Cô giáo nhắn tin tình cảm cho nam sinh lớp 8: Chỉ là… màn diễn?

(Dân trí) - Liên quan đến sự việc cô giáo dạy Toán bị phụ huynh “tố” nhắn tin tình cảm cho… nam sinh lớp 8 ở TPHCM, Phòng GD-ĐT quận 6 (TPHCM) vừa có buổi trao đổi với nhà trường và cô giáo N.

Theo đó, cô N. chia sẻ lúc đầu khi biết học sinh A. biểu hiện tình cảm với mình cô vẫn nghĩ đơn giản em quý mến mình như tình thầy trò nên cô trò cũng khá thân thiết. Cho đến khi nhận ra em A. có những biểu hiện đặc biệt với mình, cô đã hạn chế tiếp xúc với em. Nhưng rồi em A. bức xúc, thậm chí có lúc đòi tự vẫn làm gia đình rất lo lắng, hoang mang.

Theo cô N. chính bố mẹ em A. đã liên lạc với cô mong cô khuyên nhủ và định hướng để em A. ổn định tư tưởng. Gần đây em A. đã không còn có đòi sống đòi chết vì cô giáo nữa và tình cảm cũng đã nguôi ngoai.

Còn những tin nhắn qua lại giữa cô trò, cô N. cho biết có một phần tin nhắn của mình chỉ với mục đích là để động viên, tránh cho em A. cú sốc khi bị cô từ chối tình cảm.

Cô giáo nhắn tin tình cảm cho nam sinh lớp 8 chỉ là màn diễn?
Cô giáo nhắn tin tình cảm cho nam sinh lớp 8 chỉ là màn diễn?

Về phía bố mẹ em A., ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận 6 cho hay, gia đình không có ý kiến hay khiếu nại gì. Họ chỉ mong muốn con trai được ổn định để tập trung cho việc học.

Trước luồng ý kiến, cô N. nên chuyển trường để tránh những áp lực, gièm pha, cô N. bày tỏ lập trường và nguyện vọng ở lại công tác. Vì cô đã gắn bó với trường từ lâu, có nhiều tình cảm với ngôi trường, đồng nghiệp và học trò nên không muốn thay đổi.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 6 và nhà trường đánh giá việc cô N. nhắn tin cho em A. để giúp học sinh ổn định tư tưởng, tình cảm như vậy là chưa phù hợp. Đồng thời, cũng lưu ý cô N. chú ý đến hành vi, lời ăn tiếng nói để tránh những hiểu nhầm không đáng có.

ThS giáo dục Phạm Phúc Thịnh bày tỏ quan điểm khi biết thông tin này, ông đã nghĩ có thể vụ việc là một sự dàn dựng và có điều gì đó… trái trái. Một nam sinh lớp 8 dù có phát triển vượt bậc về mặt thể chất, nhưng về mặt tâm lý vẫn đang là một đứa con nít. Bạn gái cùng lứa tuổi chưa chắc đã thèm để mắt tới, nói gì đến một phụ nữ lớn hơn cả chục tuổi.

Sự việc lại xảy ra ở một quận của TPHCM, nơi cô giáo không thiếu cơ hội tiếp xúc, lựa chọn thì tình cảm này lại càng khó xảy ra.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một chuyên gia xã hội học, tình cảm giữa một người phụ nữ và với một bạn trai mới 14 tuổi, cách nhau cả chục tuổi vẫn hoàn toàn có thể xảy ra, tình cảm không biên giới. Tuy nhiên, bản thân bà không được tiếp xúc với cô và trò trong trường hợp này nên không thể bình luận về sự việc. Người trong cuộc cần xác định tình cảm của mình và những người xung quanh cũng nên cư xử một cách tôn trọng, tế nhị đừng làm vấn đề nghiêm trọng hơn và tổn thương người trong cuộc.

Việc không kỷ luật cô giáo trong trường hợp này theo các chuyên gia cho là cách xử lý đúng. Đây có thể xem là sự việc “nhạy cảm” để tránh tổn thương cô trò thì việc chuyển công tác cô N. là một phương án phù hợp. Nhưng nếu cô N. có nguyện vọng và sẵn sàng ở lại trường để dạy học với một tâm thế rất chủ động thì không có lý do lại “ép” cô đi nơi khác.

Lê Đăng Đạt

(Hoainam@dantri.com.vn)