A. đang trong độ tuổi vị thành niên. Liệu tình cảm này của của cô N. đối với em A. liệu có đang trái pháp luật?

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 6 xác nhận sự việc xảy ra tại một trường trên địa bàn thông qua đơn phản ánh từ phụ huynh. Trường cũng đã làm việc với cô N., tuy nhiên cô N. không thừa nhận tình cảm của mình với em A., cho rằng chỉ có tình cảm từ phía em A. Khi đó, nhà trường đã nhắc nhở cô N. chú ý đến tác phong, lời lẽ phù hợp đối với học trò.

Tuy nhiên, khi được biết những tin nhắn đầy mùi tình cảm giữa cô và trò, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 6 cho biết sắp tới sẽ có thêm buổi trao đổi, làm việc với cô N. để có hướng xử lý phù hợp nhất.

Trao đổi về sự việc này, một chuyên gia giáo dục ở TPHCM chia sẻ quan điểm, do thông tin chưa rõ ràng, cũng chưa được xác nhận một cách chính xác nên có rất nhiều tình huống có thể xảy ra. Về mặt logic, tâm lý thì rất khó xảy ra sự việc như trên.

Về sự chênh lệch tuổi tác, về tâm sinh lý, về hiểu biết thì rất xảy ra mối quan hệ tình cảm này. Có chăng là tình cảm như một người chị, một người mẹ đối với học trò thì dễ hiểu hơn. Nếu em A. học cấp 3 thì có thể xảy ra tình cảm cô trò nhưng em A. mới học lớp 8, cho dù có cao to, có thể hiện nào đi chăng nữa thì tâm sinh lý cũng đang là một đứa trẻ đang tuổi mới lớn.

Ông đặt ra tình huống, có chăng nick cô giáo bị hack hoặc ai đó sử dụng điện thoại của cô gửi tin nhắn cho cậu học trò như những lời bông đùa? “Sự việc này cần sự cẩn trọng vì có thể ảnh hưởng đến thanh danh một người thầy và cả hội đồng sư phạm”, ông chia sẻ.

Nếu tình huống trên là có thật, có những tin nhắn tình cảm giữa cô và trò như phụ huynh phản ảnh, chuyên gia này đặt câu hỏi liệu cô giáo có vấn đề về tâm lý hay không. Bản thân cô có gặp một cú sốc nào đó về mặt tình cảm trước đây? Chúng ta cần có sự thông cảm với chia sẻ với cô.

Khi đó, giải pháp tốt nhất là nên điều chuyển công tác cô N. để tránh nhiều nhiều hậu quả đáng tiếc của mối quan hệ “nhạy cảm” giữa một cô giáo với trẻ vị thành niên. Cô cần thay đổi môi trường, có điểm lùi mình ra xa để tỉnh táo hơn nhìn lại sự việc cũng như tránh được những gièm pha không đáng có.

Lê Đăng Đạt