Giáo sư Ngô Bảo Châu: Nghiên cứu toán học ở Việt Nam đã thực sự khởi sắc

(Dân trí) - Nghiên cứu toán học ở Việt Nam đã thực sự khởi sắc.Những công trình toán học hoàn toàn thực hiện ở Việt Nam, đã được ghi nhận và công bố ở những tạp chí hàng đầu quốc tế.

Đó là khẳng định của GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán trong Hội nghị tổng kết chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học 2011-2020 ngày 23/12.

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Nghiên cứu toán học ở Việt Nam đã thực sự khởi sắc - 1

GS Ngô Bảo Châu (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Phát biểu trực tuyến từ Mỹ, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nhấn mạnh, vai trò của Viện nghiên cứu cao cấp về toán, cũng như mục đích của chương trình trọng điểm quốc gia là thúc đẩy sự phát triển của toán học Việt Nam.

"Nghiên cứu toán học ở Việt Nam đã thực sự khởi sắc. Những đơn vị nghiên cứu hàng đầu như Viện toán học Việt Nam luôn duy trì vị trí đầu đàn của mình, không chỉ ở số lượng nghiên cứu mà đặc biệt ở chất lượng nghiên cứu. Tuy còn chưa nhiều, nhưng đã có những công trình toán học hoàn toàn thực hiện ở Việt Nam, đã được ghi nhận và công bố ở những tạp chí hàng đầu quốc tế" - GS Ngô Bảo Châu khẳng định.

Theo GS Ngô Bảo Châu, nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, nếu không kể đến các trường hàng đầu như Đại học quốc gia, vốn rất mong manh, nay đã phát triển mạnh đặc biệt về số lượng công bố. Tuy chất lượng công bố có thể còn chưa đồng đều, nhưng cũng có những công trình rất xuất sắc đã được hoàn thành.

Với sự hỗ trợ của chương trình trọng điểm, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán đã liên tục tổ chức, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, hội nghị, hội thảo và đã thực sự đóng góp vào bước tiến của nghiên cứu toán học Việt Nam trong giai đoạn 10 năm vừa qua.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng, cái đích chúng ta muốn hướng tới trong mười năm tới là sự chuyển biến đồng đều về chất lượng nghiên cứu khoa học để toán học Việt nam khẳng định rõ rệt vị trí của mình trên bản đồ thế giới bằng sự hình thành những nhóm nghiên cứu xuất sắc, những công trình nghiên cứu có dấu ấn thực sự. Cảm nhận của tôi qua quá trình làm việc gần dây với các các nhà toán học trẻ Việt Nam là hoài bão này đã trở nên khả thi.

Tuy nhiên, theo GS Châu, toán học Việt Nam đang đối mặt với những thử thách lớn trong lĩnh vực đào tạo do sự thiếu sinh viên đầu vào. Cộng đồng toán học sẽ phải có những cố gắng lớn hơn nữa trong việc phổ biến toán học đến các em nhỏ, thông qua các hoạt động trải nghiệm như Ngày hội toán học mở, thông qua các kênh truyền thông như tạp chí Pi.

Cần kiện toàn việc giảng dạy toán học ở các trường đại học với định hướng ứng dụng mạnh hơn. Cũng cần có những cố gắng đặc biệt trong việc tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi toán để duy trì và cải thiện thành tích thi IMO vì đó là luôn là một nguồn khích lệ rất lớn đối với các em học sinh giỏi toán.

Theo GS Ngô Bảo Châu, sau những cố gắng kiên trì bền bỉ, nghiên cứu toán ứng dụng ở Việt Nam hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Điều đáng khích lệ là nhận thức về nhu cầu ứng dụng toán học đã trở nên hiện hữu, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư trực tiếp vào nghiên cứu cơ bản.

Nhiệm vụ của chương trình phát triển toán học và của Viện Nghiên cứu cấp cao về toán trong giai đoạn tiếp tới là thiết lập những mạng lưới nghiên cứu ứng dụng có khả năng nghiên cứu ở mức cao đồng thời với khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn và cấp thiết của xã hội.

Ngày 22/12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2200/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030".

Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có 05 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong Top 500 của thế giới về lĩnh vực Toán học, trong đó có ít nhất 02 cơ sở được xếp hạng trong Top 400.

Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng khoảng 80% giảng viên, giáo viên Toán cốt cán của các cơ sở giáo dục đại học, trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông.

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo một số nội dung trọng tâm, tiêu biểu như sau:

Thứ nhất, thúc đẩy công bố công trình Toán học chất lượng cao thông qua thiết lập hệ thống giải thưởng đối với các nghiên cứu xuất sắc để nâng cao chất lượng công bố; học trợ giảng viên, giáo viên trẻ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng Toán học.

Duy trì và phát triển các nhóm nghiên cứu, hướng nghiên cứu mạnh truyền thống, đồng thời hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và các nhóm nghiên cứu hỗn hợp trong nước - quốc tế, đặc biệt ở các hướng nghiên cứu hiện đại, liên ngành. Hỗ trợ xây dựng và phát triển tạo chí về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp được xếp hạng trong danh mục các tạp chí uy tín trên thế giới (ECSI/Scopus).

Thứ hai, thúc đẩy nghiên cứu các ứng dụng Toán học, chú trọng phát triển một số lĩnh vực có nhu cầu cao trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhiệm vụ cần chú trọng là tổ chức thường xuyên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các nhóm làm việc phối hợp giữa Trường/ Viện - Nhà nước - Doanh nghiệp về các chủ đề Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp.

Ưu tiên bố trí kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng Toán để giải quyết các vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội như: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bảo mật và an toàn thông tin, vận trù học, môi trường và biến đổi khí hậu.

Tham gia đào tạo nhân tài, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số có hàm lượng Toán học cao như: Trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), mật mã và an toàn thông tin, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vận trù học.

Thứ ba, hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán. Tham gia nghiên cứu và tổ chức các diễn đàn trao đổi về các mô hình, phương pháp giáo dục Toán học hiện đại và để xuất cho Việt Nam. Hỗ trợ phát triển một số cơ sở giáo dục đại học trở thành trung tâm toán học mạnh ở miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, làm đầu tàu phát triển Toán học và hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện chương trình.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo Toán học, trong đó: Hỗ trợ phát triển Toán học trong khu vực ASEAN và Châu Á thông qua các hoạt động nghiên cứu và đào tạo quốc tế, để nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng của Toán học Việt Nam.

Đồng thời, tổ chức ít nhất 2 hội nghị khoa học tầm cỡ khu vực Châu Á và thế giới trong giai đoạn 2021-2030. Thu hút các nhà Toán học quốc tế cũng như các nhà Toán học Việt Nam ở nước ngoài đến trao đổi hợp tác nghiên cứu, đào tạo và tham dự các hoạt động chuyên môn.

Phát triển và mở rộng các kênh hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo trên cơ sở bền vững và hiệu quả; triển khai các chương trình, dự án và đề tài hợp tác quốc tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm